3 vấn đề di động đang bó tay

Ngày nay, ngành công nghiệp di động đang trở thành một lĩnh vực bùng nổ và có tốc độ phát triển chóng mặt, nhưng các nhà sản xuất hay các nhà mạng cũng phải đối mặt với những thách thức khó có thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều.

Trong 20 năm qua, chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh đã có tới hàng chục nghìn phát minh khác nhau, doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, smartphone không chỉ có mặt ở các nước phát triển mà mật độ “phủ sóng” của nó ngày càng trở nên rộng hơn. Điện thoại không chỉ có tác dụng liên lạc nữa mà còn làm được nhiều điều hơn thế. Có thể khẳng định, ngày nay cuộc sống của nhiều người phụ thuộc khá nhiều vào smartphone. Theo một báo cáo của Nielsen khẳng định tại Mỹ, trong số các thuê bao di động thì có tới 50,4% số người sử dụng smartphone.

Tầm ảnh hưởng và những tác động tốt đẹp mà smartphone mang lại là không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên, ngành công nghiệp di động vẫn tồn tại một số yếu điểm rõ ràng. Việc giải quyết tốt vấn đề này không chỉ giúp ích cho người sử dụng mà ngay cả các hãng sản xuất di động cũng sẽ tự hoàn thiện được các sản phẩm của mình và đem lại một nguồn lợi nhuận nhiều hơn nữa. Sau đây, chúng ta hãy cùng xem xét 3 vấn đề nổi cộm mà ngành công nghiệp di động hay chính xác hơn là lĩnh vực sản xuất smartphone đang gặp phải.

1. Thời lượng pin

Ngành chế tạo các linh kiện phần cứng của smartphone đang có những bước tiến mạnh mẽ, hàng loạt những chiếc điện thoại với cấu hình “khủng” ra đời với nhiều tính năng hấp dẫn. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất pin thì lại bị bỏ lại phía sau. Bạn có trong tay một smartphone đời mới nhất với khả năng chơi game nặng hay lướt web tốc độ cao 4G nhưng chỉ sau đó vài giờ, chiếc điện thoại yêu quý bỗng “tắt ngóm” vì hết pin. Đây chính là vấn đề rắc rối phổ biến ở hầu như các loại smartphone hiện nay.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục vấn đề trên, rất nhiều công nghệ pin mới đã được áp dụng. Các loại pin lithium-ion trong hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1991. Từ đó đến nay, loại pin này đã được cải thiện nhằm tăng hiệu năng, nhưng vẫn không thể đáp ứng tốt cho các thiết bị hiện đại “ngốn” quá nhiều năng lượng. Các smartphone đời mới được tích hợp hàng loạt các công nghệ như màn hình lớn, chip xử lý tốc độ cao, mạng không dây đã vắt kiệt pin điện thoại một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, hạn chế về hiệu suất của pin càng trầm trọng hơn do sức nóng và tuổi thọ gây ra.

 

Các nhà khoa học đã phát minh ra công nghệ sạc không dây. Nhưng có vẻ như công nghệ này vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả về tốc độ so với cách sạc pin truyền thống. Một số nhà sản xuất (như Pantech) đã cung cấp thêm cho các khách hàng của mình thêm một pin dự phòng. Đây có lẽ là cách tối ưu hiện tại để duy trì hoạt động cho smartphone của người dùng thêm một khoảng thời gian nhất định.

2. Sự phân mảnh

Các sản phẩm di động ngày càng trở nên đa dạng với đủ các chủng loại và các hãng sản xuất khách nhau. Điều này giúp người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn và được lợi trong cuộc cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, đây lại là trở ngại cho các nhà phát triển ứng dụng và game để sản xuất một sản phẩm có thể hoạt động trên mọi thiết bị. Vấn đề càng rắc rối khi trên thị trường xuất hiện quá nhiều hệ điều hành di động và mỗi hệ điều hành này lại kéo theo nhiều phiên bản cập nhật con với những sự khác nhau rõ rệt về nền tảng cũng như cấu trúc.

Hệ điều hành Android là một ví dụ điển hình về sự phân mảnh trong ngành công nghiệp di động. Hệ điều hành của Google có rất nhiều phiên bản khác nhau, một số chức năng hay ứng dụng ở phiên bản mới sẽ không tương thích với phiên bản cũ. Thậm chí, khi gã tìm kiếm khổng lồ tung ra Android 4.1 Jelly Bean thì số lượng dòng smartphone được cập nhật hệ điều hành này cũng đang chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Rõ ràng, điều này đã tạo nên sự không công bằng đối với người tiêu dùng. Đặc biệt nhất là khi Microsoft phát hành Windows Phone 8, nhiều người dùng tỏ ra vô cùng tiếc nuối và hụt hẫng vì hệ điều hành này không hỗ trợ cho các dòng máy cũ chạy Windows Phone 7. Apple cũng không phải ngoại lệ khi iPhone thế hệ đầu và iPhone 3G không thể cập nhật lên iOS 5. Các nhà phát triển hệ điều hành lý giải nguyên nhân là do khả năng tương thích về phần cứng. Tuy nhiên, biết đâu có thể đây chỉ là một chiêu trò kinh doanh nhằm bán được các sản phẩm mới của các “ông lớn” vốn không thiếu các toan tính.

Người dùng nếu không muốn sử dụng các thiết bị cũ kỹ thì vẫn phải chấp nhận móc hầu bao để chi cho các sản phẩm đắt tiến. Bởi nếu đặt địa vị vào hoàn cảnh người dùng, khi mà Android 4.1 đã ra mắt, nếu mình vẫn còn dùng một chiếc điện thoại chạy Android 2.2 thì cũng có gì đó cảm thấy “chạnh lòng”. Các nhà phát triển phần mềm cũng rất đau đầu bởi họ phải đảm bảo rằng các ứng dụng và trò chơi của mình có thể hoạt động trơn tru trên càng nhiều thiết bị càng tốt.

Giải pháp “một nền tảng hệ điều hành cho tất cả”

Chỉ sử dụng một nền tảng hệ điều hành cho tất cả các loại smartphone. Điều này liệu có thể thực hiện được không? Có lẽ rất lâu nữa điều này mới có thể trở thành hiện thực. Mỗi bản cập nhật với một nền tảng cũng có thể tương thích ngược và nếu nghiêm trọng hơn nó sẽ hạn chế các tính năng mới. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng khó thu được nhiều lợi nhuận nếu các khách hàng không chịu mua các thiết bị mới bởi đơn giản chỉ có một hệ điều hành chi phối tất cả thì người dùng đâu cần phí tiền để mua một smartphone khác chạy hệ điều hành tương tự.

Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn mua một thiết bị về khả năng tương thích phần mềm, lộ trình nâng cấp trong tương lai hay chính cả triển vọng phát triển của hệ điều hành đó. Bên cạnh đó, đối với các nhà phát triển nên có một chiến lược dài hơn và tốt nhất không nên “đem con bỏ chợ” như những gì mà Microsoft đã làm với người dùng Windows Phone.

3. Khả năng cung cấp các dịch vụ của bên thứ ba không đồng đều giữa

Khi bạn nhìn thấy các quảng cáo mới nhất về những chiếc smartphone có khả năng truyền tải video độ nét cao với tốc độ chóng mặt, bạn luôn ao ước sở hữu một thiết bị như vậy. Công nghệ mạng 4G LTE đã có thể làm được những điều mà mạng 3G không thực hiện được. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phạm vi phủ sóng 4G là có giới hạn. Thậm chí tại Mỹ, cũng mới chỉ hơn hai phần ba dân số Hoa Kỳ được sử dụng mạng 4G. Và Việt Nam chúng ta sẽ còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.

 

Ở các nước phát triển, mạng Wi-Fi luôn được phổ biến ở mọi điểm công cộng, người dân hoàn toàn có thể truy cập mạng mà không cần trả phí. Nhưng đối với những quốc gia đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế và nó khiến dân cư ít được sử dụng các dịch vụ trọn gói một cách tốt nhất.

Các nhà cung cấp vẫn liên tục cải thiện mạng lưới, nhưng họ chủ yếu tập trung vào các khu vực đông dân như thành thị. Do đó, nếu bạn sống ở một khu vực không được hỗ trợ sóng 4G thì cũng không nên chi thêm tiền chỉ để có thêm tính năng này.

Theo Vietnamnet.