25 ngày đáng nhớ trong lịch sử CNTT

Con đường của máy tính hiện đại ngày nay thực tế dài hơn chúng ta dự đoán, với những thông tin rất thú vị.

Chẳng hạn:

–          Người phát minh ra email không nhớ được ông đã thử nghiệm thành công nó vào ngày nào;

–          Pac-Man được xây dựng mô hình dựa trên một chiếc bánh pizza với tên gọi ban đầu là Puck-Man cho đến khi phải đổi tên vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ;

–          Ổ đĩa cứng đầu tiên có dung lượng 5MB và chỉ di chuyển được nếu sử dụng một chiếc xe nâng hàng;

–          Năm 1980, The Times đã đưa thông tin dự đoán rằng giá của một bộ xử lí văn bản (word processor) có thể lên đến 3.500 Bảng Anh

–          Máy tính Deep Blue đã thắng vua cờ Garry Kasparov và sự kiện đó được miêu tả như một “chiến thắng tâm lý”….

Để có thể hình dung ra tiến trình phát triển của công nghệ thông tin, xin mời các bạn cùng chúng tôi điểm lại 25 ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử ngành khoa học đã và đang thay đổi mạnh mẽ thế giới này.

1. 23/12/1834: Charles Babbage công bố ý tưởng về Máy phân tích (analytical engine)

Babbage bắt đầu nghiên cứu từ năm 1821 với ý tưởng về một cỗ máy đặc biệt, với niềm tin rằng một cỗ máy tính cơ khí sẽ có thể thiết lập các bảng toán với tốc độ nhanh và độ chính xác cao hơn nhiều so với các nhà toán học. Đến năm 1834, khi mà chiếc máy đầu tiên của ông vẫn chưa hoàn thành, thì Babbage đã nghĩ đến một chiếc máy khác với mục tiêu tham vọng hơn rất nhiều: một chiếc máy phân tích, có thể được lập trình với nhiều phép tính khác nhau. Nói về sự kiện này, Bảo tàng Khoa học London viết:

“Các mẫu thiết kế cho Máy phân tích đã bao gồm hầu hết các đặc trưng logic cần thiết của một chiếc máy tính điện tử kỹ thuật số hiện đại. Cỗ máy này được lập trình bằng cách sử dụng các thẻ đục lỗ. Nó có một “bộ lưu trữ” nơi giữ các con số và kết quả trung gian và một khu riêng biệt khác có tên gọi “mill” để thực hiện các phép xử lí toán học. Sự phân chia thành lưu trữ (bộ nhớ) và “mill” (bộ xử lý trung tâm) cũng chính là nguyên tắc cơ bản của tổ chức bên trong cho những máy tính hiện đại ngày nay.

Babbage tiếp tục nghiên cứu những bản thiết kế của ông cho đến khi ông qua đời vào năm 1871, nhưng những hạn chế kỹ thuật của thời đó và sự rụt rè trong cá tính của ông đã ngăn cản Babbage trong việc xây dựng nên chúng từ các bản thiết kế. Bảo tàng khoa học London đã lắp đặt thành công các cỗ máy theo thiết kế của Babbage vào tháng 11 năm 1991.

Năm 1870, tờ The Times đã bình luận về các mẫu thiết kế của Charles Babbage: “Có lẽ, sẽ rất khó để giải thích rõ cho công chúng và những người đọc không có chuyên môn về kỹ thuật để họ hiểu được bản chất của những phát minh phức tạp này”.

2.  22/10/ 1925: Transistor được cấp bằng sáng chế

Mặc dù Julius Edgar Lilienfeld thất bại trong việc cụ thể hóa thiết kế của ông, nhưng thiết bị mà ông đăng ký sáng chế năm 1925 chính là tổ tiên của hàng tỷ tỷ transistor (bóng bán dẫn) đang được sử dụng ngày nay. Việc phát triển thiết bị này diễn ra khá chậm, những năm 1950, loại thiết bị này mới bắt đầu được sản xuất hàng loại để thay thế các ống chân không trong các máy tính ở thời kỳ đầu, giúp cho kích thước của các cỗ máy này giảm đi đáng kể và khả năng làm việc của chúng đáng tin cậy hơn.

Năm 1954, The Times dự báo: “Việc sử dụng bóng bán dẫn trong các radio thông thường báo hiệu thiết bị này sẽ còn tiến xa hơn nữa trong các ứng dụng cho mọi lĩnh vực”.

hp_advert_2.jpg3. 1/1/1939: Hewlett-Packard thành lập, dẫn đến sự ra đời của Thung lũng Silicon

Đầu những năm 1930, Bill Hewlett và Dave Packard, những người bạn cùng theo học tại trường Đại học Stanford (Mỹ), đã quyết định sẽ cùng kinh doanh với nhau. Năm 1938, họ khởi nghiệp bằng công việc sản xuất các máy tạo dao động, dùng để kiểm tra các thiết bị âm thanh, trong một nhà xưởng khiêm tốn ở phía sau nhà 257, trên đại lộ Addison, Palo Alto, ngày nay nơi đó đã trở thành một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với những người yêu công nghệ, muốn hành hương tìm về nơi sinh ra Thung lũng Silicon, là trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới. Sau thương vụ đầu thành công với máy tạo dao động, dẫn đến việc Hewlett và Packard quyết định chính thức hợp tác chung vào đầu năm 1939, họ đã dùng cách tung đồng xu phân định để xem tên ai sẽ được đặt trước trong tên chung của công ty sẽ được thành lập, và Hewlett đã giành chiến thắng. Hewlett-Packard phát triển rất nhanh chóng, giới thiệu nhiều sản phẩm mới và phong cách quản lý cởi mở của công ty đã trở thành hình mẫu cho nhiều công ty công nghệ khác làm theo, và dần tập trung lại, hình thành nên khu công nghệ nổi tiếng tại khu vực phía nam San Franscisco. HP ngày nay là nhà sản xuất máy tính để bàn lớn nhất thế giới.

4. 25/11/1943: Máy tính Colossus ra đời

Khi Alan Turing đặt mục tiêu sẽ cho ra đời một máy điện toán phổ thông, có người đã nói với ông rằng kích thước của nó sẽ lớn hơn cả nhà thờ St Paul và dự định đó là rất viển vông. Những nỗ lực của nước Anh trong việc giải các thư mật của quân đội Đức, đã trao cơ hội và những trợ giúp cho Turing trong việc phát triển và thử nghiệm các mẫu thiết kế của mình. Ban đầu, những cỗ máy tương đối thô sơ được gọi là bombe được sử dụng để gỡ dần các đoạn code phức tạp của quân Đức chạy qua các tổ hợp giải mã với tốc độ nhanh mà quân đội Đức không thể ngờ tới. Khi Mark I Colossus được xây dựng thành công vào cuối năm 1943, thì tốc độ của quy trình giải mã còn được cải thiện nhanh hơn rất nhiều. Mark I Colossus, loại thiết bị định hình vai trò to lớn của công nghệ thông tin trong các cuộc chiến tranh, được cho là đã góp phần rút ngắn chiến tranh xuống khoảng còn 2 năm. Sự ra đời của Collossus đã mang lại hiệu quả tức thì trong những ngày đen tối nhất cả Chiến tranh thế giới lần thứ 2, và nó bản thân đã là một dấu ấn mang tính lịch sử: Turing và các đồng sự của mình đã thành công ở lĩnh vực mà Babbage gặp thất bại, đó là xây dựng một máy điện toán vừa tự động vừa có thể lập trình được. 10 cỗ máy Colossus đã được chế tạo cho đến ngày chiến tranh kết thúc, nhưng không còn sót lại một cỗ máy nào. Churchill đã ra lệnh phá hủy toàn bộ chúng cùng với các bản thiết kế để giữ bí mật về Bletchley Park, trung tâm nghiên cứu nổi tiếng phục vụ chiến tranh của quân đội Anh trong Thế chiến lần thứ 2.

5. 14/2/1946: ra mắt máy tính ENIAC

eniac.jpg

ENIAC là tên viết tắt của Electronic Numerical Integrator and Computer (máy tính tích phân điện toán), cũng đã được phôi thai từ trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Năm 1943, John Mauchly và J Prosper Eckert bắt đầu nghiên cứu chế tạo một cỗ máy được thiết kế để tăng tốc quá trình tính toán tọa độ ném bom cho quân đội Mỹ. Chiếc máy có kích cỡ bằng một căn phòng này được xây dựng từ 18 nghìn ống chân không so với con số 1.500 bóng sử dụng cho Colossus, là một cỗ máy có sức mạnh đáng kể và rất linh hoạt. Theo bảo tàng ENIAC, các thông tin được xử lý bằng máy tính này với nhiều mục đích, từ phục vụ công tác dự báo thời tiết, tính toán năng lượng hạt nhân, nghiên cứu tia vũ trụ, số ngẫu nhiên đến các dự án nghiên cứu khoa học. Không giống như Colossus bí mật, các thành tựu kỹ thuật của ENIAC được nhìn nhận rộng rãi, cuốn The First Computers (Những máy tính đầu tiên), của các tác Raúl Rojas và Ulf Hashagen viết:

ENIAC nhận được sự đón nhận của công chúng, không chỉ bởi vì kích thước ưa nhìn của nó, mà quan trọng hơn, là bởi vì tốc độ ánh sáng mà nó sở hữu, với khả năng thực hiện các phép cộng hoặc từ 10 chữ số với tốc độ nhanh không ngờ – chỉ 1 phần 5000 giây. Nó nhanh gấp khoảng 1.000 lần nếu so với các máy điện toán cùng thời đạt được mức tính toán này, với cùng độ chính xác.

ENIAC kết thúc sứ mệnh của mình vào năm 1955, người ta ước tính rằng số phép tính mà nó thực hiện trong vòng 1 thập kỷ thậm chí còn nhiều hơn số phép tính mà cả loài người đã thực hiện trước khi nó ra đời.  

6.  Tháng 12/1954: Máy tính toán để bàn Casio đầu tiên

Mẫu máy tính để bàn 14-A của Casio mặc dù rộng hơn 1 mét và nặng khoảng 140kg nhưng lúc đó vẫn được miêu tả là tương đối nhỏ gọn. Điểm làm nên tính chất cách mạng của chiếc máy này là nó được vận hành hoàn toàn theo nguyên tắc điện tử, khác hẳn so với những thế hệ máy tính toán chạy cơ trước đó vẫn dựa trên nguyên tắc khởi nguồn của các bàn tính. Máy 14-A cũng là phát súng lệnh báo hiệu sự khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh cải tiến không ngừng được biết đến như là một cuộc chiến tranh trong lĩnh vực máy tính toán, ở đó các công ty liên tiếp đưa ra những mẫu sản phẩm nhỏ hơn và rẻ hơn. Chỉ trong vòng 15 năm, các máy tính cầm tay đã xuất hiện và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng.

7. 4/9/1956:  Ra mắt máy tính IBM 305 RAMAC  

Ổ đĩa cứng đầu tiên được chế tạo dành riêng cho IBM 305 RAMAC, nghĩa là là chiếc máy tính này đã có thể lưu trữ dữ liệu bằng kỹ thuật số. Mặc dù dung lượng bộ nhớ đáng kể, chỉ có thể lưu trữ được gần 5MB thông tin, nhưng cỗ máy này nặng khoảng 1 tấn và người ta phải sử dụng xe nâng hàng để đưa nó lên máy bay. Ngày nay có những chiếc USB mặc dù chỉ to bằng ngón tay cái nhưng cũng có thể lưu trữ được lượng dữ liệu gấp hàng nghìn lần con số đó.

(Còn nữa)