160.000 chữ kí và hy vọng của người sáng lập Wikipedia

Hàng ngàn người đã ủng hộ lời kêu gọi của người sáng lập trang Wikipedia, phản đối việc dẫn độ một sinh viên Anh qua Mỹ để xét xử vì bị cáo buộc đã vi phạm bản quyền trên Internet.

Một bản kiến nghị đã được đưa ra bởi người sáng lập trang từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia Jimmy Wales để ngăn chặn việc một sinh viên ở trường Đại học Sheffield Hallam có tên Richard O’ Dwyer bị cảnh sát dẫn độ sang Mỹ. Bản kiến nghị này đã thu hút được 160.000 chữ kí ủng hộ chỉ trong vòng chưa đầy năm ngày.

 

Richard O’ Dwyer.

O’Dwyer, chàng sinh viên 24 tuổi, sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam vì bị cáo buộc có hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến liên quan tới website TVshack.net, một website cung cấp liên kết tới những trang mà người dùng có thể xem các chương trình truyền hình và phim trực tuyến. Trang web này hiện đã bị nhà chức trách Mỹ đánh sập.

Bản kiến nghị của Wales kêu gọi Bộ trưởng Bộ nội vụ Anh Theresa May rút lại yêu cầu cho phép cảnh sát dẫn độ chàng sinh viên trẻ tuổi này qua Mỹ để điều tra; đã đón nhận hơn 75.000 chữ kí chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nó được truyền bá rộng rãi tới những người Mỹ ủng hộ chàng sinh viên này trên trang Change.org.

 
Jimmy Wales – người sáng lập trang từ điển trực tuyến Wikipedia.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trang tin Guadian, Wales cho hay quyết định dẫn độ O’Dwyer đang đại diện cho một trận chiến khốc liệt giữa ngành công nghiệp điện ảnh nói chung với công chúng.

“Thật phẫn nộ khi chàng sinh viên này bị dẫn độ tới Mỹ để đối mặt với cáo buộc phạm tội về một hành động mà ở Anh không hề bị truy tố. Chưa hề có bất cứ một công dân Mỹ nào bị buộc đưa đến Anh để điều tra về hoạt động phạm tội bị cáo buộc diễn ra trên đất nước Mỹ cả. Do vậy, cảnh sát Mỹ cũng chẳng có quyền thực hiện điều ngược lại”.

 

Wikipedia là một trong những website hăng hái hoạt động vì một thế giới Internet tự do.

Việc dẫn độ chàng sinh viên này đã bị hầu hết các đảng phái chính trị, tổ chức, người đứng đầu và thành viên các Uỷ ban văn hóa, truyền thông, thể thao, các vấn đề đối ngoại ở Anh phản đối kịch liệt. Graham Linehan, tác giả kịch bản của nhiều bộ phim sitcom nổi tiếng như The IT Crowd, Black Books và Father Ted… cũng tham gia kí vào bản kiến nghị này.

Mẹ của Richard, bà Julia – người đã hăng hái vận động ủng hộ cho con trai mình trực tuyến và thông qua một cuộc biểu tình lớn vào năm ngoái, đã hoan nghênh những nỗ lực đáng trân trọng này của người sáng lập Wikipedia và kêu gọi Bộ Nội vụ Anh hãy để mắt đến bản kiến nghị này.

 

Richard O’ Dwyer và mẹ.

Trước đó, vào hồi tháng 1 năm nay, Toà án ở Westminster Magistrates đã ra phán quyết cho phép dẫn độ O’Dwyer sang Mỹ sau khi cậu sinh viên này lập ra trang mạng trực tuyến TVshack.net cho phép mọi người có thể xem các bộ phim và show truyền hình miễn phí. Trong tuyên bố hồi đầu tuần này, Bộ Nội vụ đã thêm một lần nữa khẳng định lại quyết định cho phép trên.

Theo các luật sư, trang mạng của O’Dwyer không vi phạm bản quyền trực tuyến khi chỉ như một trạm “trung chuyển” người xem tới những địa chỉ xem phim trực tuyến khác, giống như cách thức mà Google đang thực hiện.  Nhiều người nhận định rằng nếu bị dẫn độ sang Mỹ, O’Dwyer sẽ bị xét xử như một vật “tế thần” để quốc gia này cảnh báo công dân ở các quốc gia khác về việc vi phạm bản quyền và các sản phẩm trí tuệ của nước này. Đây là một điều cần được ngăn chặn.

Theo Genk.