Chỉ ít ngày sau khi rút các sản phẩm ra khỏi tiêu chuẩn “thân thiện với môi trường” và chịu sự tẩy chay gay gắt, Apple đã phải nhân nhượng và bất ngờ đưa các sản phẩm của mình trở lại tiêu chuẩn “xanh”.
Các sản phẩm của Apple đã buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn EPEAT sau khi bất ngờ rút ra khỏi tiêu chuẩn này vào tuần trước. |
Đây có thể xem là một trong những quyết định đảo ngược chính sách nhanh nhất trong lịch sử của Apple, chỉ chưa đầy 1 tuần rút các sản phẩm ra khỏi danh sách của EPEAT, một tập hợp các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cho các sản phẩm công nghệ cao, “Quả táo” đã phải thay đổi lại quyết định của mình sau khi chịu sự phản đối gay gắt.
Thông tin trên được chính Bob Mansfiled, Giám đốc phần cứng của Apple công bố.
“Chúng tôi nhận thấy rất nhiều khách hàng trung thành của Apple cảm thấy thất vọng với quyết định rút sản phẩm ra khỏi hệ thống tiêu chuẩn EPEAT. Và đó là một sai lầm. Kể từ hôm nay, các sản phẩm của Apple sẽ tiếp tục phù hợp với tiêu chuẩn của EPEAT”, ông Mansfiled nói.
Tiêu chuẩn EPEAT yêu cầu các công ty phải thiết kế sản phẩm sao cho người dùng có thể tháo rời và sửa chữa dễ dàng. Điều này sẽ giúp cho quá trình tái chế sản phẩm (thường được thực hiện tại các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển) sẽ không làm cho các chất độc hại như pin tan lẫn vào môi trường.
Apple đã ký kết và tham gia vào tiêu chuẩn EPEAT trong nhiều năm qua, tuy nhiên hãng này đã bất ngờ rút các sản phẩm ra khỏi EPEAT vào tuần trước, mà một trong những lý do có thể vì thiết kế của các sản phẩm mới như iPad hay MacBook khó để tháo rời các linh kiện riêng biệt.
Mặc dù Mansfield cho biết Apple đang cố gắng để xây dựng một tiêu chuẩn môi trường nội bộ riêng của mình, mạnh mẽ và hoàn chỉnh hơn so với EPEAT, tuy nhiên có lẽ quyết định quá gấp gáp của Apple khiến cho tiêu chuẩn mới do “Quả táo” xây dựng chưa kịp hoàn thiện và công bố.
“Các đội kỹ thuật của chúng tôi đã làm việc rất tích cực trong những năm qua để làm cho sản phẩm của chúng tôi thậm chí còn thân thiện hơn với môi trường và nhiều sự tiến bộ của chúng tôi đã vượt xa mức tiêu chuẩn của EPEAT”, Mansfield cho biết.
Dù vậy, quyết định của Apple đã lập tức chịu sự phản đối, chí ít là từ phía các cơ quan của chính phủ Mỹ. Thành phố San Francisco là một trong những thành phố tiên phong “tẩy chay” các sản phẩm của Apple vì các sản phẩm này không đạt được chứng nhận của EPEAT. Ngoài ra, một lượng lớn các khách hàng cá nhân hay các tập đoàn lớn tại Mỹ cũng đã có động thái “quay lưng” với Apple.
Có lẽ chính những sự tẩy chay gay gắt này là động thái để khiến Apple phải thay đổi quyết định của mình trước khi làn sóng “tẩy chay” lan truyền rộng hơn trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, trước thông tin mà Mansfield công bố, hiện vẫn còn một câu hỏi đặt ra là liệu việc quay trở lại tiêu chuẩn EPEAT có làm thay đổi phong cách thiết kế các sản phẩm mới của Apple? Liệu iPad trong tương lai có dễ dàng để tháo lắp và sử dụng nguồn pin có thể tháo rời?
Theo Mashable.