Chiến tranh mạng (kỳ 4): Hậu quả tàn khốc của Stuxnet

Việc Mỹ trở thành mục tiêu của cuộc tấn công mạng chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi phát động cuộc chiến tranh mạng chống Iran bằng virus Stuxnet.

Khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã có hứng thú với vấn đề chiến tranh mạng, song trong quá trình tranh cử trước đó, ông chỉ đề cập đến mối đe dọa với quyền bí mật đời tư và nguy cơ với những cơ sở hạ tầng như hệ thống điện và kiểm soát không lưu. Ông đã yêu cầu thực hiện một cuộc nghiên cứu lớn về cách tăng cường sự phòng thủ của nước Mỹ.

Ông Obama cũng nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh mạng. Các kỹ sư của Olympic Games thường gặp ông tại phòng Tình huống, mang theo một biểu đồ khổng lồ về các cơ sở sản xuất hạt nhân Iran. Ông Obama đã cho phép tiến hành các cuộc tấn công và cứ cách vài tuần, ông lại được cập nhật tin tức và phê chuẩn các bước tiếp theo.

“Từ những ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã can dự sâu vào mọi hoạt động nhằm trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran: ngoại giao, các lệnh trừng phạt, mọi quyết định lớn”, một quan chức chính phủ cao cấp nói với tờ New York Times.

Tuy nhiên, may mắn không kéo dài. Vào mùa hè năm 2010, không lâu sau khi một biến thể mới của con sâu Stuxnet được gửi đến Natanz (nơi nghiên cứu hạt nhân của Iran), người Mỹ nhận thấy rằng nó đã lọt ra ngoài như một con thú hoang sổng chuồng.

Leon Panetta, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) lúc bấy giờ (nay là Bộ trưởng Quốc phòng), và hai người đóng vai trò quan trọng khác trong chương trình Olympic Games là Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân James Cartwright và Michael J. Morelll, Phó giám đốc CIA, lãnh trách nhiệm báo cáo tin tức cho ông Obama và Phó tổng thống Joe Biden.

Một lỗi lập trình đã khiến con sâu lây sang máy tính của một kỹ sư khi nó kết nối với các máy ly tâm, họ trình bày. Khi viên kỹ sư rời Natanz và kết nối máy tính với internet, con sâu do Mỹ và Israel hợp tác chế tạo không nhận ra được sự thay đổi môi trường. Nó bắt đầu tự sao chép và lây lan trên toàn thế giới.

“Chúng tôi nghĩ người Israel đã thực hiện một sửa đổi”, một trong những người báo cáo tin tức nói với tổng thống.

Theo các quan chức trong phòng, ông Obama đã đặt ra một loạt câu hỏi, lo ngại rằng đoạn mã có thể gây tổn hại bên ngoài nhà máy. Song không có câu trả lời dứt khoát nào được đưa ra. Ông Biden tức giận: “Đó hẳn là người Israel. Họ đã đi quá xa”.

Thực tế, cả Israel và Mỹ đều nhắm vào một bộ phận cụ thể của nhà máy, một khu vực quan trọng mà việc nó bị phá hoại có thể khiến chương trình hạt nhân của Iran thụt lùi đáng kể. Hiện không rõ ai là người thực hiện lỗi lập trình.

Câu hỏi mà ông Obama đối mặt là liệu phần còn lại của Olympic Games có lâm nguy hay không. Biến thể của con sâu đang tự sao chép, các chuyên gia bảo mật có thể phân tích và phát hiện ra mục đích của chúng.

“Tôi không nghĩ chúng ta có đủ thông tin”, ông Obama nói với nhóm này vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, ông đã ra lệnh tiếp tục tấn công. Chúng là hy vọng lớn nhất của Obama nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế gây ra tác động nặng nề hơn với nước này.

Trong một tuần, một phiên bản khác của con sâu “hạ gục” gần 1.000 máy ly tâm. Olympic Games vẫn tiếp tục diễn ra.

 Tổng thống Mỹ Barack Obama có hứng thú với chiến tranh mạng từ những ngày đầu nhậm chức.

Các cuộc tấn công mạng của Mỹ không chỉ giới hạn với Iran. Một số quan chức đã đặt vấn đề tại sao kỹ thuật này không được sử dụng chống lại CHDCND Triều Tiên.

Những người khác nhìn thấy cơ hội phá vỡ các kế hoạch quân sự của Trung Quốc, lực lượng vũ trang của Syria và các hoạt động của al-Qaeda trên toàn thế giới.

“Chúng tôi đã cân nhắc thêm nhiều cuộc tấn công hơn so với trước”, một cựu quan chức tình báo Mỹ nói.

Ông Obama đã liên tục nói với các phụ tá về nguy cơ của việc sử dụng và đặc biệt là lạm dụng loại vũ khí mới. Thực tế, không có quốc gia nào có cơ sở hạ tầng phụ thuộc nhiều vào hệ thống máy tính như Mỹ và do đó nước này dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công mạng hơn.

Nhiều chuyên gia tin rằng việc Mỹ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công từ cùng loại vũ khí mà họ sử dụng chống Iran chỉ còn là vấn đề thời gian.

Câu chuyện của tờ New York Times đã xác nhận điều mà nhiều chuyên gia từng gợi ý về sự dính líu của Mỹ với virus máy tính Stuxnet.

Giám đốc nghiên cứu của hãng bảo mật SANS Institute, Alan Paller nhận xét tiết lộ này đã làm biến đổi đột ngột cục diện an ninh mạng.

Việc công khai tiết lộ sự dính líu của Mỹ với Stuxnet sẽ khiến những quốc gia khác liều lĩnh hơn với các cuộc tấn công sử dụng cùng chiến thuật và vũ khí mạng, theo ông Paller.

“Chúng ta giờ đây sẽ là mục tiêu của các cuộc tấn công lớn. Mọi thứ lâu nay vẫn trong tầm kiểm soát. Không ai thật sự chắc chắn Mỹ thực hiện loại hoạt động này. Mỹ đã hành động như một nạn nhân vô tội”, ông Paller nói với tạp chí Computer World.

Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi không còn tranh cãi về việc Mỹ bảo trợ cho các cuộc tấn công nhắm vào quốc gia khác, theo ông Paller.
 

Theo TNO