Năm 1993, khi Web vẫn còn non trẻ, Bill Fisher đã có cơ hội sở hữu một địa chỉ cực kỳ hấp dẫn: www.beer.com. Sau này, Bill bán lại tên miền ấy cho hãng bia Labatt của Canada với một cái giá “không tiết lộ”, nhưng chắc chắn phải bao gồm 7 chữ số.
Là một tay thầu tên miền chuyên nghiệp, Bill còn “chộp” được một số tên miền “ngon lành” khác là www.budweiser.com và www.guinness.com, dẫu biết rằng rất có thể sẽ bị luật bản quyền sờ gáy. Để tránh tranh chấp trước tòa, hãng bia Anheuser-Busch đã chọn giải pháp “dỗ ngọt” Fisher trao lại tên miền Budweiser bằng cách… chất bia đầy phòng làm việc của Bill. Tên miền Guinness thậm chí còn lời hơn khi nó giúp Fisher và bạn bè có một chuyến du hí miễn phí tới Ai-len thăm nhà máy sản xuất và tất nhiên, số bia uống đến mấy tháng cũng không hết.
Nếu muốn ăn nên làm ra trên Web hiện nay, bạn cần có một tên miền thật dễ nhớ. Không may là đăng ký một tên miền như thế chẳng hề dễ dàng, do các tập đoàn lớn và những “đầu nậu” kiểu như Bill đã nhanh tay vơ hết tên miền “hot” từ lâu.
Một số hãng phải chọn giải pháp tình thế là chuyển sang săn lùng tên miền tương tự có đuôi là “.biz” hoặc “.net” khi tên miền “.com” đã bị người ta chiếm mất. Thế nhưng có hai vấn đề bất cập nảy sinh tại đây.
Trước hết, hậu tố “.com” được đặt mặc định cho mọi trình duyệt hiện hành – có nghĩa là nếu bạn chỉ gõ một phần địa chỉ Web thôi, trình duyệt sẽ tự động thêm đuôi “.com” vào sau. Thứ hai, những công cụ tìm kiếm lớn như Google và Yahoo đều để mắt đến những tên miền “.com” trước rồi mới ngó sang các cái đuôi khác.
“So với .com thì giá trị của mọi tên miền khác đều kém hơn”, ông Mark Goldstein, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế cho biết. “Chưa một hậu tố nào đủ sức thay thế .com, đơn giản vì người dùng không có thói quen gõ địa chỉ đấy vào trình duyệt”.
Nếu nhất nhất phải có “.com” trong tên miền của mình, như một hành-động-bắt-buộc, bạn phải sáng tạo thôi. Hãy đảm bảo để tên miền đó có chứa những từ khóa liên quan nhất đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà hãng bạn cung cấp. Đừng ngại thử những cái tên có tới 3, 4 hay thậm chí 5 từ nối với nhau.
Những từ thông dụng nhất sẽ thu hút nhãn cầu hơn hẳn những từ đặc dị – đó là lý do khiến cho Google tung ra dịch vụ hữu ích http://adwords.google.com/select/KeywordToolExernal để theo dõi những từ khóa tìm kiếm phổ biến nhất.
Lấy thí dụ: Nếu bạn là một cửa hàng bán giầy ở Atlanta, bạn hãy thử gõ “Atlanta shoe stores” vào Google và phân loại tìm kiếm theo mức độ phổ biến mà xem. Bạn sẽ thấy những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất lần lượt là “Atlanta shoes”, “Atlanta shoe”, “Atlanta dance Shoes” và “Atlanta shoe Stores”. Từ dẫn chứng này, bạn nên chọn ra phiên bản thuận miệng nhất để làm tên miền, www.atlantashoes.com hoặc www.atlantashoestores.com đều được.
Một khi đã chọn được tên miền hợp ý, bạn sẽ phải bỏ tiền ra mua nó. Giá tên miền thường dao động trong khoảng 7-15 USD/năm tùy theo nhà cung cấp. Nếu có điều kiện, bạn nên mua thêm 3 – 20 tên miền khác gần giống với tên miền chính hoặc hay bị nhầm với tên miền chính để khách hàng “đi nhầm kiểu gì cũng vào đúng chỗ”.
Tuy nhiên, với việc đã có 105 triệu tên miền đang được sử dụng, không có gì đảm bảo là tên miền bạn chọn không bị “đụng hàng” với ai đó. (Bạn có thể kiểm tra tại địa chỉ www.domaintools.com). Nếu thật sự “máu” một tên miền, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn – cho những gã đầu cơ kiểu như anh chàng Bill Fisher ở đầu bài. Tại thị trường thứ hai này, người mua đàm phán trực tiếp với người bán.
Nhưng dù là tạo ra một tên miền hoàn toàn mới hay mua lại nó từ một người khác, điều quan trọng là bạn sẽ làm chủ tên miền đó như thế nào. Khôn ngoan nhất là mượn lực của các công cụ tìm kiếm để nâng mình lên, chứ không nên hì hục “dời núi lấp sông” một mình.