Smartphone trong tương lai sẽ ngày càng thông minh hơn chứ không chỉ đơn thuần có các chức năng thiết yếu hiện nay như lướt web, giải trí đa phương tiện… Trong tương lai, smartphone sẽ thay đổi tới mức nào?
Vỏ máy
Không còn là vỏ nhựa hay vỏ kim loại, các smartphone tương lai sẽ còn được chế tạo bằng các vật liệu cao cấp, chẳng hạn như sợi kevlar (vật liệu bền chắc) hoặc vật liệu tương tự. Vật liệu này có khả năng chống trầy xước và mềm dẻo mà không dễ bị vỡ, nhưng vẫn chắc chắn và dễ chịu khi cầm trên tay. Ngoài ra, smartphone còn có màn hình kính chắc chắn, tạo cho thiết bị tổng thể trông chắc chắn và đẹp mắt.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều thiết bị sẽ có thiết kế nguyên khối ít ốc vít, với các cổng đều là loại nhỏ như khe cắm thẻ microSD, microUSB và giắc cắm âm thanh. Chúng sẽ có các bộ loa nhưng không có màng loa đáng ghét. Các bộ loa bên trong sẽ được đặt tại các góc và âm thanh sẽ phát ra từ đó. Đây là vị trí khá phù hợp vì hiếm khi bị bịt lại bởi tay người dùng.
Màn hình
Không còn nghi ngờ gì nữa khi loại kính Gorilla Glass bền chắc, hay thậm chí là cả sapphire sẽ xuất hiện phổ biến trên smartphone trong thời gian tới. Loại kính này bền chắc, chống xước và lại đẹp. Không có lý do gì để thay thế loại kính này, nhưng điểm mới là chúng sẽ ngày càng mỏng hơn và mềm dẻo hơn. Một màn hình mềm dẻo cùng với vỏ máy mềm dẻo sẽ tạo ra một thiết bị không thể bị phá vỡ.
Kích cỡ
Kích cỡ của thiết bị phụ thuộc chủ yếu vào kích cỡ màn hình, có thể là 5 inch hoặc lớn hơn, nhưng dường như kích cỡ này cũng bị thỏa hiệp. Bởi vì chúng không thể quá lớn để giống một máy tính bảng, nhưng không quá nhỏ để có thể tận dụng tốt trải nghiệm ứng dụng hiện có.
Mặt khác, điện thoại sẽ không còn bờ rìa (mép vát) ở xung quanh thiết bị. Điện thoại sẽ chỉ có các nút phần mềm và không cần phải có các nút phần cứng và không gian rất nhỏ ở trên đỉnh máy dành cho camera.
Bộ xử lý và phần cứng bên trong
Bộ xử lý mới của Qualcomm trông khá “ngon”, Snapdragon 800 trông giống như một con “quái vật” với tốc độ xung nhịp 2,3 GHz, hay bộ xử lý 8 lõi mới nhất của Samsung tưởng rằng đã quá “khủng”. Tuy nhiên, chắc chắn tốc độ xử lý trên smartphone sẽ ngày càng được cải thiện hơn nữa để có thể xử lý nuột nà các tác vụ phức tạp. Mặt khác, các con chip sẽ còn tích hợp thêm các công nghệ như LTE để giảm kích cỡ không gian bên trong máy.
Bộ nhớ RAM hiện khá phổ biến ở mức 1GB, 2GB, nhưng RAM trong bộ xử lý trong tương lai có thể lên tới 8GB. Về dung lượng lưu trữ, hiện thiết bị có dung lượng lưu trữ trung bình 16GB, nhưng xu hướng lưu trữ đám mây ngày càng phổ biến hơn, đồng nghĩa với việc không cần quá nhiều không gian lưu trữ trong thiết bị. Mặt khác, người dùng còn có thể mở rộng dung lượng lưu trữ bằng thẻ nhớ ngoài.
Điều khiển bằng giọng nói
Điều khiển bằng giọng nói đã gây nhiều ấn tượng kể từ khi trợ lý Siri ra mắt trên iPhone. Cho dù hiện khả năng này vẫn còn nhiều hạn chế nhưng trong tương lai, chúng sẽ là phương thức điều khiển nhanh nhất đối với smartphone.
Mặt khác, trợ lý siêu thông minh trong tương lai còn biết sở thích của bạn, biết bạn thích gì và cần gì. Chúng sẽ tự động biên dịch, thể hiện và chia sẻ điều thích hợp nhất cho bạn. Hơn nữa, trợ lý siêu thông minh này sẽ có một khuôn mặt để bạn nhìn vào và một tính cách mà bạn chọn.
Siêu kết nối
Smartphone của bạn sẽ tương thích với các bề mặt thông minh. Chúng ta đã nhìn thấy sự khởi đầu của việc sử dụng màn hình cảm ứng và điều khiển bằng giọng nói trên máy tính bàn để truy cập Internet. Đơn giản chỉ cần đặt smartphone vào trong các bề mặt đó, cả hai thiết bị sẽ tương tác với nhau.
Bảo mật sinh trắc học
Thay vì phải nhớ nhiều mật khẩu, trong tương lai bạn có thể truy cập dữ liệu và các trang web trên smartphone sử dụng nhiều hình thức xác thực sinh trắc học. Công nghệ này sẽ ngày càng được hỗ trợ đắc lực nhờ độ phân giải màn hình và các bộ cảm biến tiên tiến trên điện thoại.
Chẳng hạn, khi bạn chạm vào màn hình, chúng sẽ nhận dạng dựa trên dấu vân tay. Ngoài ra, camera tích hợp ở mặt trước điện thoại sẽ sử dụng nhận diện khuôn mặt. Giọng nói của mọi người là duy nhất, nên khả năng nhận dạng giọng nói cũng sẽ là một phần của quy trình bảo mật/xác thực.
Số lượng sinh trắc học được sử dụng sẽ tùy thuộc vào mức độ bảo mật mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn, nếu bạn đang truy cập tài khoản Facebook, bạn chỉ cần một xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện hoạt động bảo mật mức cao hơn (thực hiện giao dịch ngân hàng trên smartphone), bạn sẽ sử dụng nhiều mức xác thực sinh trắc học.