Báo cáo Ứng dụng CNTT Việt Nam năm 2010 được Bộ TT&TT xây dựng khá công phu, đã vẽ nên “bức tranh” toàn cảnh về tình hình ứng dụng CNTT của Việt Nam năm qua.
Bao gồm 2 phần chính là Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp (DN) và cộng đồng, Báo cáo tập trung phân tích những chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phục vụ công tác ứng dụng CNTT, tình hình triển khai ứng dụng CNTT và đánh giá mức độ ứng dụng CNTT tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời đưa ra “bức tranh” sơ bộ về tình hình ứng dụng CNTT trong DN và cộng đồng.
Khối cơ quan Nhà nước: Những con số đáng chú ý
Nhìn tổng quan, “bức tranh” ứng dụng CNTT Việt
Nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đặt ra. Điển hình như tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thành phố trực thuộc Trung ương là 85%, vượt 5% so với kế hoạch; ở UBND tỉnh là 75%, vượt tới 15%.
Tỷ lệ cơ quan Nhà nước cấp Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng là 95% trong khi chỉ tiêu đề ra là 90%; đối với UBND tỉnh là 98% trong khi chỉ tiêu chỉ là 80%.
Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng” nêu trên thì vẫn còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành. Ví dụ như mới chỉ có 60% số cổng/trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và DN trong khi chỉ tiêu là 80%. Đối với cổng/trang thông tin điện tử của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương còn thấp hơn, chỉ đạt 55,6% trong khi mục tiêu đặt ra là 100%.
Một số chỉ tiêu đạt được còn khá thấp, chẳng hạn, mới có 46,77% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế, văn bản quy định để thu hút các DN h oặc tỷ lệ trung bình văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng Internet còn rất thấp, chỉ đạt 24% (cao nhất 80%, thấp nhất 8%). 85% đơn vị có số văn bản đi/đến vẫn được chuyển theo phương thức thủ công truyền thống với tỷ lệ hơn 50%.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, hiện còn tồn tại 5 khó khăn, hạn chế lớn đối với ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Thứ nhất, hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Nhà nước có mức độ triển khai và hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỷ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thành, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng kết nối các đơn vị trực thuộc (WAN) còn rất ít, hiệu quả sử dụng chưa cao. Hạ tầng bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật thông tin hầu như chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phòng chống virus chủ yếu mới chỉ triển khai ở mức đơn lẻ tại các máy trạm, chưa xây dựng được các hệ thống tổng thể, và hầu như chưa triển khai ứng dụng chữ ký và chứng thực số.
Đặc biệt, hạ tầng CNTT tại các cấp quận, huyện, phường, xã tại các tỉnh còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT.
Thứ hai, các ứng dụng CNTT cơ bản hiện được triển khai ở mức độ nhỏ lẻ, tính kết nối chưa cao. Việc sử dụng chủ yếu hạn chế trong các đơn vị đơn lẻ, chưa kết nối rộng, chưa hình thành môi trường trao đổi và tác nghiệp trên mạng.
Thứ ba, phần lớn các dự án chuyên ngành chưa được hoàn thiện, chủ yếu mới ở giai đoạn bắt đầu triển khai, hoặc triển khai thí điểm trên diện hẹp, gây cản trở rất lớn cho phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Thứ tư, mức độ cấp phát kinh phí cho các dự án chưa đủ, tiến độ cấp phát chậm, sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các dự án án lớn chưa được chú trọng, dẫn đến hạn chế kết nối giữa các hệ thống thông tin chuyên ngành lớn.
Thứ năm, số lượng và trình độ cán bộ chuyên trách về CNTT còn hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. Một trong những khó khăn lớn nhất là chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách về CNTT nên khó thu hút đủ cán bộ có trình độ.
Theo tổng hợp của Bộ TT&TT, mới chỉ có 23,81% các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 19,35% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản quy định về chế độ ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách.
DN hờ hững với thương mại điện tử
Theo số liệu điều tra năm 2010, mới có 16,78% DN có website, 14,22% DN cho biết sẽ xây dựng website trong tương lai, và 66,27% DN chưa có nhu cầu xây dựng website riêng.
Trong số các DN có website riêng, 87,31% chủ yếu dùng website để giới thiệu về công ty; 81,73% dùng để giới thiệu sản phẩm, 61,42% trao đổi với khách hàng. Chỉ có 22,84% DN sử dụng website để bán hàng qua mạng.
Có thể nói mục đích quan trọng nhất của Internet đối với DN là tìm kiếm và trao đổi thông tin. Chỉ có khoảng 4% DN tiến hành hoạt động mua hàng qua mạng.
Mức độ tham gia của các DN vào các loại hình thương mại điện tử vẫn còn dè dặt. Mới có khoảng 6% DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 1,36% DN có cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử. Nguyên do là DN cho rằng người tiêu dùng chưa quen mua hàng hóa, dịch vụ qua mạng, chi phí tham gia thương mại điện tử cao, DN chưa có nguồn nhân lực để vận hành thương mại điện tử, lo ngại tính an toàn chưa được đảm bảo, dịch vụ ngân hàng chưa đồng bộ.
Sáng nay, 12/7/2011, Cục Ứng dụng CNTT đã công bố Báo cáo Ứng dụng CNTT Việt Nam năm 2010 tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 năm 2011 của Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Phiên họp do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì, tập trung thảo luận một số vấn đề quan trong như Giới thiệu Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước; Giới thiệu Văn bản hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Ứng dụng CNTT năm 2012 của các cơ quan Nhà nước; Báo cáo một số kinh nghiệm triển khai các dự án ứng dụng CNTT; Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015; Báo cáo công tác xây dựng pha 3 Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Toàn văn Báo cáo Ứng dụng CNTT Việt
M.N (Theo ICT News)