Nhà sản xuất iPad này đã ‘cắt ngắn’ hóa đơn thuế của mình khi chỉ thanh toán mức thuế không đến 2% lợi nhuận thực của nó ở một quốc gia, và chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có thuế suất thấp như British Virgin Islands.
Chiến lược né thuế hợp pháp này giúp Apple tránh phải đóng khoản tiền lên đến 94 tỷ USD cho cơ quan thuế của Mỹ, theo một phân tích của Sunday Times.
Thuế doanh nghiệp mà Apple đã trả khi kinh doanh ở nước ngoài chỉ bằng 1,9% lợi nhuận, so với mức thuế suất lên đến 24% ở Anh và 35% ở Mỹ.
Ước tính, năm 2011, Apple đã né hơn 550 triệu bảng (~gần 900 triệu USD) tiền thuế ở Anh.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, doanh số ở Anh chỉ đạt hơn 1 tỷ bảng và lợi nhuận là 81,3 triệu bảng, tạo ra tờ hóa đơn đóng thuế của Apple chỉ vỏn vẹn 14,4 triệu bảng.
Tuy nhiên, hồ sơ phân tích Apple đưa ra con số doanh thu thực tế của hãng này ở Anh lên đến 6,7 tỷ bảng. Điều này nghĩa là lợi nhuận ước tính lên tới 2,2 tỷ bảng và với thuế suất 26%, tờ hóa đơn thuế của công ty này phải tồn tại con số 570 triệu bảng Anh mới đúng, tờ Sunday Times cho hay.
Apple là công ty mới đây nhất trong chuỗi các công ty lớn bị phát hiện sử dụng lỗ hổng về thuế để có thể trốn thuế một cách hoàn toàn hợp pháp.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tuần trước ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Anh David Cameron đã ám chỉ Starbucks, khi ông nói các công ty đang trốn thuế cần phải “thức tỉnh và ngửi mùi cà phê”.
Đòn tấn công trực tiếp nhằm vào Starbucks, vốn bị chỉ trích mạnh mẽ do không nộp thuế doanh nghiệp ở Anh trong nhiều năm qua, đang đe dọa kế hoạch đầu tư 100 triệu bảng (160 triệu USD) vào thị trường Anh mà Starbucks công bố năm ngoái có thể sẽ bị tạm dừng.
Kể từ khi đặt chân đến xứ sở sương mù năm 1998, đại gia kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới này chỉ nộp có 8,5 triệu bảng (13,6 triệu USD) cho cơ quan thuế Anh, mặc dù tổng doanh thu lên tới 3 tỷ bảng (4,8 tỷ USD).
Tháng trước, Starbucks đã nhượng bộ tuyên bố công ty này sẽ tự nguyện nộp thêm 20 triệu bảng (khoảng 32 triệu USD) thuế thu nhập cho Anh, sau khi không chịu thanh toán đồng thuế nào dù doanh số bán hàng tại Anh đạt 398 triệu bảng hồi năm ngoái.
Facebook cũng là một trường hợp bị cáo buộc về hành vi “vô đạo đức” sau khi các báo cáo kế toán cho thấy năm ngoái gã khổng lồ mạng xã hội này chỉ thanh toán hóa đơn hơn 238 nghìn bảng Anh, trong khi doanh thu ước tính lên đến 175 triệu bảng.
Amazon bị chỉ trích trốn thuế khi mà doanh số bán hàng năm ngoái đạt 3,2 tỷ bảng. Còn Google chỉ đóng 6 triệu bảng tiền thuế so với mức doanh thu 2,53 tỷ bảng.
Cuối tháng trước, thủ tướng Cameron đã yêu cầu điều tra các phi vụ trốn thuế quy mô lớn. Ông cũng yêu cầu Cơ quan Hải quan và Doanh thu (HM Revenue & Customs) “xem xét thận trọng” với trường hợp ở các công ty đa quốc gia hoạt động hợp pháp có doanh thu hàng tỷ bảng Anh lại không đóng thuế – hoặc đóng rất ít.
Apple chưa thể đưa ra bình luận nào.
thebox.vn