Bùng phát can nhiễu mạng 3G

5/09/2010 08:00:32 AM

Việc phát hiện và xử lý can nhiễu do điện thoại kéo dài theo chuẩn DECT 6.0 gây ra thường rất khó khăn

 Vài tháng gần đây, việc sử dụng điện thoại kéo dài theo chuẩn DECT 6.0 bắt đầu bùng phát gây can nhiễu cho mạng 3G tại các tỉnh miền Trung và miền Nam với mức độ lan rộng.

“Rớt” mạng 3G vì cố định kéo dài

Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, từ tháng 5/2010 một số thiết bị điện thoại kéo dài được đưa về Việt Nam đã gây can nhiễu nghiêm trọng cho mạng 3G. Phía MobiFone đã xác nhận thông tin này với Báo BĐVN và cho biết mạng này đang bị ảnh hưởng lớn vì những can nhiễu này. Khi mạng 3G bị can nhiễu sẽ xảy ra hiện tượng “rớt” mạng, thực hiện cuộc gọi hoặc nhận cuộc gọi không được, truy cập các dịch vụ 3G như: Internet, xem tivi, cuộc gọi video… không ổn định. Trong khi MobiFone “dính chưởng” bởi điện thoại kéo dài thì phía VinaPhone và Viettel khẳng định họ chưa bị ảnh hưởng bởi can nhiễu từ điện thoại kéo dài.

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, mới đây Bộ TT&TT đã cấp 4 giấy phép 3G cho các mạng di động có dải tần lên (up link) từ 1900 – 1980 MHz. Trong đó, mạng MobiFone có dải tần up link từ 1920 – 1935 Mhz. Thế nhưng gần đây, trên thị trường xuất hiện điện thoại cố định kéo dài chuẩn DECT 6.0 có tần số 1920 – 1930 MHz. Điện thoại này có tính năng nhảy tần trong dải tần số này và rơi đúng vào băng tần up link của MobiFone gây can nhiễu cho mạng di động này.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó trưởng Phòng Kiểm soát tần số của Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, các loại điện thoại cố định kéo dài theo chuẩn DECT 6.0 sẽ gây can nhiễu cho các trạm thu phát sóng 3G của MobiFone nếu người dân sử dụng loại điện thoại này cách trạm thu phát sóng 3G trong bán kính từ 100 – 200 m.

Bùng phát can nhiễu cho mạng 3G

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hiện việc người dân sử dụng điện thoại kéo dài ảnh hưởng đến mạng 3G đang lan rộng. Từ trước đến nay chưa có nguồn gây nhiễu nào có mức ảnh hưởng và trên phạm vi rộng như trường nguồn nhiễu từ máy điện thoại cố định. Lần đầu tiên Cục Tần số Vô tuyến điện phát hiện ra 4 vụ can nhiễu tại Cần Thơ với 4 máy điện thoại kéo dài sử dụng chuẩn DECT 6.0. Sau đó, việc can nhiễu do thiết bị này gây ra bắt đầu bùng lên từ tháng 5/2010 đến nay với mức độ và quy mô ngày càng nghiêm trọng. Trong thời gian này, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phải dồn nhân lực để tìm và xử lý nguồn nhiễu từ máy điện thoại chuẩn này.

Ông Lê Văn Tuyên cho biết, phạm vi bị ảnh hưởng lớn nhất của việc can nhiễu này là từ Quảng Trị đổ vào trong. Trong đó một số điểm “nóng” và đã phát hiện nhiều vụ can nhiễu như Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hoà, Cần Thơ, Kiên Giang .

Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, chỉ trong quý II năm 2010, Cục Tần số Vô tuyến điện đã giải quyết can nhiễu cho mạng thông tin di động 3G của MobiFone trên địa bàn 16 tỉnh, thành. Trong đó, Cục đã phát hiện hơn 150 máy điện thoại không dây, chuẩn DECT 6.0, dải tần 1920 MHz – 1930 MHz, không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam, gây can nhiễu cho mạng thông tin di động MobiFone 3G. Cho đến thời điểm này, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phát hiện 149 trạm thu phát sóng 3G của MobiFone bị can nhiễu và đã xử lý 297 điện thoại DECT 6.0 nằm trên phạm vi 20 tỉnh thành.

“Mới tuần trước, các Trung tâm kiểm soát tần số khu vực báo cáo lên Cục có phát sinh thêm nhiễu. Ban đầu chúng tôi phỏng đoán nguyên nhân có thể là do phía MobiFone lắp thêm trạm thu phát sóng 3G nên sẽ có thêm phát sinh can nhiễu. Giả thuyết thứ hai là người dân bắt đầu sử dụng điện thoại chuẩn DECT 6.0. Tuy nhiên, các Trung tâm báo cáo là trường hợp phát sinh nhiễu là ở những nơi đã có trạm thu phát 3G từ trước. Như vậy, có thể thấy người dân bắt đầu sử dụng những điện thoại chuẩn DECT nhiều hơn nên gây can nhiễu lan rộng và ngày càng nhiều”, ông Lê Văn Tuyên, Phó trưởng phòng Kiểm soát tần số của Cục Tần số Vô tuyến điện nói

Theo thống kê của Cục Tần số Vô tuyến điện, từ trước đến nay chưa có vụ can nhiễu nào trên diện rộng, khó dập và có nguy cơ lan rộng như can nhiễu từ điện thoại cố định chuẩn DECT 6.0. Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, nguồn gốc xuất xứ điện thoại DECT 6.0 chủ yếu là hàng xách tay, quà tặng từ Mỹ, không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam, khi sử dụng sẽ gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.

Ngày 16/4/2008, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821 ÷ 960 MHz và 1710 ÷ 2200 MHz. Theo Quyết định này, các đoạn băng tần 1900 ÷ 1980 MHz, 2010 ÷ 2025 MHz và 2110 ÷ 2170 MHz được dành cho hệ thống IMT–2000. Hiện 4 giấy phép 3G được ấn định 3 kênh tần số cho hướng xuống (trong dải 2110 ÷ 2170 MHz) và 3 kênh tần số cho hướng lên (trong dải 1920 ÷ 1980 MHz). Như vậy, có thể nhận thấy rằng điện thoại kéo dài sử dụng công nghệ DECT có băng tần hoạt động 1900 ÷ 1920 MHz và 1910 ÷ 1930 MHz không phù hợp với các quy định của Bộ TT&TT.

(Theo ICTNews)