Tim Cook phá vỡ lề lối của Steve Jobs

Tim Cook kính trọng di sản của Steve Jobs nhưng ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và kiến thức riêng. Ông gần gũi nhân viên và làm cho Apple trở nên cởi mở hơn.


Tim Cook biến Apple thành Công ty cởi mở và gắn kết hơn (Ảnh: CNews)

Tim Cook tiếp quản công việc điều hành Apple từ Steve Jobs đã được gần 9 tháng, từ không lâu trước khi Steve Jobs qua đời. Tim Cook cởi mở hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Đó là kết luận của Adam Lashinsky trên tạp chí Fortune.

"Rõ ràng, đa số nhân viên của Apple cảm thấy thoải mái hơn với Cook – Lashinsky viết – Cook thường ngồi gần ai đó trong số họ trong quán cà phê vào giờ nghỉ trưa, trong khi Steve Jobs thường ăn trưa cùng trưởng bộ phận thiết kế Jonathan Ive. Đó không phải là việc làm to tát nhưng mang nhiều ý nghĩa: nhân viên Apple đã có thể nói chuyện cùng CEO của mình".

Đồng nghiệp từ những công ty khác cũng có những nhận xét tích cực về Cook. Một người đứng đầu một công ty công nghệ cao có uy tín chia sẻ: "Khi tôi gặp ông, ông hoàn toàn gần gũi, không hình thức, trông tự nhiên chú ý đến từng chi tiết nên nói chuyện với ông rất dễ dàng. Tôi quên mất là đang nói chuyện cùng với CEO của Apple. Khi gặp gỡ với Steve Jobs, tôi không có cảm nhận như vậy".

"Ở Apple, mọi người vừa kính trọng, yêu thích, vừa sợ hãi Steve Jobs – tác giả bài báo viết tiếp – Cook rõ ràng là người lãnh đạo có đòi hỏi rất cao nhưng ông không làm người ta sợ hãi. Trong công ty, Cook được tôn trọng nhưng không kiểu như tôn kính. Ở giai đoạn phát triển mới, Apple không cần một giám đốc điều hành kiểu 'ông Trời' mà chỉ cần một người bình thường hiểu mình phải làm việc gì mà thôi".

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất với các nhà đầu tư là cuộc gặp mặt hồi mùa Đông vừa rồi, khi họ có thể nói chuyện với Cook một cách thoải mái và Cook đã cởi mở trả lời từng câu hỏi đặt ra mà không bị nhầm lẫn. Các cổ đông lần đầu tiên trong nhiều năm có khả năng này vì Jobs hiếm khi để ý và lắng nghe ý kiến của họ.

"Thỉnh thoảng Cook bắt tay vào trực tiếp giải quyết một việc nào đó từ lâu đã khiến cho công ty và nhân viên bất an – Lashinsky viết tiếp – Có cảm tưởng rằng ông có danh sách những vấn đề nổi cộm cần theo dõi, và những vấn đề đó thường bị người tiền nhiệm Steve Jobs bỏ qua chỉ vì một lý do là sự bướng bỉnh của Jobs".

Lashinsky khẳng định rằng Cook luôn nhớ tới Jobs và di sản của Jobs nhưng lại hành xử sao cho có lợi hơn cho Apple theo cách của ông và ông hành động hoàn toàn độc lập. "Ông không tự hỏi Jobs sẽ làm thế nào mà tự mình ra quyết định", Lashinsky viết.

"Cách hành xử và giọng điệu đã thay đổi, nhưng những thay đổi này hoàn toàn tự nhiên. Một số thay đổi liên quan đến những quy trình then chốt trong phát triển sản phẩm. Nhìn chung, Apple đã trở thành một công ty cởi mở và gắn kết hơn. Đồng thời, "cựu binh" 14 năm này vẫn giữ nguyên phần lớn văn hoá doanh nghiệp độc đáo của công ty.

Cũng có những mặt tiêu cực trong phong cách điều hành của Cook. Fortune nêu ra một điểm, thông qua lời cựu Phó Chủ tịch kỹ thuật Max Paley đã rời bỏ Apple cuối năm 2011 sau 14 năm làm việc: "Người ta kể với tôi rằng bây giờ, các cuộc họp quan trọng chủ yếu gồm các lãnh đạo dự án và những người quản lý quan hệ với các nhà cung cấp. Khi tôi còn ở đó, các kỹ sư đưa ra những đòi hỏi, còn công việc của các nhà lãnh đạo là phải đảm bảo cho họ tất cả những thứ cần thiết".

Theo Vietnamnet.