9 sai lầm của Microsoft trong năm 2011

Microsoft vừa trải qua một năm khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt trên nhiều mảng thị trường. Dưới đây là một số sai lầm khiến Microsoft lún sâu vào thất bại.

Năm vừa qua, Microsoft đã phải chứng kiến những đối thủ lớn như Google và Apple tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong khi chính hãng phải vật lộn để đi lên chậm chạm trên thị trường di động. Trong một số trường hợp, những vấn đề Microsoft mắc phải đến từ chính sai lầm của hãng.

micro.jpg

 

1. Máy tính bảng ở đâu?

Bước vào năm 2011, Microsoft được mong chờ sẽ ra mắt máy tính bảng cho khách hàng cá nhân cũng như người dùng doanh nghiệp. Tuy nhiên đến tận cuối năm, điều này vẫn chưa thành hiện thực. Hiện tại, Microsoft nói rằng họ chuẩn bị đưa máy tính bảng chạy Windows 8 ra thị trường vào năm 2012. Trong khi nhiều người còn hoài nghi không biết lời hứa hẹn này có trở thành sự thật hay không, máy tính bảng Windows 8 bị nhiều nhà phân tích cảnh báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì ra mắt chậm.

2. Bỏ mặc nền tảng quảng cáo trực tuyến

Trải qua nhiều năm, Microsoft thừa hiểu quảng cáo trực tuyến quan trọng thế nào với tương lai của hãng. Tuy nhiên, Microsoft dường như cố gắng rất ít để nâng cao đáng kể thị phần của Bing. Microsoft đã để Google “mặc sức” củng cố ngôi vương quảng cáo trực tuyến của Google mà không có bất kỳ biện pháp đối phó đáng kể nào.

bing-contre-google-match-444644.jpg

3. Không thể thâu tóm một hãng sản xuất điện thoại

Trong lúc Windows Phone 7 đang gặp nguy hiểm và các nhà sản xuất đều dành những thiết kế “đỉnh” nhất cho Android, có lẽ sẽ là bước tiến khôn ngoan nếu Microsoft mua lại một hãng sản xuất điện thoại. Bằng cách ấy, Microsoft có thể kiểm soát cả phần mềm và phần cứng của sản phẩm. Thay vào đó, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác với Nokia – một quyết định cũng bị coi là không mấy khôn ngoan.

4. Thỏa thuận hợp tác với Nokia

nokia.jpg

Như đã nói trên, quyết định hợp tác với Nokia của Microsoft không được đánh giá cao và có thể gây tổn thương cho hãng về lâu dài. Theo một số nguồn tin, Microsoft đã “dốc” khá nhiều tiền để đảm bảo mối hợp tác với Nokia. Kết hợp với thực tế là thị phần của Nokia đã giảm mạnh, và lượng khách hàng yêu thích sản phẩm của họ cũng ít dần, cú bắt tay này khó giúp Microsoft cứu vãn được Windows Phone 7.

5. Để Android vượt mặt

Năm 2011, thị phần của Android tăng mạnh. Trong khi đó, vị trí của Microsoft bị suy giảm nghiêm trọng suốt cả năm. Khách hàng không mấy để ý đến các thiết bị Windows Phone 7 và chủ yếu dành mối quan tâm cho các sản phẩm Android và iPhone. Để đấu lại iPhone rõ là một việc quá khó khăn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Microsoft đã không khẳng định được mình trong cuộc cạnh tranh với Android và thể hiện những ưu điểm trội hơn Android ví dụ như tính bảo mật.

6. Không lấp đầy không gian giải trí trong phòng ở

Với Xbox 360 và Microsoft Kinect, Microsoft đã thể hiện phần nào sự am hiểu về nhu cầu giải trí trong phòng ở của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội thuộc mảng kinh doanh này bị Microsoft bỏ qua. Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy trong năm 2012, Apple sẽ ra sản phẩm Apple TV với nhiều dịch vụ tích hợp. Điều này sẽ hạn chế đáng kể các cơ hội phát triển của Microsoft trên thị trường giải trí trong phòng ở năm 2012.

7. Duy trì vị trí CEO của Steve Ballmer

3609056.bin.jpg

Steve Ballmer đã điều hành Microsoft trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra các quyết định sâu sắc có khả năng giúp hãng giành lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trước đây. Điều này gây ra mối nghi ngờ liệu Ballmer có nên tiếp tục là nhà điều hành cao nhất của gã khổng lồ công nghệ hay không.

10 năm qua, giá cổ phiếu của Microsoft đã giảm dần, tiềm lực tài chính không còn mạnh như mong đợi và vị trí trong ngành công nghiệp bị suy yếu, cộng thêm các vấn đề trên thị trường di động đã chứng tỏ Ballmer không phải người thích hợp nhất cho vị trí CEO.

8. “Mua hớ” Skype

microsoft-skype-2.jpg

Microsoft mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD. Mặc dù thương vụ mua bán được coi có khả năng giúp Microsoft cạnh tranh với FaceTime của Apple, số tiền mà Microsoft bỏ ra bị coi là bị “hớ” khi Skype, mặc dù là dịch vụ phổ biến, đang làm ăn rất thua lỗ.

9. Không nhấn mạnh khả năng bảo mật

Năm vừa qua, Microsoft dường như quá “nương tay” với các đối thủ di động mà làm tổn thương chính vị thế của mình trên thị trường này. Một trong những ưu điểm chính của Microsoft ở lĩnh vực này chính là bảo mật. Không giống như Android bị coi là mục tiêu yêu thích của hacker, các chuyên gia đều đồng tình là Windows Phone 7 có thể chống lại phần lớn các mối đe dọa. Tại sao Microsoft không tận dụng điều ấy để thực hiện các chiến dịch tiếp thị khẳng định sự khác biệt này?

(Theo ICT News)