Cuộc sống khép kín của công nhân nhà máy iPhone

Trương Ngọc Quỳnh trực thuộc phòng nhân sự Công ty Foxconn tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Cô sống trong ký túc xá công ty, ăn ở nhà ăn chung, mua sắm tại siêu thị và đọc sách ngay thư viện trong khuôn viên nhà máy.

Quỳnh sinh năm 1984, là cô gái xinh xắn với đôi mắt long lanh, nước da trắng hồng, má đỏ bồ quân. Con cả trong gia đình có hai chị em, bố mẹ đều là công nhân, Quỳnh từ tỉnh Hồ Bắc đến Thẩm Quyến trở thành nhân viên Foxconn (tập đoàn Hồng Hải), làm việc trong nhà máy gia công lắp ráp iPhone, iPad cho hãng Apple, và chưa có người yêu.

* Clip bên trong nhà máy iPhone

Quỳnh chia sẻ, em ở chung phòng với 3 bạn gái khác. Mỗi ngày cô gái trẻ thức dậy từ lúc 6h sáng, làm vệ sinh, điểm tâm, tập hợp và được xe buýt đưa đến chỗ làm để 7h30 bắt đầu công việc. Trưa ăn tại nhà ăn chung rồi trở lại làm việc đến chiều. Những khi không có tăng ca, em cùng bạn đi mua sắm ở siêu thị tại chỗ, vào thư viện đọc sách báo, lướt web hoặc gọi điện về quê thăm hỏi bố mẹ. Theo quy định, công nhân Foxconn được tăng ca 36 tiếng đồng hồ một tháng, nhưng Quỳnh bảo rằng có thời điểm phải tăng nhiều hơn mới giải quyết xong công việc.

Trương Ngọc Quyên trước cổng nhà máy Foxconn ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Phan Anh
Trương Ngọc Quỳnh trước cổng nhà máy Foxconn ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Phan Anh

Công nhân sống trong ký túc được Foxconn hỗ trợ 250 nhân dân tệ (khoảng hơn 700 nghìn đồng), ăn trưa 11 tệ; những chi phí còn lại phải đóng thêm. Nếu không ở ký túc xá mà thuê nhà ở ngoài thì sẽ được công ty bù khoản hỗ trợ 250 tệ. Trường hợp hai công nhân cưới nhau thì không được sống ở ký túc nữa mà phải thuê nhà ngoài, công ty cho 500 tệ một tháng.

Nữ công nhân trẻ kể, cô có may mắn hơn nhiều bạn công nhân khác vì hưởng lương 3.000 tệ nhờ làm ở khối văn phòng (chỉ mới được điều chỉnh vài tháng nay, gấp đôi lúc trước), so với lương công nhân lắp ráp chỉ 2.000 tệ. Tuy vậy, ngoài các khoản hỗ trợ của công ty, cô phải chi thêm tổng cộng khoảng 1.000 tệ cho sinh hoạt phí, gửi về gia đình 500 tệ giúp bố mẹ, còn lại chuyển vào ngân hàng tiết kiệm. Mọi sinh hoạt đều gói gọn trong khuôn viên nhà máy, Quỳnh rất ít khi đi ra ngoài hoặc giao lưu với bên ngoài.

Bất chấp một thực tế là có 12 công nhân đã nhảy lầu tự tử tại Foxconn và Ban giám đốc phải cho lắp đặt một hệ thống lưới bên dưới các khu ký túc xá, nhà xưởng để ngăn các vụ quyên sinh, Quỳnh bảo rằng cô hài lòng với cuộc sống ở nhà máy. "Đôi khi em muốn trở về Hồ Bắc chỉ vì cuộc sống ở Thẩm Quyến quá đắt đỏ. Em nghĩ các bạn tìm đến cái chết có thể bởi chuyện cá nhân, nhất là vấn đề tình cảm", cô gái trẻ nói với VnExpress.net.

* Hệ thống lưới ngăn công nhân tự tử ở Foxconn

Trong khuôn viên rộng hơn 2.000 km2, Foxconn hiện có hơn 400.000 công nhân, trong đó 45% là nam và 55% nữ. Khoảng 80% công nhân là người từ các tỉnh xa đến làm việc. Phần lớn lao động thuộc thế hệ 8x và 9x. Nhà máy đặt ở Long Hoa, cách xa các khu dân cư, gần như độc lập. Mọi hoạt động ra vào nhà máy đều phải qua cổng kiểm soát an ninh với 6 barie, tất cả mọi người kể cả khách đều phải đeo thẻ kiểm tra.

Công nhân Foxconn giờ nghỉ trưa kéo nhau đi ăn ở căntin ngay trong khuôn viên nhà máy. Ảnh: Phan Anh
Công nhân Foxconn giờ nghỉ trưa đổ ra ngoài để đi ăn ở căng-tin ngay trong khuôn viên nhà máy. Ảnh: Phan Anh.

Nhà máy có 2 khu ký túc xá để công nhân ở, mỗi khu đủ chỗ cho chừng 200.000 người. Họ đều trong độ tuổi mới lớn và biết yêu, lại ở xa gia đình, nên nói như Trợ lý đặc biệt của Tổng giám đốc Foxconn, ông Micheal Tu: "Foxconn như một thành phố thu nhỏ nên những vấn đề đời sống xã hội cũng tương tự. Khi những người trẻ, ở xa gia đình, không có nhiều sự chia sẻ cảm thông, thì rất dễ xảy ra ý nghĩ tiêu cực, kể cả quyên sinh".

Micheal Tu cũng là người Đài Loan sang Thẩm Quyến làm việc cho Foxconn. Ông ở Long Hoa một mình, còn vợ con sinh sống tại Đài Loan. Vài tuần một lần, ông bay về Đài Loan thăm nhà. Nhưng công nhân thì hẳn nhiên không có điều kiện để bay đi bay về với gia đình như ông.

* Cuộc sống công nhân bên trong nhà máy iPhone

Viên trợ lý này cho rằng, các vụ công nhân tự tử thời gian qua hoàn toàn là chuyện cá nhân, không liên quan đến Foxconn. Ấy thế nhưng Foxconn vẫn phải chi hàng trăm nghìn tệ để lắp đặt hệ thống lưới bao quanh tầng 1 các khu ký túc xá và nhà xưởng nhằm ngăn chặn công nhân tự tử.

Không nhà máy nào tạo cảm giác thật lạ, thật ấn tượng khi có tầng tầng lớp lớp lưới bao quanh như Foxconn. Nhiều đoạn lưới trũng sâu, lõm, vài chỗ rách như hằn vết người nằm.

Một trung tâm quan hệ nhân viên cũng được thiết lập, để hỗ trợ công nhân, tư vấn những vấn đề về tình cảm, tâm lý, công việc… "Foxconn đang dự định chuyển các xưởng từ Thẩm Quyến về Trùng Khánh, Tứ Xuyên…, nơi gần với quê nhà của nhiều công nhân hơn để đảm bảo họ được chia sẻ nhiều hơn. Thời gian qua, chính vì công nhân xa nhà, xa gia đình, khi gặp bất trắc về mặt tình cảm mà không được chia sẻ giải tỏa nên dẫn đến những hành động tiêu cực", Michael Tu nói.

Cũng để ngăn chặn các vụ tự tử, Foxconn bắt đầu xây dựng thêm hạ tầng cơ sở ngay trong khuôn viên nhà máy để giúp công nhân có các hoạt động vui chơi giải trí tại chỗ. Một hồ bơi cùng nhà hàng được xây dựng sát khu ký túc xá, dành riêng cho công nhân thư giãn ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên trên thực tế, theo quan sát của VnExpress.net, hồ bơi khá vắng vẻ trong khi các siêu thị mua sắm ở giữa trung tâm khuôn viên nhà máy tấp nập khách hơn.

Lưới ngăn chặn công nhân tự tử ở khu ký túc xá Foxconn. Ảnh: Phan Anh
Lưới ngăn chặn công nhân tự tử ở khu ký túc xá Foxconn. Ảnh: Phan Anh.

Khoảng 3 siêu thị được xây dựng từ sau những vụ tự tử hàng loạt. Một thư viện cũng hình thành tại đây để công nhân có thể đọc sách, trang bị thêm kiến thức. Các phòng ngân hàng tiết kiệm dành cho người lao động cũng được mở ra, kèm theo các máy rút tiền tự động (ATM) luôn đông nghịt khách.

Giữa các phân xưởng là những công viên nhỏ. Mỗi giờ nghỉ trưa, nhiều công nhân không vào nhà ăn mà ngồi ngay vỉa hè gặm bánh mì, hoặc ôm gối gục đầu vào tay tranh thủ ngủ. Nhiều người khác không vào nhà ăn mà đến ghế đá hay trải miếng nilong trong các công viên, dưới bóng mát cây cối để nghỉ ngơi. Trong đó có cả các đôi trai gái gối đầu vào lòng nhau để ngủ.

Công nhân Foxconn có được một tiếng rưỡi đồng hồ nghỉ trưa từ 12h đến 1h30. Song, Micheal Tu nói rằng vì lượng lao động quá đông, các nhà ăn không có chỗ chứa, lại phải liên tục làm việc, nên những phân xưởng phải chia ca đi ăn trưa, bắt đầu từ 11h30 đến 14h.

Đến giờ nghỉ, từng đoàn công nhân ở các xưởng túa ra ngoài, đi lại đông nghịt khắp các tuyến đường nội bộ. Họ có thể vào các nhà ăn chung với giá bữa ăn được công ty hỗ trợ; hoặc có thể bù thêm tiền để vào những nhà hàng chọn món ngon, sang hơn. Thảng hoặc trong đám công nhân, có những bà bầu lễ mễ vác bụng đi ăn rồi về tiếp tục làm việc.

Họ đều mang giày vải, quần jeans, có người mặc đồng phục phân xưởng, gương mặt hầu hết đều tươi tắn sáng sủa, hồn nhiên; nhưng cũng có đâu đó những ánh mắt đăm chiêu, dáng ngồi gục đầu ủ rũ bên vỉa hè trước cửa xưởng làm việc.

(Theo Vnexpress)