Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành thị trường “hàng đầu” của Apple với doanh số tăng gấp 3 lần trong quý I năm 2014, tỷ lệ cao gấp 5 lần so với Ấn Độ.
Trong hội nghị với các nhà đầu tư, báo cáo tài chính của Apple cho thấy mức doanh thu ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Theo đó, số lượng iPhone, iPad bán ra tại Việt Nam tăng gấp 3 lần trong 3 tháng đầu năm. Mức tăng này nhanh gấp 5 lần so với Ấn Độ, nơi Apple đang đầu tư rất lớn cho cuộc chiến giành thị phần. Số liệu này đã đưa Việt Nam lần đầu tiên có mặt trong danh sách thị trường tiềm năng hàng đầu của Táo Khuyết từ khi hãng công nghệ tên tuổi này thành lập đến nay.
Tâm lý tiêu dùng của người Việt không chỉ chú trọng đến công nghệ mà còn là giá trị tinh thần mang tính “định vị” sự giàu có, địa vị xã hội mà sản phẩm đó mang lại. Apple đã rất thành công, thậm chí thành công vượt bậc so với các hãng điện thoại khác khi đưa iPhone, iPad… trở thành biểu tượng của sự sành điệu, thành đạt và sang trọng.
Vì vậy, người Việt Nam sẵn sàng bỏ ra chi phí có giá trị tương đương ½ thu nhập bình quân trên đầu người (PCI) của Việt Nam ( số liệu năm 2012 ) để sở hữu iPhone. Chị Phạm Mỹ Linh, nhân viên văn phòng cho biết: “dù iPhone có giá hơn 2 tháng lương của tôi, nhưng tôi vẫn quyết định mua để bản thân có được sự tự tin”. Không chỉ những người có đủ điều kiện mua hoặc mua trả góp iPhone, nhiều người dùng có mức thu nhập thấp cũng mong muốn sở hữu cho mình sản phẩm này. Và sự lựa chọn của họ là những sản phẩm nhái của iPhone với mức giá thấp tới kinh ngạc- 2 triệu đồng.
Theo dữ liệu công bố hồi tháng 1/2014 của hãng nghiên cứu thị trường GfK, smartphone chiếm 77% doanh số điện thoại di động ở Việt Nam năm 2013, và số lượng máy được tiêu thụ tăng gần 135% so với một năm trước đó. Doanh số máy tính bảng tăng 250% trong năm 2013, trong khi giá bán giảm gần 27%. Những số liệu này thu hút nhiều hãng công nghệ quan tâm đầu tư tới thị trường Việt Nam.
Dương Linh
Theo BusinessInsider