Kỹ sư người Việt dùng AI khám bệnh cho tôm cá

Kỹ sư người Việt dùng AI khám bệnh cho tôm cá

Nhóm nghiên cứu xây dựng phần mềm kết nối với các cảm biến dưới nước để biết rõ tình trạng nước, thức ăn và phát hiện kịp thời bệnh tôm, cá.

Ứng dụng phần mềm hỗ trợ quá trình nuôi trồng thủy sản có tên Farmext được anh Trần Duy Phong (34 tuổi, kỹ sư thủy sản) và cộng sự nghiên cứu và phát triển, lọt vào top 20 Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI 2020 tại TPHCM. Phần mềm được phát hành trên nhiều nền tảng với hơn 1.500 trại nuôi và hơn 2.000 người sử dụng.

Được phát triển từ năm 2015, anh Phong cho biết, ban đầu Farmext là một trang web thông tin giúp cung cấp kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Tuy nhiên, anh nhận thấy ngoài kỹ thuật, việc quản lý và phân tích số liệu, đo đạc thông số môi trường nước ở thời gian thực mới là vấn đề nông dân quan tâm. Năm 2016, KS Phong và cộng sự quyết định phát triển phần mềm Farmext, tích hợp tất cả các tính năng trên nhờ AI và IoT.

Nhóm thiết kế phần mềm

Để có được phiên bản tương đối hoàn thiện về tính thẩm mỹ và kỹ thuật, nhóm nghiên cứu phải chạy thử nghiệm 20 phiên bản khác nhau trong suốt 3 năm, để điều chỉnh thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo những tính năng quản lý.

Farmext được xây dựng gồm các thiết bị cảm biến và bộ điều khiển tự động. Thiết bị cảm biến đo chất lượng môi trường trong thời gian thực do nhóm tự nghiên cứu và chế tạo. Các thông số về nhiệt độ nước, độ pH, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, được thiết bị liên tục cập nhật sau 5 phút và tự động ghi nhận thành nhật ký, giúp người dùng dễ dàng theo dõi. Để phòng và phát hiện sớm tình trạng bệnh cho tôm cá, hệ thống cảm biến quét ao nuôi và môi trường xung quanh trong bán kính 5 km, đưa ra dự báo sớm và chính xác.

Nếu các thông số vượt quá ngưỡng cho phép, hệ thống tự động cảnh báo bằng âm thanh để người dùng có thể giải quyết kịp thời. “Các thông tin này được xử lý và ra lệnh điều khiển các thiết bị trong ao một cách tự động, như nếu lượng oxy trong ao thấp, hệ thống sẽ khởi động quạt để tạo oxy hòa tan”, anh Phong nói.

Ngoài ra, phần mềm giống như trợ lý ảo giúp giải đáp các vấn đề kỹ thuật liên quan đến nuôi trồng thủy sản, nhờ bộ dữ liệu được xây dựng trên nền tảng AI. Người sử dụng có thể tương tác bằng giọng nói với hệ thống quản lý và thiết bị trong trang trại nuôi tôm cá, đồng thời có thể kết nối với chuyên gia trong ngành hỗ trợ từ xa.

Thiết bị cảm biến được lắp thử nghiệm tại trang trại nuôi tôm ở Cà Mau

Anh Phong cho biết, điểm đặc biệt của phần mềm này là tính năng truy xuất nguồn gốc nhờ việc lưu trữ dữ liệu trên cloud (đám mây) và thiết bị IoT thời gian thực. Dữ liệu được truy xuất từ lịch sử nuôi đến thông tin loài thủy sản. Phần mềm cung cấp mã QR cho mỗi vụ nuôi, đơn vị thu mua hoặc người tiêu dùng có thể theo dõi ao nuôi hoặc truy xuất lại thông tin, đảm bảo nguồn gốc.

“Tính năng truy xuất nguồn gốc được xây dựng từ nhu cầu thực tế của người dân khi đây luôn là thách thức lớn với hộ nuôi thủy sản quy mô nhỏ do thói quen sản xuất lâu đời, không ghi chép nhật ký nuôi. Farmext sẽ hỗ trợ quá trình truy xuất nhờ xây dựng nhật ký nuôi điện tử và cung cấp mã QR sau mỗi vụ, đảm bảo quá trình thương mại hóa”, kỹ sư Phong chia sẻ.

Hơn một năm qua, thiết bị đã được đưa vào tại các trại nuôi ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai. Mới đây, hệ thống được lắp đặt cho một số công ty xuất khẩu tôm cá lớn trong nước.

Hiện nhóm tiếp tục xây dựng kho dữ liệu đủ lớn để tăng độ thông minh cho hệ thống. “Mức độ thông minh của AI phụ thuộc vào số lượng dữ liệu vì vậy đây là vấn đề mà chúng tôi tập trung nhất vào lúc này để giải quyết”, anh Phong nói và cho biết, sẽ phát triển các đối tác phục vụ việc liên kết chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và đầu ra cho người nông dân.

Nguồn: VNExpress