Mục tiêu phải tuyển 1000 nhân lực nhưng “có đi vào thực tế tuyển dụng mới thấy nguồn cung không hề dồi dào”.
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Minh Thuận, Tổng Giám đốc HP Việt Nam bên lề một sự kiện ra mắt máy chủ mới đây tại Hà Nội. Bà Thuận cho biết, Công ty HP Việt Nam IT trực thuộc HP đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2011 tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đúng theo cam kết về việc đầu tư và hoạt động dài hạn với Chính phủ Việt Nam, công ty này dự kiến sẽ cung cấp 1000 việc làm mới cho công viên phần mềm.
Bà Trần Thị Minh Thuận, Tổng Giám đốc HP Việt Nam cho biết hiện mới chỉ tuyển được trên 100 nhân viên. (Ảnh: Ngọc Trâm) |
Tuy nhiên trên thực tế, số nhân viên đã tuyển được chỉ mới có trên 100 người. “Chúng tôi dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 170 nhân viên nữa trong năm nay. Có đi vào tuyển dụng mới thấy nhiệm vụ này rất khó, rất thách thức. Lực lượng kỹ sư phần mềm có trình độ không dồi dào như ta vẫn tưởng”, bà Thuận thẳng thắn.
Đồng quan điểm này, đại diện của Trường Hanoi- Aptech cũng chia sẻ trong một Hội thảo với sinh viên Bách Khoa hôm 24/4 rằng, tại VN hiện nay đang rất thiếu những nhân lực nghề đúng nghĩa. “Chúng ta đào tạo nhiều nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng, chính vì thế việc học tại các cơ sở đào tạo nghề đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Lý do là ở các cơ sở này có tính ứng dụng cao hơn và sát với thực tiễn hơn”, vị này cho biết.
Từ góc độ của người làm chiến lược, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định quy trình đào tạo tại VN đang hoàn toàn đi ngược lại với quy luật thị trường. Cũng vì thế mà sinh viên khi vào đến DN không bắt nhịp được ngay mà phải trải qua hàng loạt các đợt đào tạo, thậm chí là học lại từ đầu.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, nhân lực CNTT trong nước vẫn còn quá nhiều hạn chế như thiếu kiến thức nền tảng về kỹ thuật và công nghệ, thiếu kinh nghiệm cọ xát với các dự án quốc tế có độ phức tạp và yêu cầu chất lượng cao. Ngoài ra, năng lực cũng như khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ kém, yếu về khả năng phối hợp nhóm, các kỹ năng mềm…là những nhược điểm bị doanh nghiệp nước ngoài “chê” nhiều nhất. Mặc dù vậy, cơ chế đào tạo trong thời gian qua vẫn chưa có nhiều thay đổi. Trong khi đó, Đề án “Sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT” đã đặt mục tiêu đến năm 2020, nguồn nhân lực CNTT sẽ đạt quy mô 1 triệu người. Hiện tại, con số này mới đang dừng ở ngưỡng hơn 200.000 người.
Theo Vietnamnet.