Trước thềm tuyển sinh năm học 2022, ngành công nghệ thông tin thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh trung học phổ thông tham gia tìm hiểu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm ngành Công nghệ thông tin đứng TOP 2 trong số những ngành học được nhiều học sinh trung học phổ thông lựa chọn nhất trong kỳ tuyển sinh trung học phổ thông năm 2021, với 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Điều này chứng minh độ “hot” của ngành học thời đại này, cùng thực tế tỷ lệ học sinh mong muốn được học tập và làm việc trong ngành Công nghệ thông tin là rất cao.
Thế nhưng rất nhiều học sinh vẫn còn vô cùng mông lung, không hiểu biết về ngành Công nghệ thông tin mà chỉ đăng ký theo hiệu ứng “đám đông”, chọn ngành hot, lương cao để học.
Hiểu được tâm lý đó, Báo Thanh Niên tổ Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết” sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về khối ngành công nghệ thông tin từ tuyển sinh, đào tạo, việc làm…
Như Báo Thanh Niên đã đăng, thống kê từ TopDev – trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021 số lượng nhân lực này cần là 500.000 người nhưng bị thiếu hụt 190.000 người.
Để đáp ứng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong vài năm gần đây nhiều ngành đào tạo mới khối ngành này đã được các trường ĐH đưa vào tuyển sinh vào đào tạo.
Được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, Công nghệ thông tin được đánh gia là ngành học có cơ hội phát triển, thăng tiến cùng mức lương vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng như đại dịch, nguy cơ chiến tranh hay biến đổi khí hậu, ngành nghề này lại càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình. Cụ thể trong các ngành ứng dụng Công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay, Thông tin và truyền thông đang là ngành có nhu cầu cao nhất về nhân lực Công nghệ thông tin (chiếm tới khoảng 25% tổng nhân lực Công nghệ thông tin), tiếp đến là ngành Giáo dục và đào tạo (chiếm khoảng 12-13% tổng nhân lực Công nghệ thông tin).
Tham khảo: thanhnien.vn