Chỉ chưa đầy 1 ngày nữa, chiếc iPhone thế hệ tiếp theo sẽ được chính thức công bố. Hãy cùng nhau phân tích những tin đồn phần cứng về chiếc iPhone trước ngày ra mắt.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng xem lại xu hướng thiết kế và phần cứng của iPhone trong những năm vừa qua. Qua bảng thống kê bên dưới, có thể thấy ngoại trừ chiếc iPhone đầu tiên, các thế hệ iPhone khác đều có thiết kế hoặc phần cứng được thay đổi theo chu kỳ hai năm một.
Theo trang tin Anandtech, nếu suy đoán dựa trên xu thế đó, có thể chúng ta sẽ thấy chiếc iPhone mới với kiểu dáng thuộc thế hệ thứ tư, phần cứng với vi xử lý và đồ họa tương tự như trên iPhone 4S (nhưng có thể sẽ được ép xung một chút để đem lại hiệu năng cao hơn). Về mặt kết nối, iPhone 4 đã hỗ trợ thêm mạng CDMA và có thể iPhone 5 sẽ có thêm kết nối 4G LTE.
Chiếc iPhone 5 qua hình dung đó có vẻ rất hợp lý. Hãy cùng xét lại những tin đồn về iPhone 5 mà chúng ta đã có, để xem thử liệu những suy đoán trên có thành sự thực.
Kiểu dáng và màn hình
Đây là một trong những thành phần đầu tiên của iPhone 5 xuất hiện trên mạng. Nhiều bức hình trước đây đã cho thấy iPhone 5 sẽ có thiết kế dài hơn một chút, với kích thước màn hình được nâng lên 4 inch và độ phân giải 640 x 1136 pixel. Màn hình của iPhone 5 cũng sẽ sử dụng công nghệ cảm ứng in-cell giúp giảm độ dày của màn hình.
Về kiểu dáng, có thể thấy iPhone 5 vẫn sẽ có nắp lưng thẳng như hai chiếc máy trước đó. Tuy nhiên vật liệu ở lưng máy và trên dưới màn hình là kim loại, thay vì mặt kính như iPhone 4/4S. Một số thay đổi khác bao gồm vị trí cắm tai nghe được chuyển xuống đáy máy và chân kết nối kiểu mới.
Hệ thống xử lý: Apple A5 với tiến trình 32nm?
Apple là một trong những nhà sản xuất vẫn sử dụng vi xử lý do mình thiết kế, chứ không dựa vào những hãng chuyên sản xuất chip như Nvidia, Qualcomm hay TI. Gần đây, những bức hình đã cho thấy bo mạch của iPhone 5, tuy nhiên chúng quá mờ để ta có thể đọc được thông số.
Vi xử lý A5 với tiến trình 32nm (bên phải) nhỏ hơn hẳn vi xử lý tiến trình 45nm
Tuy vi xử lý trên iPhone 5 có lẽ vẫn là Apple A5, nhiều khả năng nó sẽ được nâng cấp lên tiến trình 32nm. Đây là tiến trình mới, thay thế cho tiến trình sản xuất 45nm của những vi xử lý Apple A5 trên iPhone 4S. Samsung vẫn là nhà sản xuất cho Apple và gần đây sản lượng trên tiến trình 32nm của hãng điện tử Hàn Quốc đã được nâng cao.
Bo mạch của iPhone 5
Vi xử lý A5 với tiến trình 32nm đã được sử dụng trên một số mẫu iPad 2 và Apple TV. Điểm cải tiến mạnh nhất của nó là tiết kiệm điện, qua đó kéo dài thời gian sử dụng pin. Chúng ta thấy chiếc iPad 2 sử dụng vi xử lý mới có thời gian sử dụng dài rõ rệt. Điều này sẽ rất quan trọng với chiếc iPhone 5, khi mà thế hệ trước đó là iPhone 4S được đánh giá là khá ngốn pin.
Về mặt đồ họa, iPhone 5 có độ phân giải là 640 x 1136 pixel, tức là chỉ hơn 18% so với iPhone 4/4S. Do đó sức mạnh của bộ vi xử lý đồ họa sẽ không cần phải tăng quá cao để đáp ứng nhu cầu. Vi xử lý đồ họa trên iPad 3 có tới 4 nhân, do đó hoạt động khá nóng và cũng có kích thước lớn. iPhone 5 sẽ không phải gánh mức phân giải lớn như vậy, do đó nhiều khả năng vi xử lý đồ họa vẫn sẽ là PowerVR SGX543 như trên iPhone 4S, với tốc độ cao hơn một chút.
Như vậy, hệ thống xử lý của iPhone 5 sẽ không có cải tiến lớn, thay vào đó là tối ưu hóa kiến trúc Apple A5 cũ. Với tốc độ ứng dụng vi xử lý nền ARM, có thể ta sẽ thấy những hệ thống sử dụng vi xử lý Cortex A-15 ngay trong năm nay. Apple sẽ mất một thời gian để ứng dụng vi xử lý này và sớm nhất cũng phải đến sự xuất hiện của iPad tiếp theo vào đầu năm sau thì Apple A5 mới được thay thế.
Kết nối: Chờ đợi LTE, nhưng NFC không chắc đã xuất hiện
Kết nối LTE sẽ xuất hiện trên iPhone 5, với vi xử lý Qualcomm
iPhone từ trước tới nay vẫn có một vi xử lý riêng dành cho kết nối không dây, và lần này có lẽ sẽ không có gì khác biệt. LTE chắc chắn sẽ là kết nối thế hệ tiếp theo ở những nước như Mỹ, trong khi TD-SCDMA là kết nối phải có ở thị trường Trung Quốc. iPhone 5 sẽ cần phải có hai kết nối này để không bị tụt hậu so với các đối thủ.
Vi xử lý kết nối không dây có thể được sử dụng trên iPhone mới là Qualcomm’s MDM9x15, được gia công bởi TSMC và hỗ trợ rất nhiều kết nối mới, cũng như có khả năng hỗ trợ lên tới 7 băng tần. Vi xử lý này cũng sẽ hỗ trợ các hệ thống định vị GPS và GLONASS (hệ thống định vị của Nga).
Chip hình vuông bí ẩn trên iPhone
Cuộn cảm hỗ trợ NFC trên Galaxy Nexus có kích thước lớn, được gắn vào nắp pin. Ảnh: iFixit
Gần đây, hình ảnh nắp lưng của iPhone có một chip hình vuông khiến nhiều người nghĩ tới công nghệ NFC, nhất là khi Apple đã giới thiệu tính năng Passbook trên iOS 6. Tuy nhiên nên biết bộ phận gắn trên điện thoại hỗ trợ NFC thực chất là các cuộn cảm, với dạng chính là bo mạch in với dây dẫn được in vòng xung quanh. Cuộn cảm cũng sẽ bị giảm hiệu quả nếu để gần một tấm kim loại, ở đây chính là nắp sau của iPhone 5. Cộng với kích thước quá nhỏ như vậy, có thể đây không phải là bộ phận hỗ trợ NFC, mà có thể là một vi xử lý để điều khiển cảm ứng.
WiFi và pin
Chip điều khiển WiFi và Bluetooth trên iPhone được cải tiến với mỗi thế hệ, và iPhone 5 có lẽ không phải ngoại lệ. Có thể WiFi trên iPhone mới sẽ hỗ trợ băng tần 5GHz, một tính năng đang dần trở nên phổ biến trên các điện thoại cao cấp.
Pin được cho là của iPhone 5, với các thông số được hiển thị rõ ràng
Pin trên iPhone mới cũng có cải tiến một chút. Thông tin trước đây cho thấy dung lượng pin của nó tính theo đơn vị mAh là 1440 mAh, tức là không hơn thấy so với iPhone 4S có dung lượng pin 1430 mAh. Tuy nhiên do điện áp tăng lên mức 3,8V, dung lượng pin tính theo đơn vị Wh sẽ tăng khoảng 3%. Kết hợp với vi xử lý tiết kiệm pin, ta có thể hi vọng thời gian sử dụng dài hơn ở iPhone 5.
Như vậy, iPhone 5 có thể vẫn sẽ duy trì chu kì hai năm cho các sản phẩm iPhone. Những suy đoán dựa trên tin đồn cho thấy điều đó, nhưng liệu Apple có gây ngạc nhiên với một chiếc iPhone khác hẳn tin đồn? Ta hãy cùng chờ xem vào tối nay.