Hiện Việt Nam là nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á có vệ tinh trên vũ trụ. Vinasat 2 được đưa lên quỹ đạo sẽ góp phần thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”.
Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT –TT) Nguyễn Bắc Son trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định, sau khi vệ tinh Vinasat 2 được đưa vào quỹ đạo, Việt Nam là nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á có vệ tinh trên vũ trụ. Theo đó, sự kiện cũng góp phần thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nói rõ thêm về lộ trình phát triển của Đề án, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT –TT) cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ lớn để thực hiện các mục tiêu của đề án, cụ thể:
Về nguồn nhân lực CNTT, sẽ đẩy mạnh các khóa đào tạo chất lượng cao, bổ sung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu nhân lực CNTT. Về công nghiệp CNTT, Việt Nam cần sớm phê duyệt chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp CNTT tới năm 2020, để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Về hạ tầng viễn thông băng rộng và CNTT, sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa các đường cáp, thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia
Theo đó, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, sẽ tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp trong toàn xã hội, tiến tới xây dựng xã hội điện tử.
Việt Nam là nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á có vệ tinh trên vũ trụ.
(Ảnh: V. Hưng)
Cùng đó, công tác mở rộng, phổ cập thông tin đến các hộ gia đình, chúng ta sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật…cũng sẽ tiếp tục triển khai
Về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, chúng ta cần xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung về CNTT, có cơ chế chính sách khuyến khích một số doanh nghiệp, tập đoàn chủ lực tham gia phát triển các sản phẩm lõi, các công nghệ nguồn có khả năng thương mại hóa cao…
Trước ý kiến về việc Chính phủ điện tử đã dù đã và đang triển khai, nhưng chưa đồng bộ ở các ngành, các địa phương, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng thông tin, Bộ TT- TT thừa nhận: Việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thời gian qua chưa đồng đều ở một số bộ phận do đặc thù nhu cầu của các Bộ.
Theo ông Phúc, để đẩy mạnh và triển khai ứng dụng CNTT một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện 3 nội dung chính: Một là, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 165 phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015. Hai là, Bộ đã hướng dẫn và thẩm định kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và tất cả các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015 và hàng năm chúng tôi đều đưa ra hướng dẫn kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Ba là, Bộ cũng sẽ thường xuyên đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT để đảm bảo cho hệ thống thông tin triển khai đồng bộ, liên thông với nhau.
Chia sẻ với nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh về mặt trái trong quá trình phát triển game online đã làm cho một bộ phận thanh thiếu niên mất phương hướng, mất đạo đức, gây mất trật tự an ninh xã hội, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT- TT nhìn nhận: “Trên thực tế game online đang phát triển với cả 2 mặt: Những game có nội dung lành mạnh là công vụ giải trí hiện đại và hấp dẫn, thậm chí, đóng góp vào sự phát triển nội dung số và có tác động tích cực tới trẻ em, nhất là trong bối cảnh sân chơi cho trẻ em đang rất thiếu như hiện nay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác hại của game online không lành mạnh, thậm chí là độc hại đã làm ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý người chơi, nhất là trẻ em”.
Thực tế này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải có thêm chế tài để hạn chế tác động tiêu cực và phát huy tác dụng tích cực của game online.Theo ông Đường, trong dự thảo Nghị định về quản lý internet do Bộ đang soạn thảo để ban hành, nội dung về quản lý game online chiếm một vị trí quan trọng.
Theo Dân Trí |