Làm sạch máy tính (2): Lau linh kiện và thiết bị ngoại vi

Nếu thấy chuột không chạy “bon bon” trên màn hình, bàn phím bị kẹt gõ chữ nọ thành chữ kia, PC “gầm rú” đến nhức óc…, bạn có thể nghĩ đến việc vệ sinh máy tính trước khi hốt hoảng mang đi sửa chữa.

Để bắt đầu, bạn nên rút nguồn điện máy tính. Các trường hợp dùng khăn thấm chất lỏng, nên vắt khô chứ không để sũng nước.

Chuột bi

Nhiều người bày tỏ sự “căm phẫn” của mình khi không điều khiển được chuột là “đập” ầm ầm trên mặt bàn. Tuy nhiên, ngoài sự cố máy treo, đường truyền Internet chậm, bạn nên giảm stress bằng cách gỡ chuột ra xem có phải do quá bụi hay không.

 

Mở hố bi của chuột máy tính để lau chất bẩn.

 

Trên “bụng” chuột, tì móng tay vào miếng nhựa tròn đậy bi, xoay ngược chiều kim đồng hồ để tháo bi ra. Nhìn vào hốc bên trong, bạn sẽ thấy 3 thanh kim loại nằm ngang. Nếu thực sự bẩn, 3 thanh này sẽ bám đầy bụi thành “lớp” dày mà một số người tưởng là … dầu bôi trơn chuột, không dám lau đi. Bạn nhẹ nhàng dùng tăm gảy hết chất bẩn ra rồi thấm bông hoặc giẻ mềm vào nước hoặc cồn 90o, vắt khô để lau. Sau khi lau sạch cả bi và các chỗ bẩn khác, bạn lắp vào và sẽ thấy chuột chạy nhanh bất ngờ. Cũng nên lau cả miếng đệm lăn chuột.

Bàn phím

Đã có nghiên cứu thấy rằng bàn phím còn bẩn hơn cả… toilet. Thực tế, kẽ phím là nơi “cất giấu” rất nhiều vi trùng. Nếu bị dây đồ ngọt, thức ăn, bàn phím còn trở thành “ổ” cho côn trùng, kiến. Khi gặp các trường hợp đổ nước/sữa vào đây, bạn sẽ thấy phím gõ bị “dính” (gõ một phím thành nhiều ký tự). Lúc này bạn có thể mạnh dạn mở cả keyboard ra để làm sạch.

 

Côn trùng lọt vào keyboard có thể làm kẹt phím.

 

Lật ngửa bàn phím, dùng tuốc-nơ-vít 4 cạnh loại nhỏ để mở khoảng 17 đinh ốc. Mặt trong có 2 lớp nhựa điện tử phủ lên bộ phím bấm, mỗi phím có một lớp đệm nhựa dẻo. Bạn có thể nhấc các miếng nhựa tròn này ra nhưng lưu ý đừng để “thất lạc”. Dùng máy sấy chế độ mát hoặc bông để làm khô phần bị ẩm trong bàn phím. Các chất bẩn khác có thể lau bằng giẻ mềm và khô. Sau đó, lắp lại bàn phím. Ở mặt ngoài, người dùng vệ sinh bằng giẻ mềm thấm cồn hoặc nước (nhớ vắt khô). Dùng máy hút bụi hoặc bình xịt khí để lấy chất bẩn từ các khe.

Vỏ ngoài case và màn hình

Dùng khăn ẩm để lau mặt ngoài case. Tại các lỗ thông hơi, dùng máy hút bụi để “tóm” bụi bặm, mạng nhện… bám vào đây. Riêng màn hình LCD, bạn nên dùng giẻ mềm và khô để lau. Không nên dùng khăn giấy hay bất kỳ chất lỏng nào xịt vào bề mặt này.

Ổ quang và đĩa quang

Trong khi không dùng ổ, bạn vẫn nên đặt đĩa ở bên trong để đỡ bụi cho mắt đọc (nhưng khi di chuyển case, bạn nên bỏ đĩa ra nhằm tránh bị giắt đĩa, gây hư hỏng). Trường hợp ổ quang gặp bụi bẩn, người dùng có thể tháo ra và lau nhẹ bằng giẻ mềm hoặc miếng lau chuyên dụng.

Còn đĩa quang bẩn sẽ khiến ổ đọc rất khó khăn, thậm chí làm hỏng mắt. Dùng một miếng vải mịn và sạch hoặc miếng lau chuyên dụng để loại bỏ bụi bẩn. Chú ý: Bắt đầu lau từ tâm đĩa, kéo thẳng ra phía ngoài chứ không nên lau theo vòng tròn (làm như vậy sẽ khiến đĩa bị xước nhiều hơn).

Bạn có thể dùng khăn thấm nước hoặc cồn nồng độ cao để lau đĩa quang.

Mainboard và các linh kiện trong thùng máy

Thùng máy tính dù kín vẫn bắt bụi và bị côn trùng xâm nhập.

 

Khi làm sạch bụi trên bo mạch chủ, bạn không nên dùng khăn lau trực tiếp trên bề mặt thiết bị này, không được dùng máy hút bụi vì sẽ gây ra tĩnh điện. Tốt nhất người dùng nên sắm một bình khí nén, mở các nắp case và xịt bụi ở bên trong bay ra ngoài (nên cầm bình trong tư thế thẳng đứng). Chú ý: có thể dùng máy hút bụi loại nhỏ (cầm tay, chạy pin). Khi thao tác, nên để cách bo mạch chủ khoảng 10 cm.

Tại đây, phần quạt chip là nơi bám bụi, tóc, chất bẩn nhiều nhất. Bạn loại bỏ sạch chúng để tránh cho quạt bị kẹt khi vận hành. Một số người thấy quạt kêu thường lau sạch và tra dầu máy khâu. Tuy nhiên, người ít kinh nghiệm không nên áp dụng cách này. Bạn chỉ được tra một lượng dầu hạn chế và để thật khô mới vận hành máy – nếu không dầu sẽ văng tung tóe ra bề mặt bo mạch chủ.

Tóm lại: Ngoài việc lau máy tính định kỳ, người dùng nên hạn chế hút thuốc, ăn uống xung quanh khu vực đặt PC.