Sinh viên này đang ngoài cuộc với Internet?

Theo tổng kết của GS. TS KH Nguyễn Quang A: “Trong khi hơn 70% dân số các nước phát triển sử dụng hiệu quả Internet thì ở Việt Nam, sinh viên là tầng lớp được đánh giá cao trong việc sử dụng Internet nhưng có đến 70% chưa biết khai thác, sử dụng Internet hiệu quả. Có nghĩa là chính chức năng quan trọng nhất của Internet thì sinh viên Việt chúng ta hầu như đang đứng ngoài  cuộc”. 


Quan niệm về Internet và giá trị của nó đã có nhiều biến chuyển khác trước. Theo quan niệm cũ, Internet chỉ là thông tin với cách tiếp cận là tiếp nhận trên web với hàng ngàn trang tư liệu thì hiện nay, Internet phải được hiểu theo hướng dịch vụ, với cách tiếp cận theo hướng tương tác, đa dạng và phải bóc tách được thông tin. Tuy nhiên, chỉ với cách nhìn nhận cũ thì chính sinh viên hiện nay đã  lạc hậu rất xa so với thế giới. Việc khai thác Internet của sinh viên Việt vẫn chỉ dừng lại ở bề ngoài, với một số kỹ năng thụ động trên một công cụ web có sẵn. Do đó, những thông tin mà sinh viên có được là rất đồ sộ, khó chuyển đổi, bóc tách. Vậy nên, thay vì khai thác được, sinh viên lại trở nên ngập lụt trong đống tài liệu mình có. Nó cho thấy sự vươn ra, hội  nhập của sinh viên Việt vẫn còn rất nhiều rào cản.


Lỗi tại ai?


Nguyễn Huyền My, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Chúng tôi không hề được học cái gọi là môn Kỹ năng khai thác Internet trong trường đại học. Phần lớn sinh viên phải tự mày mò tìm kiếm, theo kiểu phong trào và tự phát. Bởi vì nó là cái mới mà giới trẻ chúng tôi tiếp cận rất nhanh”. 


Khảo sát chương trình Tin học trong một số trường đh trên địa bàn Hà Nội, rõ ràng Kỹ năng khai thác Internet không hề được đưa vào giảng đường. Môn Tin học cơ sở của Đại học Bách khoa, một trường đỉnh về Công nghệ thông tin, sinh viên cũng chỉ được tiếp cận với MsDOS, Pascal…, những chương trình đã lỗi thời cả một thập kỷ. Internet dường như còn là một điều xa vời với các bạn sinh viên. Họ phần lớn chỉ biết đến Internet trong việc truy cập, chat chit, còn khả năng tìm kiếm thông tin vẫn là ô cửa bị bỏ ngỏ. 


Báo chí, một chuyên ngành đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin rất cao, khả năng chọn lựa và cập nhật tốt thì đa phần sinh viên vẫn phải tự mò mẫm. Hai khoa báo chí của Học viên Báo chí và Tuyên truyền và ĐH KHXH & NV dường như vẫn  chưa đầu tư lớn vào kỹ năng này cho sinh viên. Nguyễn Lam Kiều, sinh viên K44 Đại học KHXH & NV cho biết: “Đơn giản là việc bắt chước, thấy bạn bè sử dụng vài trang làm công cụ tìm kiếm mình cũng làm theo. Làm luận văn là lúc cần nhiều thông tin nhất, đặc biệt là những cái mới trên thế giới. Lúc đó search ra được một lố, lên tới cả trăm trang. Nhưng chẳng biết làm thế nào để phân loại, lại phải vứt đấy, xuôi xị. Cứ mò mẫm từng trang thì vừa mất thời gian, hiệu quả không cao mà mình cũng không đủ sức kiên nhẫn”.


GS.TS Nguyễn Quang A cho biết: Khi ông mới bước vào đại học, thì buổi đầu tiên các thầy giáo dạy là kỹ năng tìm kiếm thông tin, sách vở trong thư viện. Đây là điểm khởi đầu cho phương pháp tự học, tự tra cứu và tìm tài liệu của sinh viên. 


Một trường đại học bắt đầu đưa kỹ năng khai thác Internet vào giảng dạy là trường Đại học Công nghệ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong môn học Tin học cơ sở, với thời lượng chưa đầy hai buổi học lý thuyết và thực hành. Nguyễn Văn Trung, sinh viên K49 Điện tử Đại học Công nghệ cho biết: Cũng như việc cưỡi ngựa xem hoa. Và trên thực tế là thầy giáo cung cấp cho chúng tôi một số trang web tìm kiếm. Ngoài google hay yahoo ra thì có thể vào một số trang web mà may chăng có lúc nào đó những trang web phổ biến kia không tìm kiếm được. 


Còn hiệu quả ứng dụng kỹ năng này của sinh viên ra sao? Bài thi qua học trình của môn này, chỉ với một yêu cầu tìm kiếm lời bài hát “Chiều matxcova” tiếng Việt mà cả thầy lẫn trò đều “toát mồ hôi hột”, hết cả buổi chiều cũng không tìm ra được.


Kỹ năng, bao giờ?


Ông Trương Xuân Nam, Giám đốc Đào tạo Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Hà Nội – Aptech kêu gọi: “Chính sv chứ không phải ai khác, phải biết và nắm vững kỹ năng khai thác, sử dụng Internet. Đừng có chỉ trông đợi vào những trang sẵn có là Google hay yahoo. Phải chính sv phát triển những trang search tiếng Việt, đầu tư để làm chủ công nghệ search. Như thế mới giải quyết vấn đề tận gốc. Và muốn vậy, đầu tiên sinh viên phải có kỹ năng và khai thác tốt những tiềm năng mà chúng ta đang có từ kho dữ liệu khổng lồ Internet”.


Và giải bài toán này theo GS.TSKH Nguyễn Quang A phải tăng cường cơ sở vật chất cho sinh viên, để sinh viên tiếp cận và không còn xa lạ với Internet. Khả năng về ngoại ngữ cũng là điểm hạn chế của sv trong việc tìm kiếm và phân loại thông tin, khai thác hiệu quả thế mạnh Internet. Đây cũng là hạn chế làm cho sinh viên trở nên thụ động trước hàng lô kiến thức tìm kiếm được từ Internet.


Đặc biệt, không thể có cách nào khác phải đào tạo kỹ năng khai thác Internet cho sinh viên. Thuật toán, kỹ năng tìm kiếm nhị phân, lối tư duy “Yes or No”… là những cách giúp sinh viên có thể loại trừ được hàng ngàn trang thông tin không liên quan, ít hiệu quả luôn khiến sinh viên sốc khi gõ từ khoá vào google. Những kỹ năng này sẽ làm cho sinh viên không bị chết ngột trong biển thông tin từ Internet, thậm chí tăng khả năng tìm kiếm những link khác bất ngờ, hữu ích, tác dụng.


Diệu Linh