Cùng nhìn lại hành trình công nghệ 2014 với những sự kiện, xu hướng có sức ảnh hưởng và lan truyền lớn trong cộng đồng mạng.
Có thể nói, 2014 giống như bức tranh đa màu sắc, mạnh mẽ- ấn tượng, khó quên của làng công nghệ trong và ngoài nước. Hãy cùng Hanoi- Aptech khép lại một năm đầy biến động với những sự kiện có sức ảnh hưởng và lan truyền lớn trong cộng đồng mạng.
Flappy Bird- Bản HIT của Game Việt trên thị trường Thế Giới
Dù còn nhiều tiếc nuối, bình luận trái chiều về nội dung tựa game cũng như quyết định gỡ bỏ trò chơi của tác giả, Flappy Bird & Nguyễn Hà Đông vẫn xứng đáng là “cặp bài trùng” ấn tượng trong năm 2014, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn Thế Giới.
Flappy Bird và Tác giả Nguyễn Hà Đông- Ảnh nguồn Internet
Thành công mà Flappy Bird cùng tác giả của nó có được:
– Lần đầu tiên, một tựa game Việt có thể tạo nên “cơn sốt” thực sự trên toàn cầu.
– Lọt Top 10 từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Thế Giới.
– Doanh thu từ quảng cáo lên tới 50 ngàn USD/ngày giúp tác giả Nguyễn Hà Đông lọt vào danh sách 10 triệu phú công nghệ do trang The Richest bình chọn.
Khi Haivl…cũng khóc
Ảnh nguồn Internet
Có thể coi Haivl là cái tên có tốc độ “thăng trầm” nhanh đến chóng mặt của làng công nghệ Việt năm vừa qua. Nổi lên như một hiện tượng đáng nể khi đạt lượng truy cập 2 triệu người tham gia, active 600.000 người/ngày chỉ sau 2 năm hoạt động, Haivl tưởng như đã có cái kết đẹp khi “về tay” Công ty CP Quảng cáo trực tuyến 24h với giá trị thương vụ lên tới 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thương vụ, gần như ngay lập tức Haivl chính thức nhận văn bản buộc phải đóng cửa từ cơ quan quản lý.
Giới phân tích nhận định, dù Haivl có được sự ủng hộ từ giới trẻ cũng như một số nhà đầu tư thì việc tận dụng quá nhiều hình ảnh, ngôn ngữ dung tục, trở thành nơi người dùng tự do chửi bới, thóa mạ khiến việc dừng hoạt động là cái kết “sớm muộn gì cũng đến” của website này.
Uber- ứng dụng gây tranh cãi của năm với Taxi Đại chiến chưa có hồi kết
Ứng dụng gây nhiều tranh cãi Uber đang có được thời kỳ hoàng kim cùng thị trường Taxi khi kêu gọi thành công thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư, nâng mức định giá lên 40 tỷ USD trong thời điểm hiện tại. Ứng dụng này phân định thị trường taxi thành 2 đối tượng tương ứng với 2 loại tài khoản. Một tài khoản dành cho người có xe, muốn cho người khác sử dụng chung và tài khoản còn lại thuộc về người dùng. Thông qua Uber, 2 tài khoản trên sẽ “gặp” nhau, tìm thấy điểm chung cần thiết và tiến hành giao dịch. Uber giúp người đi xe có thể tìm kiếm người lái xe nhàn rỗi hoặc có chung tuyến đường để chia sẻ chi phí và cước phí.
Uber luôn tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt tại các nước mà hãng đi tới, đặc biệt là sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng taxi. Ngay cả 2 thương hiệu lớn như Vinasun và Mai Linh của Việt Nam đều đang gặp khó bởi sự bùng nổ của ứng dụng đặt taxi trực tuyến. Được biết, hiện Bộ Tài chính đã lên khung sơ bộ về tính hai loại thuế với dịch vụ đặc biệt này.
Xuân đã về cùng vé tàu FPT
Cảnh mua vé tàu trước và sau khi có dịch vụ đăng ký trực tuyến- Ảnh nguồn Internet
Hơn 12.000 người dân bất ngờ có được vé tàu Tết giá gốc nhờ việc đăng ký danh mục “hàng đợi” trên website www.dsvn.vn. của ngành Đường sắt Việt Nam. Đây là kết quả ý nghĩa mà tập đoàn FPT đã làm được nhằm phục vụ nhu cầu mua vé tàu Tết về quê của người dân.
Dù có một số trục trặc trong những ngày đầu triển khai, hệ thống hiện tại của ngành đường sắt hoạt động khá ổn định với khả năng chịu tải cao, không bị quá tải, nghẽn mạng, không xuất hiện tình trạng ùn tắc, xếp hàng mua vé tại các nhà ga trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Với nhiều người dân, đây là một trong những ứng dụng thành công nhất năm 2014 mà CNTT mang lại cho đời sống.
Samsung- “Thần tài” của năm
Liên tục trong những năm qua, Samsung luôn trở thành tâm điểm về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sự kiện Samsung dốc tiếp 3 tỷ USD vào thị trường di động nước ta, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đã trở thành tâm điểm công nghệ đáng chú ý trong năm 2014. Với dự án đầu tư mới này, Samsung nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên con số 11,7 tỷ USD. Trong đó, riêng Samsung Điện tử là 8,9 tỷ USD, bao gồm dự án sản xuất ĐTDĐ ở Thái Nguyên (5 tỷ USD), ở Bắc Ninh (2,5 tỷ USD) và một dự án sản xuất đồ điện tử ở TP.HCM (1,4 tỷ USD).
Microsoft & Satya Nadella- Kỷ nguyên mới của Microsoft thực sự bắt đầu?
CEO Satya Nadella- Ảnh nguồn Internet
Cuối cùng thì Steve Ballmer- “Kẻ tội đồ” của Microsoft cũng rời chiếc ghế Giám đốc điều hành Microsoft sau 14 năm làm việc. Nếu Microsoft dưới thời Bill Gates là một huyền thoại thì CEO thứ 2 của hãng- Steve Ballmer lại được ghi nhận như một người “không có tầm nhìn của thời đại”. Với sự xuất hiện của Satya Nadella – cựu giám đốc của Bing trong vai trò người điều hành Microsoft, hầu hết các phân tích đều dành những kỳ vọng nhất định cho CEO thứ ba trong lịch sử hãng phần mềm Mỹ.
Thực tế, sau vài tháng Satya Nadella dẫn dắt Microsoft bắt nhịp cùng thị trường, người ta có quyền mong đợi một kỷ nguyên mới của Microsoft khi hãng đang dùng hơn 80 tỷ USD tiền mặt của mình khá đúng hướng. Trích nhận định của CEO Satya Nadella về bản chất Microsoft: “Microsoft sẽ được hướng thành một công ty mang tính nền tảng cho toàn bộ ngành công nghiệp. Hãng có những mô hình kinh doanh đặc trưng nhưng cũng đặc biệt chú trọng khuyến khích và tạo ra các công cụ cho mọi người tự xây dựng nên sản phẩm của mỗi cá nhân. Microsoft không chỉ muốn cung cấp các công cụ cho một người soạn thảo văn bản, chúng tôi có thể giúp các lập trình viên tạo ra ứng dụng của họ hay bất cứ ai muốn sáng tạo nên những thứ mà họ mong muốn.”
“Thời đại này là của Facebook!”
Facebook không tạo nên những sự kiện công nghệ mang tính đột phá trong năm 2014. Nhưng nó phát triển đến mức mọi thứ trong cuộc sống đều tồn tại trên Facebok, với giá trị tốt/ xấu có khả năng tác động lên cuộc sống thực một cách mạnh mẽ. Nhờ đó, mạng xã hội này trở thành “quyền lực không ngai” của làng công nghệ Thế Giới năm 2014.
Hoạt động đáng chú ý đầu tiên của Facebook trong năm qua là việc mạnh tay chi đến 22 tỷ USD để mua ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Đây là ứng dụng nhắn tin trên Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry, Symbian… cho phép người dùng liên lạc bằng tin nhắn văn bản, giọng nói và hình ảnh qua hệ thống mạng wifi/3G. Tiếp đó là việc “ép” người dùng cài đặt Facebook Messenger, cho phép người dùng ẩn danh với Tor và công bố Rooms- ứng dụng chat ẩn danh. Động thái này của mạng xã hội lớn nhất thế giới ngụ ý quyền riêng tư của người dùng trong xã hội ảo đã được chú trọng. Với bước tiến này, nhiều người kỳ vọng Facebook sẽ tiến sâu hơn nữa vào đời sống thực, vươn tầm ảnh hưởng của mình.
Bill Gates & Ice Bucket Challenge- Ảnh nguồn Internet
Một sự kiện đáng nhớ nữa của Facebook trong năm qua là Trào lưu dội nước đá (Ice Bucket Challenge). Trong một mùa hè, đã có hơn 17 triệu người sử dụng Facebook đăng tải những video dội nước đá lên đầu. Trào lưu này đã gây bão trên internet và nhận được sự tham gia của rất nhiều ông lớn của làng công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Larry Page, cựu tổng thống Bush và rất nhiều ca sỹ, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng khác.
Bảo mật toàn cầu- “nỗi niềm” chẳng của riêng ai
2014 trở thành một năm “đáng quên” của ngành bảo mật trong nước cũng như Thế Giới. Trong đó, sự cố VCCorp, lỗ hổng “Trái tim rỉ máu” Heartbleed & cuộc tấn công Sony Pictures Entertainment là 3 cái tên gây nhiều “ám ảnh” nhất với an ninh mạng toàn cầu.
Người dùng Việt hẳn chưa quên sự kiện hồi tháng 10 vừa qua, khi một loạt các website lớn của VCCorp như Kênh14, GameK, GenK, CafeF và một số báo điện tử do VCCorp hợp tác vận hành kỹ thuật như báo Dân Trí, Soha, Người Lao Động…đồng loạt bị tấn công, không còn khả năng hoạt động. Đáng chú ý, sự cố này kéo dài tới 5 ngày mới có thể khắc phục hoàn toàn, gây thiệt hại cho VCCorp hàng chục tỷ đồng.
Dù 2014 chứng kiến khá liên tiếp các sự cố an ninh mạng mang tính toàn cầu, Heartbleed vẫn là lỗ hổng nghiêm trọng gây chấn động. Heartbleed đã buộc hàng triệu người dùng phải đổi mật khẩu trên nhiều website trước nguy cơ đánh mất dữ liệu nhạy cảm như thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng và các giao dịch trực tuyến khác. Các chuyên gia bảo mật cho rằng chính việc có thể xử lý nhanh chóng bằng một bản vá phần mềm khiến Heartbleed sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới khi nó thường dễ bị các website quên lãng.
Một cuộc tấn công mạng chưa từng có nhằm vào Sony Pictures Entertainment không chỉ gây ngưng trệ các máy tính tại hãng phim, làm rò rỉ thông tin cá nhân của nhân viên như email, địa chỉ nhà và số an sinh xã hội mà còn mở ra mối bất đồng gay gắt mang đậm màu sắc chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên.
Dương Linh
Theo BI/NYT/ Phone Arena