Phát triển CNTT và công cuộc đột phá mang tầm thời đại (P1)

“Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ kinh tế. Coi trọng, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực…” là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương khóa IV về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Dưới đây là bài viết của PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam về một số đề xuất đóng góp cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế nước ta theo đướng đột phá từ trục cốt lõi và nền tảng của quá trình hiện đại hóa quốc gia trong không gian hội nhập.

“ Nhận diện” những tụt hậu

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khiến cho sự đua tranh phát triển trở nên gay gắt chưa từng thấy. Nó cũng cho thấy Việt Nam đang bị tụt hậu xa hơn thế giới trên nhiều phương diện cơ bản: trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, GDP, năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đó là sự thua kém mang tính thời đại, nó hàm nghĩa sự lạc hậu của phương thức phát triển và của mô hình tăng trưởng. Nguy cơ đặt ra cho Việt Nam bắt nguồn từ sự tụt hậu là rất lớn, an ninh quốc gia – hiểu theo nghĩa truyền thống và phi truyền thống – sự toàn vẹn lãnh thổ sẽ rơi vào thế nguy nan; đất nước có nguy cơ bị đặt ra “ngoài lề của sự phát triển”. Nguy cơ đó đang đối mặt một cách rất hiện thực với Việt Nam và đã được Đảng chỉ ra.

Tụt hậu phát triển tạo áp lực mạnh, đồng thời là động lực phát triển lớn của Việt Nam trong thế giới hội nhập và cạnh tranh. Việc vượt thoát khỏi nguy cơ đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới cho công cuộc phát triển ở Việt Nam.

Vì sao Việt Nam tụt hậu? Có hai tuyến nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, do chúng ta duy trì qúa lâu một mô hình tăng trưởng không phù hợp, “đẳng cấp” thấp – theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên lao động rẻ – chất lượng thấp và tiêu tốn nhiều vốn. Mô hình đó dẫn tới hậu quả là nền kinh tế chậm nâng cao đẳng cấp công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam chậm trưởng thành, không thể tiếp cận và tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu một cách hiệu quả.

Thứ hai, trong khi đó, thể giới tiến nhanh vào thời đại phát triển dựa trên một “đẳng cấp” công nghệ khác, cap hơn hẳn, với phương thức phát triển cao hơn. Thời đại công nghệ đó có nền tảng là CNTT và trục kết nối là quá trình tin học hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

Hội nhập vào thế giới hiện đại chính là hội nhập vào thời đại công nghệ và phương thức phát triển đó.

Sự nhận diện đó cho phép:

–          Nhận thức sâu sắc rằng tụt hậu của Việt Nam so với thế giới hiện nay chr yếu là tụt hậu về công nghệ, về năng lực hội nhập và kết nối. Đó là sự tụt hậu mang tính thời đại. Cách thức vượt bỏ nó quyết định triển vọng và tương lai của dân tộc Việt Nam.

–          Hiểu thực chất của sự “sánh vai” hiện đại là phải nhanh chóng vươn lên tầm thời đại công nghệ mới, chuyển nhanh sang kinh tế tri thức với nền tảng cơ bản là kinh tế thông tin.

Vận dụng những bài học quý vào Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra nhiều bài học quan trọng về khả năng phát triển tiến vượt và đuổi kịp các nước đi trước của các nước đi sau. Trong suốt hàng thế kỷ và trong số hàng trăm quốc gia, đa số nước không thể vượt được “bẫy thu nhập trung bình”. Chỉ có rất ít nên kinh tế tiến vượt lên, đuổi kịp các nước phát triển. Nổi bật trong số này là các con rồng châu Á – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Ai-xơ-len ở Châu Âu.

Sự khác biệt giữa các quốc gia “mắc bẫy” và “vượt bẫy” chính là năng lực tiếp thu, làm chủ và sáng tạo tri thức trong mọi lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – khoa học công nghệ, là ở năng lực lựa chọn và thực thi những cách thức và chiến lược phát triển khác nhau. Tất cả các nước tiến vượt này, theo quy luật chung, đều chọn CNTT làm nền tảng để thực hiện công cuộc hiện đại hóa. Thậm chí, Hàn Quốc, Đài Loan, Ai-xơ-len đã lấy CNTT làm trụ cột, làm mũi nhọn đột phá, nhờ đó nhanh chóng vượt lên.

Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang triệt để vận dụng kinh nghiệm này và tạo ra những kỳ tích phát triển mới.

Bài học quan trọng nhất rút ra từ những kinh nghiệm này là: trong thời đại ngày nay, lực lượng sản xuất quyết định nhất là trí tuệ con người, được hóa thân vào công nghệ và kỹ năng lao động. Trong nền kinh tế hiện đại, hàm lượng tri thức có vai trò quyết định vượt trội so với vốn, lao động, tài nguyên trong các sản phẩm và dịch vụ, tạo ra tăng trường bền vững.

Đất nước nào có nhiều năng lực sáng tạo công nghệ, làm chủ được nhiều công nghệ cao và có nguồn nhân lực chất lượng cao, nước đó sẽ tiến vượt và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh phát triển.

Vì thế, muốn thoát khỏi tụt hậu, tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiến lên kinh tế tri thức, xây dựng xã hội thông tin thông qua tin học hóa, tri thức hóa toàn diện đất nước.

(Còn nữa)

Theo Tạp chí Nhịp sống số.