Nhiều kỹ sư điện toán xem lời mời làm việc từ Google là một tấm vé vàng, nhưng cũng có những người chán Google.
Những sân bóng chuyền ngoài trời, thức ăn miễn phí dành cho người sành ăn, hớt tóc, mát-xa và giặt giũ tại nơi làm việc là một số đặc quyền Google cung cấp cho nhân viên của mình tại đại bản doanh Google ở Mountain View, California (Mỹ).
Nhưng một số nhân viên bỏ Google đi đang đặt ra thách thức với Google theo cách tốt nhất mà một kỹ sư biết: bằng việc phát triển các chương trình có thể làm giảm giá trị kinh doanh cốt lõi của Google.
Một cựu nhân viên Google. Ảnh CNN
Anh Brian Kennish làm việc ở Google đã bảy năm, quản lý các đội kỹ thuật làm nhiều sản phẩm khác nhau như trình duyệt Chrome và Google Wave.
Gần cuối thời hạn làm việc của mình ở Google, Kennish đã phát triển một ứng dụng mở rộng (extention) cho trình duyệt Chrome có tên là Facebook Disconnect.
Phần mềm này chặn các website có Facebook widget được cài đặt từ việc tự động gửi thông tin về người dùng trở lại mạng xã hội này. Facebook Disconnect có 75.000 người dùng, theo Kennish.
"Không có ai ở Google yêu cầu tôi làm việc này”, anh nói.
Anh cho biết điều thúc giục mình làm dự án này là từ việc anh đọc được một loạt các bài báo giám sát các thủ thuật thu thập dữ liệu trực tuyến gần đây. Báo Wall Street Journal đã có một loạt bài có tựa “Họ biết gì”, và CNN có bài “Sự kết thúc của quyền riêng tư”.
Trong khi Facebook và các ứng dụng chạy trên nền tảng Facebook có thể được xem là những nơi lưu trữ dữ liệu riêng tư, Kennish cuối cùng nhận ra rằng ông chủ cũ của mình thực ra là một trong những nhà sưu tập dữ liệu cá nhân lớn nhất.
Có thể kể ra một số hoạt động như Google theo dõi truy vấn tìm kiếm mọi lúc, nhắm quảng cáo tới người dùng Gmail dựa trên nội dung email, sử dụng dữ liệu định vị của cá nhân để quyết định quảng cáo nào họ sẽ hiển thị.
Google, như nhiều công ty quảng cáo khác, sử dụng các tệp nhỏ gọi là cookies để theo dõi các thói quen lướt Web của cư dân mạng để đưa ra các quảng cáo mục tiêu tốt hơn.
"Tôi chưa bao giờ làm việc trực tiếp với dữ liệu người dùng”, Kennish nói về thời gian anh làm việc ở Google. “Tôi không có cảm nhận tốt về cái đang được sưu tập. Sự riêng tư không phải là đam mê của tôi hoặc cái gì đó tôi biết nhiều cho đến hai tháng trước đây, khi tôi bắt đầu đọc được những thứ như thế này trên báo”.
Kennish đã rời khỏi Google hồi tháng 11 vừa qua để tập trung hơn vào các chương trình giúp người dùng có quyền lực hơn trong kiểm soát sự riêng tư của họ trên mạng.
Anh nói khi mình biết điều gì đang diễn ra, thì mới thấy có quá nhiều thứ không được tiết lộ về việc những gì đang được thực hiện với cơ sở dữ liệu riêng tư của người dùng.
“Tôi nghĩ có lý do để quan tâm đến tất cả những việc này và thú thật, để lo ngại về nó”, anh nói.
Tuần trước, anh đã tung ra phần mềm mở rộng thứ hai – một công cụ khác cho Google Chrome có tên là Disconnect. Một khi được cài đặt, tiện ích này chặn các công ty Internet lớn, gồm Google, khỏi cài đặt cookies vào – tức là do thám máy tính của người dùng.
Người dùng Disconnect có thể quyết định cookie nào họ muốn cho phép cài vào hệ thống của mình. Các cookie có thể có ích khi, chẳng hạn như bạn muốn một website nhớ thông tin đăng nhập và không hỏi lại mỗi khi bạn vào lại nữa.
Trong tuần đầu tiên, có 25 nghìn lượt tải về Disconnect. Anh Kennish đã tung ra phiên bản mới vào thứ Sáu vừa qua để người dùng có thể chọn liệu có để Google cá nhân hóa các truy vấn tìm kiếm dựa trên cơ sở dữ liệu của họ có về người dùng hay không. Mặc định, Disconnect chặn Google làm việc này.
Michael Gundlach, một cựu kỹ sư Google khác, đã phát triển một giải pháp để phức tạp hóa hệ thống opt-out. Giống như Disconnect, đó là một phần mở rộng trình duyệt và có nhiều phiên bản cho Chrome và Safari của Apple.
Có tên là AdBlock, chương trình của Gundlach có thể ngăn cản các trang Web tải và hiển thị quảng cáo, trong đó có quảng cáo của Google – nguồn sống chủ yếu của người khổng lồ tìm kiếm hiện nay.
Phần mở rộng AdBlock cũng đưa ra một thiết lập để dễ dàng cho phép quảng cáo từ Google hiển thị, mặc dù những quảng cáo này bị vô hiệu bằng AdBlock. “Google không đề nghị tôi đưa nó vào nhưng tôi thấy quảng cáo văn bản của Google sẽ có ích”, Gundlach viết trong một email.
Song Gundlach nói anh chặn hầu hết các quảng cáo bởi vì “Tôi không muốn bị dội bom bảo chủ nghĩa tiêu dùng”.
Từ đó nảy sinh ra bài toán kinh tế hóc búa: Nếu người truy cập vào website không trả tiền theo nghĩa bóng – tức là xem quảng cáo hoặc thông tin cá nhân của họ không được gửi đến nhà quảng cáo – họ có thể phải bắt đầu trả tiền thực cho các dịch vụ trực tuyến.
Kennish có kế hoạch dành trọn sáu tháng để phát triển Disconnect và sẽ đánh giá lại xem liệu đây có phải là một kinh doanh bền vững không.
Anh đang chuẩn bị tung ra một mềm mở rộng cho trình duyệt Safari và gần đây bắt đầu phát triển một phần mở rộng khác cho Firefox. Nếu anh bị buộc phải bỏ dự án này, nguồn mã sẽ có sẵn miễn phí cho bất kỳ nhà phát triển doanh nghiệp nào muốn sử dụng.
Kennish nói mô hình kinh doanh duy nhất mà anh biết là cuối cùng cung cấp một phiên bản phần mềm cao cấp hơn mà tốn kém tiền bạc.
“Khi tôi sử dụng cái gì đó như Google, tôi sẽ trả tiền cho Google bằng sự chú ý và cơ sở dữ liệu của tôi”, anh nói, “Chẳng có gì là miễn phí. Đây là những công ty phải trả tiền lương cho nhân viên”.
(Theo Quantrimang)