Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng và Quản lý môi trường: Thử nghiệm và Kinh nghiệm từ Nhật Bản” đã diễn ra Sáng 26/3 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng Công nghệ thông tin, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Trong bối cảnh nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt, diễn biến môi trường ngày càng phức tạp, hội thảo này sẽ tập trung giới thiệu một cuộc thử nghiệm của Nhật Bản cũng như kinh nghiệm cụ thể của các công ty Nhật trong việc sử dụng công nghệ thông tin để phòng tránh thiên tai và tiết kiệm năng lượng.
Trước đó, theo Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam (MIC Việt Nam) và Bộ Nội chính và Truyền thông Nhật Bản (MIC Nhật Bản) vào tháng 9/2010, hai bên đồng ý hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động môi trường và tiết kiệm năng lượng thông qua dự án thí điểm trong năm 2012 với mục đích phòng ngừa thiên tai và tiết kiệm năng lượng bằng hệ thống thông tin truyền thông và mạng lưới cảm biến.
Dự án thí điểm này do Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) thực hiện, dưới sự giám sát và cung cấp ngân sách của MIC Nhật Bản; đối tác triển khai phía Việt Nam là Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung Số Việt Nam (NISCI), thuộc MIC Việt Nam.
Hai bên thực hiện khảo sát, nghiên cứu hiện trạng và xây dựng hệ thống mạng giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai, tiết kiệm năng lượng, dựa trên các công nghệ mới nhất như truyền dẫn không dây mắt lưới, năng lượng mặt trời, tích hợp cảm biến, camera giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu đám mây, ứng dụng công nghệ IT xanh tại Trung tâm dữ liệu… Các công nghệ liên quan tới dữ liệu đám mây như tích hợp, lưu trữ, xử lý, trao đổi do phía Việt Nam cung cấp và được tích hợp với các thiết bị của Nhật Bản.
Kết quả của dự án thí điểm là cơ sở quan trọng để hai bên Việt Nam và Nhật Bản xem xét, phê duyệt và cấp nguồn vốn vay ưu đãi chính phủ (ODA) mở rộng hệ thống mạng giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai cho các địa phương tại Việt Nam cũng như nhân rộng mô hình cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan…
Ngoài ra, đây cũng là tiền đề để các địa phương có thể đề xuất mô hình hợp tác công-tư (PPP) cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trong tương lai.
Thử nghiệm này cũng nhằm minh chứng cho khái niệm về “Smart City” (Thành phố thông minh) theo đó sẽ quản lý/kiểm soát việc sử dụng điện năng thông qua các hệ thống kiểm soát và cảm biến được kết nối.
Với công nghệ “Smart City,” người sử dụng có thể thu thập dữ liệu về sử dụng năng lượng theo thời gian thực để phân tích/xử lý các dữ liệu đó. Nhờ vậy, có thể tìm ra các biện pháp để sử dụng điện năng một cách hiệu quả hơn.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung phác họa một bức tranh cập nhật về các công nghệ tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm ứng dụng năng lượng xanh với kinh nghiệm đi trước của các quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là thử nghiệm mới nhất về tiết kiệm năng lượng và quản lý môi trường do các công ty Nhật Bản vừa triển khai tại nhiều địa phương của Việt Nam.
Các chuyên gia cũng thảo luận về sự hợp tác, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin tiết kiệm năng lượng và quản lý môi trường giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các thảo luận sẽ góp phần đưa ra giải pháp giúp các nhà hoạch định chính sách, ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, thiết kế chiến lược phát triển sản phẩm và ứng dụng năng lượng xanh, hệ thống giám sát và xử lý khủng hoảng, thiên tai, xây dựng và phát triển thành phố thông minh.
Chương trình hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, hạ tầng chung về công nghệ thông tin, mức độ an toàn, an ninh và tính chính xác của công nghệ thông tin trong cảnh báo thiên tai, thảm họa, kiểm soát và xử lý khủng hoảng cũng sẽ được công ty hàng đầu của Nhật Bản như Viện nghiên cứu Mitsubishi, NTTData, Sumitomo Corp, Toshiba, NEC, Fujitsu, Hitachi, Panasonic trình bày.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng Công nghệ thông tin (MIC Việt Nam) cho biết, tiết kiệm năng lượng đã trở thành vấn đề cấp bách, mang tính sống còn đối với nhân loại. Tại Việt Nam, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đang trở nên đặc biệt quan trọng khi hao tổn năng lượng trong sản xuất, giao thông quá cao và Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu năng lượng.
Lường trước thách thức, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và quản lý môi trường bền vững. Trong nỗ lực này, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu từ các nước phát triển trong điều kiện khả năng kinh tế trong nước còn hạn hẹp và trình độ khoa học công nghệ chưa cao.
Trong khi đó, là một quốc gia phải thường xuyên hứng chịu thiên tai, đặc biệt là động đất, núi lửa, sóng thần, Nhật Bản đã luôn chú trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý thiên tai, môi trường và sử dụng nguồn năng lượng. Các doanh nghiệp Nhật đã thành công và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Qua đó, ông Phúc hy vọng hội thảo sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho cả hai bên và là cầu nối góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai Bộ truyền thông Việt Nam-Nhật Bản cũng như hợp tác giữa hai quốc gia và doanh nghiệp hai nước.
Hội thảo do Báo điện tử Vietnam+, Viện nghiên cứu Mitsubishi, Tạp chí Doanh nhân và FujiTV tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Nội chính và Truyền thông Nhật Bản và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam./.
Theo Vietnam+