Nhân sự kiện Tổng thống Bush thăm Ấn Độ, nhiều tờ báo Mỹ cho đăng nhiều bài đậm về tình hình chính trị – kinh tế – xã hội của quốc gia Nam Á. Tạp chí Newsweek số ra 27/2 có bài phân tích công phu với tựa ‘Ấn Độ Mới’ về những mạnh – yếu của nước này, về lý do tại sao người Ấn nên "bắt tay chặt hơn" với người Mỹ. Chúng tôi xin lược dịch bài báo theo hướng xoáy sâu vào những thành tựu của của nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á.
Động lực "từ dưới lên"
Không như người láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng một cách có vẻ không được bài bản và thiếu bàn tay hoạch định. Tăng trưởng không phải theo chiều từ trên xuống mà là từ dưới lên. Ấn Độ không có hạ tầng của Bắc Kinh hay Thượng Hải, cũng không có một chính phủ rải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nước này có một số lượng khổng lồ các nhà khởi nghiệp khao khát làm giàu. Và bằng cách này hay cách khác, họ đã tìm được hướng đi, vượt qua vô số trở ngại, chiến thắng bệnh quan liêu..
Nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ có nhiều lợi thế mang tính khu biệt. Giáo sư Viện MIT Yasheng Huang nói các công ty Ấn sử dụng vốn hiệu quả hơn công ty Trung Quốc rất nhiều; các công ty ‘xương sống’ của họ cũng có thương hiệu tốt hơn nhiều so với người Hoa. Cho dù có nhiều người nghèo hơn TQ, Ấn Độ vẫn sản sinh ra những công ty tầm cỡ thế giới như Infosys, Ranbaxy và Reliance. Giáo sư Huang cho rằng những khác biệt này là nhờ Ấn Độ hội tụ các yếu tố: có một khu vực kinh tế tư nhân đúng nghĩa và hiệu quả (khác với TQ vẫn nặng về nhà nước); một hệ thống tài chính minh bạch, được tổ chức tốt và hệ thống luật pháp lành mạnh. Một ví dụ nữa: hàng năm Nhật Bản trao giải thưởng Deming danh giá cho phát minh mới, và trong 4 năm qua, họ đã trao cho các công ty Ấn thường xuyên nhất so với bất kỳ nước nào, kể cả Nhật.
Du khách bên ngoài lăng Taj Mahal nổi tiếng (Newsweek) |
Phát triển ‘theo cách của mình’
Tại Ấn Độ, tư nhân là vua. Những nhà khởi sự doanh nghiệp không chờ đến cuối đời để mua nhà bằng tiền tiết kiệm. Ngược lại, họ thế chấp nhà để kinh doanh (!). Ngành kinh doanh thẻ tín dụng tăng trưởng 35% một năm. Mức tiêu dùng đầu người chiếm 67% GDP, cao hơn cả Trung Quốc (42%) và hơn bất kỳ một nước nào khác ở Châu Á, chỉ xếp sau Mỹ (70%)…
Những con số trên chưa thể nói hết được những gì đang xảy ra ở đất nước. Người ta có thể cảm nhận khí thế hăng hái đang ngự trị ở Ấn Độ, ít nhất là ở các đô thị. Doanh nhân Ấn Độ đang trên đường thành đạt. Các nhà thiết kế và nghệ sĩ Ấn Độ đang bàn về việc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Các minh tinh màn bạc Bollywood chưa hài lòng với nửa tỉ fan trong nước mà ‘xâm lăng’ thị trường nước ngoài. Cứ như thể là hàng trăm triệu người đồng loạt tìm được chìa khoá mở tung tiềm năng của mình.
Xã hội Ấn Độ ngày nay là một xã hội náo nhiệt, đầy màu sắc, cởi mở, mạnh mẽ và trên hết là sẵn sàng đổi mới. Mặc dù tình trạng phân biệt giàu nghèo vẫn rất nhức nhối, nền dân chủ vẫn có cách tự cân bằng riêng. Làn sóng chủ nghĩa dân tộc Hindu đã đến ngày tàn, và một chính phủ ‘trăm năm có một’ đã lên nắm quyền. Được dẫn dắt bởi Thủ tướng Manmohan Singh, cựu bộ trưởng Tài chính ‘khai khẩn’ kinh tế đất nước năm 1991, đất nước cũng đã quyết đi theo con đường cải cách kinh tế.
Bằng sự sáng suốt và kiên quyết của mình, Tổng thống Sonia Gandhi, người dẫn dắt liên minh cầm quyền đến chiến thắng, đã bổ nhiệm ông Singh giữ chức thủ tướng. Và thật khó ngờ, một hệ thống dân chủ bất ổn và có tiếng là tham nhũng như Ấn Độ lại tạo ra được một vị lãnh đạo chính phủ sáng suốt hơn người, rất mực chính trực và kinh nghiệm. Singh, một tiến sĩ ĐH Oxford danh tiếng, từng điều hành Ngân hàng trung ương quốc gia, Bộ kế hoạch và Bộ tài chính. Chưa một thủ tướng nào từ thời Nehru (thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập) sánh với ông xét về tính chuẩn mực, năng lực và tính đứng đắn.
Vai trò nhà nước
Tổng thống Mỹ George Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong cuộc họp báo chung tại New Delhi hôm thứ năm (2/3) sau khi đạt được thoả thuận hạt nhân quan trọng (Reuters) |
Cho dù khu vực kinh tế tư nhân tạo ra động lực chính cho quốc gia Nam Á song người đóng vai trò sống còn lại là nhà nước. Hãy nhìn vào thành công lớn nhất của Ấn Độ – các công ty tư nhân. Khu vực kinh tế này đâm hoa kết trái được là nhờ một thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính được tổ chức rất tốt. Chính phủ đã đảm bảo được tính minh bạch trong phân xử và thực thi pháp luật.
Hãy xem ngành công nghiệp viễn thông đang bùng nổ. Thành tựu này có được phần lớn là nhờ những điểu chỉnh về pháp lý linh hoạt của chính phủ. Hay học viện công nghệ Ấn Độ – một trong những trường công nghệ hàng đầu thế giới – cũng do nhà nước điều hành. Đó mới chỉ là một ít dẫn chứng. Các doanh nghiệp tư nhân không thể giải quyết nổi cuộc khủng hoảng AIDS, tình trạng yếu kém trong giáo dục nông thôn hay vấn đề môi trường. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, Ấn Độ sẽ không bao giờ phát huy được hết những tiềm năng của mình.
Người Ấn Độ ở hải ngoại cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc mở mang tầm nhìn dân tộc. Họ quay lại đất tổ mang theo vốn liếng, những ý tưởng đầu tư, những tiêu chuẩn quốc tế và quan trọng nhất là một sự nhạy bén không thể thiếu cho thành công…