Thế giới Internet thêm một lần “lao đao” vì hiện tượng leap second

Vào đêm thứ 6, sáng ngày thứ 7 vừa qua, một trận bão lớn hoành hành ở miền bắc bang Virginia (Mỹ) đã làm cho các máy chủ của dịch vụ Amazon Web Services ngừng hoạt động; kéo nhiều trang giải trí lớn như Pinterest, Netflix hay ứng dụng chia sẻ hình ảnh trên di động Instagram “tê liệt” theo trong thời gian dài. Tới đêm ngày thứ 7, tình trạng trên lại xảy ra thêm một lần nữa; và lần này thì Yelp, Reddit, Gawker, Foursquare, LinkedIn là “nạn nhân”. Tuy nhiên, cơn bão tại bang Virginia không phải là nguyên nhân gây ra sự cố thứ hai này.

 

 

 

Nếu theo dõi báo chí trong những ngày gần đây, chắc hẳn các bạn đã từng nghe tới thông tin vào ngày 30/6; các chuyên gia thời gian trên khắp thế giới sẽ  “hãm” thời gian lại để đưa thêm một giây vào trong ngày. Đó là bởi Trái Đất của chúng ta mất 84.600 giây để hoàn thành một vòng quay 360 độ quanh trục; tuy nhiên, bởi một số yếu tố, thời gian trên Trái Đất sẽ chậm hơn so với thời gian Nguyên tử Quốc tế – được tính bằng dao động của các nguyên tử để đo thời gian với độ chính xác cực kì cao. Để sai số giữa thời gian trên Trái Đất và thời gian nguyên tử không tăng dần theo thời gian, cứ sau một vài năm, các nhà khoa học lại bổ sung thêm 1 giây vào thời gian của một ngày nào đó trong năm (gọi là giây nhuận, thường được thêm vào ngày 30/6 hoặc 31/12) để bù đắp, thu hẹp cho sai khác này. Biện pháp này được thực hiện từ năm 1972 và cho tới nay, đã có 25 lần các nhà khoa học thêm “giây nhuận” vào độ dài thời gian của một ngày. Lần thực hiện gần nhất là vào năm 2008.

 

 

 

Thêm 1 giây vào thời gian của một ngày sẽ chẳng ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của mỗi người chúng ta, tuy nhiên với ngành Công nghệ thông tin thì đây lại là một thay đổi mang nhiều rủi ro. Đó là bởi, khi thời gian tăng thêm một giây, các máy tính trên toàn cầu cần được điều chỉnh bằng tay để đồng hồ hệ thống của chúng có thể đồng bộ với “đồng hồ nguyên tử”. Đây được coi là một thao tác có nguy cơ xảy ra lỗi cao. Còn với các công ty Internet, họ xử lí như thế nào?

Kết quả cuối cùng như nhiều người đã thấy. Nhiều website đã phải gián đoạn hoạt động của mình trong một thời gian chỉ để xử lí sự cố “thừa một giây” này trong hệ thống của mình. Riêng trang tin Gizmodo cũng ngừng hoạt động trong khoảng 45 phút. Nhưng không phải tất cả mọi website đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này.

 

 

Trên thực tế, có một website đã chuẩn bị khá tốt trong tình huống kể trên: Trang tìm kiếm trực tuyến Google. Như trang tin Wired đã chỉ rõ, Google đã dự đoán trước được sự kiện này sẽ xảy ra và phác thảo kế hoạch đối phó của mình đối với việc thêm “giây nhuận” từ vài tháng trước đây. Hãng đã từ từ bổ sung thêm khoảng thời gian “một phần nghìn” giây vào đồng hồ hệ thống của mình trước khi các nhà khoa học chính thức bổ sung “giây nhuận” vào ngày 30/6 vừa qua. Khi quá trình bổ sung này được giới khoa học tiến hành, việc từ từ thêm thời gian vào đồng hồ hệ thống của Google cũng hoàn tất và như vậy, chẳng có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra với gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm cả.

Theo Genk.