Chương trình chiến tranh mạng có mật danh Olympic Games manh nha từ năm 2006 khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W.Bush nhận thấy vài lựa chọn khả thi trong việc đối phó với Iran, theo tiết lộ chấn động từ tờ New York Times hôm 1/6.
Vào lúc đó, các đồng minh châu Âu của Mỹ bị chia rẽ về hậu quả của việc áp đặt những lệnh trừng phạt lên Iran đối với nền kinh tế của họ. Sau những cáo buộc sai lầm về việc Saddam Hussein khôi phục chương trình hạt nhân tại Iraq, ông Bush có ít tín nhiệm khi thảo luận về tham vọng hạt nhân của một quốc gia khác.
Người Iran cảm nhận được điểm yếu của ông Bush và đã nối lại chương trình làm giàu uranium tại một địa điểm dưới lòng đất ở Natanz, cơ sở mà sự hiện hữu của nó chỉ mới vừa được khám phá ba năm trước đó.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã dẫn các phóng viên tham quan nhà máy và mô tả tham vọng to lớn nhằm lắp ráp đến 50.000 máy ly tâm. Việc một đất nước chỉ có một lò phản ứng hạt nhân tuyên bố họ cần nhiên liệu cho chương trình hạt nhân dân sự là điều khả nghi với các quan chức của chính quyền Bush.
Họ lo ngại nhiên liệu có thể được sử dụng theo cách khác bên cạnh việc tạo ra điện năng, đó là hình thành một kho dự trữ có thể được làm giàu thành nguyên liệu chế tạo bom nếu Iran quyết định làm thế.
Giới chức diều hâu trong chính quyền Bush như Phó tổng thống Dick Cheney thúc giục ông hãy cân nhắc một cuộc tấn công quân sự nhắm vào các cơ sở hạt nhân trước khi họ có thể sản xuất nhiên liệu đủ cho một vũ khí.
Chính quyền Bush đã xem xét các lựa chọn quân sự vài lần và kết luận chúng có thể kích động một khu vực vốn trong tình trạng chiến tranh và sẽ mang lại những hậu quả khó lường.
Cựu tổng thống Mỹ George W.Bush – Ảnh: AP |
Trong nhiều năm, CIA đã tuồn những thiết kế và bộ phận và thiết kế bị lỗi vào trong các hệ thống của Iran, thậm chí nhúng tay vào những máy phát điện nhập khẩu để chúng có thể nổ tung, song hoạt động phá hoại này có hiệu quả tương đối thấp.
Cùng với các quan chức tình báo, tướng James E.Cartwright, người thiết lập một đơn vị chiến tranh mạng nhỏ trong bộ Tư lệnh Chiến lược của ông, đã trình bày một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ với ông Bush cùng đội ngũ an ninh quốc gia. Nó dính líu đến một vũ khí ảo tinh vi hơn rất nhiều so với những thứ mà Mỹ tạo ra trước đó.
Một cựu quan chức cao cấp tiết lộ với tờ Washington Post hôm 1/6: “Vai trò của Cartwirght được mô tả là nghệ thuật theo đuổi điều có thể, có tài nhìn xa trông rộng”.
Tuy nhiên, phần việc nặng nề được thực hiện bởi Giám đốc Cục An ninh Quốc gia (NSA) Keith Alexander, người có “bí quyết kỹ thuật và tiến hành những hành động thực sự”.
Olympic Games trở thành một chương trình phố hợp giữa NSA, CIA và Israel. CIA, dưới thời của Michael Hayden, đã đóng góp khả năng thực hiện các chiến dịch bí mật cho chương trình.
Hai nguồn tin của Reuters hôm 1.6 tiết lộ chi phí của chương trình là hàng trăm triệu USD. Mục tiêu nhằm vượt qua khoảng thời gian bất định giữa hai đời tổng thống sau cuộc bầu cử 2008 và cho phép có nhiều thời gian thêm để các lệnh trừng phạt và biện pháp ngoại giao ngăn chặn sự phát triển chương trình hạt nhân Iran, theo các quan chức cũ lẫn mới.
Theo New York Times, mục tiêu của chương trình là giành quyền kiểm soát hệ thống máy tính công nghiệp của nhà máy Natanz. Điều này đòi hỏi việc vượt qua bức tường điện tử cách ly nhà máy Natanz và internet. Đoạn mã sẽ xâm chiếm các máy tính chuyên dụng kiểm soát máy ly tâm.
Giai đoạn đầu tiên là phát triển một đoạn mã gọi là kẻ mở đường có khả năng cài vào các máy tính được chế tạo bởi công ty Siemens của Đức và một nhà sản xuất Iran, nhằm ghi lại các hoạt động của chúng. Ý tưởng là vẽ lại bản thiết kế điện tử của nhà máy Natanz nhằm nắm được cách máy tính kiểm soát những chiếc máy ly tâm khổng lồ vốn quay với tốc độ cực lớn.
Các kết nối rất phức tạp và trừ khi mọi mạng điện đều được hiểu rõ, những nỗ lực chiếm quyền kiểm soát các máy ly tâm có thể thất bại.
Cuối cùng, kẻ mở đường sẽ “gọi về nhà”, nghĩa là gửi một thông điệp mô tả cấu trúc và chuỗi hoạt động thường nhật của nhà máy làm giàu uranium về trụ sở của Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Ban đầu, kế hoạch này không có được nhiều kỳ vọng. Một người tham dự nói mục tiêu chỉ đơn giản là “ném một ít cát vào bánh răng” và mua một chút thời gian. Ông Bush tỏ ra bi quan song vì thiếu lựa chọn, ông đã phê chuẩn kế hoạch.
(Còn tiếp)
Theo TNO