Mẫu smartphone cảm ứng giao diện nổi Braille đầu tiên trên thế giới có thể tới tay khách hàng vào cuối năm nay.
Trong khi trò chuyện qua video, người dùng khiếm thị có thể chạm vào hình ảnh nổi theo thời gian thực của người đang trò chuyện để nắm bắt cảm xúc của người đó.
Sumit Dagar, một nhà thiết kế giao diện người Ấn Độ đã dành 3 năm qua để phát triển mẫu điện thoại thông minh Braille có thể hiển thị chữ và hình ảnh nổi cho người khiếm thị. Anh gọi đây là mẫu smartphone đầu tiên cho người mù trên thế giới, và nếu quá trình thử nghiệm diễn ra trôi chảy, mẫu smartphone này có thể có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.
Nhờ sự hỗ trợ tài chính của hãng đồng hồ Rolex, Dagar đã hợp tác với viện công nghệ Ấn Độ tại Delhi và viện mắt L V Prasad để phát triển một phiên bản mẫu Braille. Mẫu smartphone này có màn hình cảm ứng xúc giác, có thể chuyển các nội dung như hình ảnh, bản đồ hay văn bản thành dạng nổi để có thể cảm nhận bằng cách sờ tay.
Dagar từng diễn giải khả năng của mẫu smartphone Braille trong hội nghị Ted Talk năm 2011. Anh từng nhấn mạnh rằng người dùng khiếm thị có thể chạm vào hình ảnh nổi theo thời gian thực của người đang trò chuyện trực tuyến trên video và nắm bắt cảm xúc của người đó. Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra công nghệ này có thể hỗ trợ người khiếm thị nhiều thao tác khác như dò bản đồ, chơi game…
Chiếc smartphone này có thể hỗ trợ người khiếm thị nhiều thao tác khác như dò bản đồ, chơi game…
Mẫu smartphone này sử dụng một màn hình tích hợp một mạng lưới các chân nhỏ, chuyển động lên xuống để thể hiện các nội dung thành dạng nổi, sau đó chuyển về trang thái ban đầu khi ngừng sử dụng.
Dagar cho biết: “Công nghệ đã tạo ra cuộc cách mạng trong cuộc sống, tuy nhiên nhiều người khiếm thị chưa được tận hưởng điều đó, thậm chí công nghệ còn khiến cuộc sống của họ tệ hơn. Chính vì thế, tôi muốn làm điều gì đó để đưa công nghệ đến với họ”.