Khoa học công nghệ sẽ dẫn đường phát triển đất nước

Khoa học công nghệ sẽ dẫn đường phát triển đất nước

Những vấn đề thời sự, thực trạng cấp bách hiện nay và cả những vấn đề gợi mở cho tương lai của đất nước đã được các trí thức trẻ đưa ra sau 2 ngày thảo luận tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020.
Nhiều trí thức trẻ cho rằng cần đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ để đưa đất nước phát triển

Phải mạnh về khoa học công nghệ

Đại diện cho nhóm thảo luận về chủ đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, nghiên cứu sinh Lê Thu Trang, Trường ĐH Texas A&M (Mỹ), cho rằng năm nay đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều khó khăn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai.

– Nghiên cứu sinh TRẦN THỊ THANH MAI, Trường ĐH Luật Hà Nội: 

“Năm 2020, tụi mình là những trí thức trẻ, nhưng đến năm 2045 sẽ có thể đặt mình vào vị trí lãnh đạo của đất nước, nên ý thức được tầm quan trọng và vai trò của mình. Ngày hôm nay tụi mình hành động để hướng đến vai trò quan trọng đó.”

Chính vì thế, đề xuất của nhóm đưa ra là xây dựng chiến lược, chính sách thúc đẩy khả năng chống chịu – thích ứng với cú sốc, khủng hoảng và các trường hợp khẩn cấp khác, hướng đến sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực.

Vậy làm sao để nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng? Nhóm đã đề ra các giải pháp: “Trong quy hoạch về hạ tầng, nên từng bước phát triển hệ thống hạ tầng xanh đô thị bằng một giải pháp dựa vào tự nhiên để trước hết phục hồi khả năng chống chịu và thích ứng của môi trường tự nhiên, qua đó nâng cao khả năng chống chịu của đô thị trước những loại hình thiên tai như: lũ lụt, hạn hán. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu ngành nghề là then chốt để phục hồi và phát triển nền kinh tế, cũng như thay đổi giáo dục đào tạo để tương ứng với các cơ cấu ngành đó”.
 
Trần Thị Thanh Mai, nghiên cứu sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội, đại diện nhóm thảo luận cho biết giải pháp nhóm đưa ra là cần phát triển mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo hướng hợp tác liên ngành và tạo ra các sản phẩm cụ thể.
Theo Thanh Mai, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cũng là giải pháp quan trọng, là nơi mang sứ mệnh giúp kết nối mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu, cũng như để lan tỏa được tinh thần trẻ, khát vọng trẻ. Đây cũng là hoạt động tạo tiền đề cho thế hệ thanh niên trí thức trẻ trở thành những lãnh đạo tương lai của đất nước.
“Năm 2020, tụi mình là những trí thức trẻ nhưng đến năm 2045 sẽ có thể đặt mình vào vị trí lãnh đạo tương lai của đất nước nên ý thức được tầm quan trọng và vai trò của mình. Ngày hôm nay tụi mình hành động để hướng đến vai trò quan trọng đó. Vì vậy, nhóm muốn thành lập những ban chuyên môn để đào tạo phát triển các tầng lớp trí thức trẻ kế cận”, Thanh Mai tâm huyết.
Làm sao để vai trò của khoa học và công nghệ có sức ảnh hưởng mạnh và tầm quan trọng trong phục vụ phát triển đất nước, thay mặt nhóm thảo luận, tiến sĩ Trần Lê Hưng (ĐH Cầu đường Paris, Pháp) đề xuất: “Cần xem khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) có tính dẫn đường cho phát triển đất nước”.
Để làm tốt điều này, theo tiến sĩ Hưng, khoa học công nghệ của đất nước phải mạnh. Nhà nước cần tạo lập và hình thành Ban STI nhằm hỗ trợ cho diễn đàn, các nhóm nghiên cứu có sự kết hợp trong – ngoài nước, các ấn bản khoa học chất lượng, các sản phẩm STI có tác động lớn cho Việt Nam và đạt tầm cỡ thế giới. Thúc đẩy việc điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế các quỹ khoa học, công nghệ của nhà nước, các ban ngành và của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho mạng lưới, các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện hoạt động STI.

Với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, chị Phan Đặng Thùy Dương (ĐH Tilburg, Hà Lan), đại diện nhóm tham luận đưa ra những kiến nghị. Các hoạt động phát triển cần lưu ý tới cả đối tượng “văn hóa” và “văn hóa truyền thống”, tăng cường hiểu biết văn hóa và giao thoa văn hóa. Cần nghiên cứu, xây dựng bộ năng lực, phẩm chất công dân toàn cầu cho thanh thiếu niên Việt Nam, đưa công dân toàn cầu trở thành một trong những chuẩn đầu ra cho ngành sư phạm. Thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế để giao lưu, học tập thông qua kết nối cộng đồng và học tập vì cộng đồng, phục vụ trực tiếp cho các cộng đồng.

Diễn đàn tiếp tục khẳng định được uy tín và sự lan tỏa

Phát biểu bế mạc diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, nhìn nhận diễn đàn lần này đã chọn chủ đề rất đúng và rất trúng, nên vừa bắt nhịp được hơi thở cuộc sống, vừa bắt kịp những vấn đề mà Đảng đang kỳ vọng, đặt ra cho Đoàn thanh niên và trí thức trẻ.
Anh Lương cho rằng diễn đàn tiếp tục khẳng định được uy tín và sự lan tỏa, cũng như phát huy tốt được chất lượng của các trí thức trẻ tham gia. Các trí thức trẻ đã tập trung vào giải pháp cho các vấn đề thời sự nóng bỏng, cấp bách nhất hiện nay. Không những thế còn có cả những hướng nhìn, vấn đề gợi mở cho tương lai được trao đổi đầy đủ, toàn diện và hết sức sâu sắc.
“Diễn đàn là một kênh tốt, môi trường tốt để liên kết, kết nối và gợi mở nhiều hơn ý tưởng của các bạn trẻ trong và ngoài nước, để các bạn tiếp tục đóng góp trí tuệ, chất xám vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, đây cũng là một kênh tạo môi trường để các bạn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và phát triển tốt công việc của mình”, anh Lương nhấn mạnh.
Anh Lương đặt kỳ vọng: “Diễn đàn lần này không chỉ kết thúc ở đây mà những gợi mở, trao đổi của các đại biểu sẽ tiếp tục là những gợi mở và trăn trở cho mỗi bạn trong quá trình học tập, công tác. Để tiếp tục ý thức thường xuyên và không phải đợi đến diễn đàn trí thức trẻ lần sau, chúng tôi hết sức kỳ vọng những đóng góp của các bạn hằng ngày, hằng giờ”.

Cũng theo chị Thùy Dương, cần phối hợp các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, năng lực ứng phó với các vấn đề tâm lý, phát triển năng lực thực hành tâm lý tại các cơ sở giáo dục. Đối với các cộng đồng thiểu số, yếu thế, cần ưu tiên phát triển nguồn lực bản địa. Phát triển văn hóa, ngôn ngữ bản địa cần được đặt làm trọng tâm cho các mô hình phát triển kinh tế, xã hội bền vững…
Phó giáo sư (PGS) Trần Xuân Bách, Tổng thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020, nhấn mạnh vai trò của sáng tạo khoa học công nghệ trong mục tiêu phát triển đất nước. Theo đó, trí thức trẻ toàn cầu cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển cho đất nước, nâng cao sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại. Chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đất nước.
Theo PGS Bách, các nhóm nghiên cứu mũi nhọn cần trả lời được những đòi hỏi tức thời, mang tính thời sự cấp bách hiện nay, như vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Làm sao để những nghiên cứu góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phòng ngừa giảm thiểu thiên tai, tăng cường công nghệ 4.0 trong phát triển công nghệ y tế và dược…
Trong đó, PGS Bách đưa ra những đề tài ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2025 như: Đào tạo doanh nhân dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Nghiên cứu chính sách về kinh tế tuần hoàn; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và bộ chỉ số phát triển toàn diện; Xây dựng mô hình liên kết vùng phát triển du lịch cộng đồng…

Theo thanhnien.vn