Nếu bạn sắp sửa mua smartphone và không muốn dế cưng của mình biến thành “đồ cổ” trong vòng 2 năm tới, có 6 điểm mà bạn cần hết sức chú ý.
Trong vài năm vừa qua, smartphone đã trở nên hết sức phổ biến. Ngày hôm nay, khi chúng ta nói chuyện về “điện thoại di động”, chúng ta thường nói về smartphone nhiều hơn là điện thoại phổ thông. Nhờ có tính đa dạng của mình, Android là lý do smartphone có thể tấn công vào phân khúc giá rẻ của thị trường, đem những tính năng “thông minh” đến đông đảo người dùng. Tại phân khúc này, Android sẽ không thực sự thành công nếu như không có những công ty như Pantech (Sky) hoặc Micromax – những công ty liên tục tung ra các mẫu điện thoại có cấu hình “cao cấp” nhưng giá lại khá mềm.
Nếu như đối với bạn, smartphone là một khoản đầu tư thì bạn nên tính đến việc sử dụng khoản đầu tư này trong vòng 2 năm – đó là vòng đời hợp lý nhất của sản phẩm. Với tốc độ phát triển hiện tại của ngành công nghệ, phần lớn các mẫu smartphone đều nằm trên kệ khoảng 1 năm nếu như chúng đủ may mắn. Các nhà sản xuất ngừng cung cấp các bản cập nhập trong vòng 6 – 8 tháng, trừ trường hợp sản phẩm là một chiếc smartphone rất thành công (như Galaxy S3) hoặc có lỗi ảnh hưởng đến phần đông người dùng.
Trong trường hợp bạn muốn mua một chiếc smartphone mới, có một vài điều bạn phải quan tâm nghiên cứu trước khi bỏ tiền ra. Đây là những tính năng cực kỳ căn bản theo đánh giá của trang công nghệ Tech2.in, và nếu như chiếc smartphone mơ ước của bạn thỏa mãn những điều kiện này, bạn có thể yên tâm rằng trong 2 năm tới chiếc smartphone này vẫn chưa thành “cục gạch” vô dụng.
Màn hình HD
Màn hình 720p với kích cỡ 5 inch đem lại cho bạn mật độ điểm ảnh/inch khá cao giúp hình ảnh và chữ hiển thị sắc nét. Dựa trên kích cỡ màn hình mà bạn muốn sử dụng, hãy cố gắng tìm một chiếc smartphone có mật độ điểm ảnh/inch (ppi) từ 250 trở lên. Thực tế, mật độ 320ppi là tốt nhất vì lên trên mức này, mắt người không thể phân biệt được nữa. Để tính ra thông số điểm ảnh/inch, bạn có thể sử dụng công cụ DPI Calculator: bạn chỉ cần nhập vào độ phân giải và kích cỡ màn hình.
Ngoài ra, việc các nhà sản xuất đang “quá tay” trong việc nhồi nhét pixel vào màn hình là có thật. Các mẫu smartphone Android cao cấp nhất hiện nay như Galaxy S4 và HTC One đều có màn hình độ phân giải Full HD (1080p) và chắc chắn xu hướng đó sẽ tiếp tục trong một thời gian dài. Tuy vậy, nếu như bạn đang để mắt tới một chiếc điện thoại 6 inch trở lên, thì độ phân giải 1080p cũng đồng nghĩa với mật độ điểm ảnh/inch vào khoảng 320ppi. Cho dù số lượng smartphone có màn hình lớn như vậy vẫn là khá hạn chế, hãy luôn luôn nhớ tới độ phân giải và mật độ điểm ảnh/inch để chắc chắn rằng mình sẽ mua được một chiếc điện thoại có màn hình sắc nét.
2GB RAM
Hoạt động của smartphone nói chung chịu ảnh hưởng lớn từ lượng RAM mà máy sở hữu. Dựa vào tiêu chuẩn nói chung hiện nay, có thể nói 2GB là một xuất phát điểm tốt. Sự khác biệt giữa 1GB và 2GB sẽ không rõ ràng khi chạy các tác vụ bình thường của hệ điều hành, song các ứng dụng nặng ký như các trò chơi (vốn thường tải đồ họa chiếm nhiều bộ nhớ lên RAM) chắc chắn sẽ hưởng lợi từ bộ nhớ RAM lớn. Windows Phone 8 được thiết kế để chạy tốt trên 512MB hay 1GB RAM, song rất tiếc đối với Android, 2GB mới là sự đảm bảo an toàn cho tương lai.
Ít nhất là 16GB bộ nhớ (trong trường hợp không có khe cắm thẻ nhớ)
Giống như laptop, việc lắp thêm thẻ nhớ cho smartphone sẽ giúp bạn đem theo mình thêm nhiều file ảnh và nhạc ưa thích, quay những đoạn video HD dài hơn và cài những ứng dụng/trò chơi nặng ký hơn. Rất tiếc, không phải tất cả các mẫu smartphone đều có tính năng này, đặc biệt là các mẫu cao cấp. Điều đó có nghĩa rằng bạn phải dành nhiều thời gian hơn cho việc quản lý file trên điện thoại của mình.
Nếu như bạn đang tính tới việc mua một chiếc smartphone không hỗ trợ thẻ nhớ, hãy nhớ mua một chiếc có bộ nhớ trên 16GB. Lý do là hệ điều hành bao giờ cũng sẽ chiếm mất 2GB bộ nhớ trong hoặc hơn, và do vậy bộ nhớ 8GB trở xuống là không đủ.
Hãy mua smartphone có vi xử lý 2 nhân Cortex-A9 hoặc 4 nhân Cortex-A7 trở lên
Số lượng nhân của vi xử lý và tốc độ xung nhịp cao chưa chắc đã đảm bảo đem lại một chiếc smartphone hoạt động mượt mà. Đôi khi, vi xử lý 2 nhân còn có thể nhanh hơn vi xử lý 4 nhân, ví dụ điển hình nhất là Galaxy S3. Phiên bản Hoa Kỳ của Galaxy S3 sử dụng vi xử lý Qualcomm 2 nhân và nhanh hơn cả phiên bản quốc tế sử dụng vi xử lý Tegra lõi tứ của Nvidia.
Tìm ra vi xử lý “hoàn hảo” cho chiếc smartphone của bạn là một điều gần như không thể, do các nhà sản xuất tung ra rất nhiều sản phẩm và các vi xử lý có thể chạy rất tốt một ứng dụng song lại tỏ ra quá chậm chạp khi chạy một ứng dụng khác. Tuy vậy, nói tóm lại, một vi xử lý 2 nhân tốc độ cao có thể đảm bảo smartphone của bạn sẽ chạy các bản cập nhập hệ điều hành trong 2 năm tới một cách mượt mà.
Hiện nay, các vi xử lý của ARM đang được đánh mã hiệu Cortex-Axx, trong đó, số xx càng lớn thì vi xử lý càng mạnh. Hãy nhớ mua một chiếc smartphone có vi xử lý 2 nhân Cortex-A9 hoặc 4 nhân Cortex-A7 trở lên.
Camera 8 “chấm” cùng với cảm biến chiếu sáng sau (BSI)
Camera đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được của smartphone hiện đại, và công dụng của chúng không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh hay quay video. Các ứng dụng hỗ trợ thực tại ảo (AR), quét thẻ, nhận diện chữ cái và nhận diện cử chỉ khuôn mặt – tất cả đều phụ thuộc vào tính năng camera của smartphone.
Số “chấm” không phải là thông số quan trọng nhất mà là loại cảm biến. Đối với các mẫu smartphone hiện đại, cảm biến chiếu sáng sau (Backside Illuminated Sensor – BSI) là loại tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý tới vi xử lý tín hiệu hình ảnh của điện thoại: vi xử lý này hoàn toàn có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến chất lượng cuối của ảnh chụp.
GLONASS
Bên cạnh GPS, GLONASS đang ngày càng trở nên phổ biến trong những mẫu smartphone được ra đời vào năm nay (trong đó đáng chú ý nhất là các mẫu Xperia của Sony), và xu hướng này có thể tiếp tục trong những năm sắp tới. Lợi thế của GLONASS so với GPS là hệ thống này có thể định vị vị trí của bạn tốt hơn, và trong trường hợp bạn chuyển đổi ứng dụng thì hệ thống này có thể khóa vị trí của bạn lại.
Kết luận
Có những tính năng không hề có tên trong danh sách này, trong đó đáng kể nhất là NFC và 4G LTE. Lý do là bạn không thực sự cần đến 2 tính năng này. NFC đã trở nên rất phổ biến trong thời gian gần đây, song chúng ta vẫn chưa thực sự thấy tính năng này có ảnh hưởng gì đến trải nghiệm người dùng. 4G LTE có thể sẽ trở nên phổ biến trong các năm tới, song thực tế tốc độ 3G là đủ cho các tác vụ đòi hỏi nhiều băng thông nhất, ví dụ như tải video HD.
Dựa vào các điểm nói trên, một số mẫu điện thoại đảm bảo được gần như tất cả các điểm nói trên là iPhone 5, Galaxy S4 và Nexus 4.
(st)