Ấn Độ sản xuất laptop rẻ nhất thế giới

Là quốc gia sở hữu mẫu ô tô rẻ nhất thế giới Tata Nano, giá hơn 2.000 USD, mới đây, Ấn Độ tuyên bố sẽ sản xuất loại máy tính xách tay có màn hình cảm ứng rẻ nhất thế giới, chỉ 35 USD.

 

Ông Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ giới thiệu mẫu laptop rẻ nhất thế giới.
Ông Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ giới thiệu mẫu laptop rẻ nhất thế giới..

 

Ông Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đã giới thiệu mẫu laptop rẻ nhất thế giới này, chủ yếu dành cho sinh viên.

Ông Sibal cho biết, chính phủ nước này bắt đầu tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất toàn cầu để sản xuất hàng loạt. “Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tiến đến một giai đoạn phát triển mà chi phí cho việc chế tạo và kết nối các bo mạch chủ, chip xử lý, bộ nhớ, màn hình hiển thị và linh kiện khác chỉ mất 35 USD” – BBC dẫn lời phát biểu của ông Sibal.

Ông Sibal còn cho hay, thiết bị có màn hình cảm ứng này được tích hợp sẵn các trình duyệt Internet, phần mềm đọc file PDF và các tiện ích để đối thoại video, nhưng máy không có ổ cứng, thay vào đó là bộ nhớ ngoài, giúp người dùng dễ dàng kết hợp với các bộ phận mới nếu cần thiết.

Được biết, máy tính này có hai mẫu thiết kế khác nhau, nhưng đều có RAM 2 GB RAM và cổng kết nối USB, và chạy bằng năng lượng mặt trời giống chiếc điện thoại thông minh. Đặc biệt, hệ thống tiêu thụ điện năng tiết kiệm 2W sẽ được trang bị cho máy. Thiết kế này phù hợp với điều kiện hệ thống điện không ổn định tại một số khu vực ở Ấn Độ.

Ông khẳng định, máy tính giá rẻ chạy trên nền tảng hệ điều hành Linux, sẽ được giới thiệu cho các tổ chức giáo dục đại học từ năm 2011. Dự kiến, mức giá sẽ giảm nữa, chỉ còn 20 USD và cuối cùng là 10 USD.

Thiết bị rẻ nhất thế giới này do các nhóm nghiên cứu tại các viện công nghệ hàng đầu Ấn Độ, gồm Viện công nghệ Ấn Độ và Viện Khoa học Ấn Độ nghiên cứu và phát triển.

Nhiều nhà sản xuất tỏ ra hứng khởi với dự án này của Ấn Độ, chủ yếu là các công ty ở Đài Loan, mặc dù chưa có hợp đồng nào được ký kết.

Năm 2005, Viện công nghệ Ấn Độ cũng giới thiệu dự án laptop 100 USD dành cho học sinh và sẽ bán ra trên toàn thế giới, tuy nhiên đáng buồn là mức giá cuối cùng của mẫu máy tình này đắt gấp đôi.

Ấn Độ dành khoảng 3% ngân sách hàng năm cho giáo dục và đã nâng tỷ lệ dân số biết chữ lên 64%. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, nhiều học sinh vẫn chỉ có thể đọc hoặc viết đơn thuần và hầu hết các trường công lập có cơ sở vật chất nghèo nàn

(Theo Tienphong).