Một trong những nguyên nhân khiến người dùng Laptop khó chịu nhất là truy cập Internet chập chờn, máy không kết nối được Wifi hoặc bắt sóng rất yếu, mở Firefox hoặc Internet Explore luôn bị đứng hình, vào Yahoo Messenger cũng chẳng được nốt trong khi những chiếc máy bên cạnh vẫn lướt nét ầm ầm.
Kiểm tra card wifi
Việc đầu tiên dễ thực hiện nhất, bạn tháo card wifi ra và lắp vào 1 máy khác kiểm tra. Trường hợp, máy vẫn bị tình trạng cũ, không truy cập Internet được, có thể lỗi do card không đạt chuẩn (card đời cũ với chuẩn a, b, cũng là nguyên nhân khiến máy bắt sóng yếu hoặc không bắt được wifi ở nhiều nơi dùng hệ thống phát sóng có chuẩn cao như g).
Ngoài ra còn có yếu tố khách quan như thiết kế cấu tạo khe đặt card wifi của một số dòng máy có sự cách ly với việc tiếp nhận sóng wifi. Bạn thử bằng cách chọn vị trí ngồi gần ngay các bộ tiếp sóng Access point hoặc Router tạo thuận lợi cho việc tiếp thu sóng. Cũng có khả năng, cục Access point phát sóng yếu hoặc chặn địa chỉ Mac (Mac- Media Access Control là một chuỗi 12 ký tự duy nhất dùng làm số định danh cho từng thiết bị nối mạng).
Để hệ thống hoạt động an toàn hơn, chỉ những thiết bị nối mạng có số đăng ký Mac nhất định mới được quyền truy cập vào hệ thống. Danh sách địa chỉ Mac các thiết bị nối mạng không dây sử dụng trong hệ thống mạng được khai báo thông qua phần mềm quản trị Access Point. Trong Windows XP hay 2000, thủ tục xác định địa chỉ Mac của thiết bị mạng như sau: Nhấn chuột vào Start->Run, nhập vào dòng lệnh cmd rồi nhấn phím OK.
Trong cửa sổ DOS của tiện ích cmd, nhập vào dòng lệnh ipconfig /all (lưu ý giữa ipconfig và /all có khoảng trống phân cách) rối nhấn phím Enter. Sau dấu ‘:’ của dòng thông báo Physical Address chính là địa chỉ MAC của thiết bị mạng. Với Windows 98/Me chỉ cần nhập câu lệnh winipconfig vào trong cửa sổ của lệnh Run, địa chỉ MAC sẽ nằm trên dòng thông báo có nhãn ‘Adapter Address’). Do vậy, bạn cũng nên kiểm tra thêm ở địa chỉ Mac để đăng ký lại. Và dĩ nhiên không loại trừ khả năng card đã hỏng.
Ngược lại, trường hợp sau khi cho card vào Laptop khác và hoạt động tốt thì nguyên nhân có thể là do một số chương trình truy cập mạng trên Laptop của bạn đang có vấn đề. Bạn có thể xác định lỗi ở máy qua các bước như sau:
Bạn cài lại bản Windows thường, không cài bất kỳ phần mềm nào liên quan đến mạng. Sau đó thử vào lại nét. Nếu ổn thì có thể do lỗi mấy phần mềm Virus với Firewall. Gỡ bỏ các phần mềm này và cài đặt lại để máy làm việc với nét dễ dàng hơn.
Dù Laptop có bắt sóng được hay không, bạn cũng nên kiểm tra lại các trình duyệt Internet. Nên thử cả 2 trình duyệt FireFox và Internet Explore để so sánh, trình duyệt nào không vào nét được thì có thể gỡ bỏ và cài đặt lại. Lỗi bắt sóng yếu hoặc không có sóng thường xảy ra với card rời (lắp ngoài qua cổng USB, không khít với cổng giao tiếp của máy trong quá trình di chuyển mà người dùng ít để ý đến). Lấy card ra, kiểm tra và cài đặt lại các chương trình chạy trên máy khi bạn mua card hoặc thay card mới.
Chọn mua card wifi
Hiện trên thị trường có 2 loại card: loại lắp ngoài (USB) và loại lắp trong (PCI). Bạn cần xem cấu hình phần cứng (khe cắm, cổng giao tiếp) trên Laptop để chọn loại card thích hợp.
Thông thường, loại lắp ngoài nối với máy tính thông qua cổng USB nên tháo ráp rất thuận tiện, thích hợp với nhiều loại máy tính khác nhau từ máy tính để bàn đến Laptop, lại tránh được hiện tượng nhiễu điện từ do các thiết bị lắp trong máy tính gây ra.
Nhưng ngược lại cũng rất dễ bị hiện tượng bắt sóng chập chờn khi đầu tiếp xúc với USB máy trục trặc hoặc lơi lỏng. Riêng loại loại lắp trong giao tiếp với máy tính qua khe cắm PCI trên bo mạch chủ, thủ tục lắp ráp, cài đặt phần mềm cũng tương tự như khi chúng ta lắp card âm thanh, card mạng, card điều khiển đĩa cứng… nên mang tính thẩm mỹ cao. Các nhãn hiệu card wifi được ưa dùng hiện nay có chất lượng tốt là Dlink và linksys với giá dao động từ 15- 20USD.
Ngày nay không chỉ có các quán cafe mới lắp đặt Wifi mà nhu sử dụng wifi ở gia đình cũng đã tăng lên rất đáng kể. Nếu bạn có nhu cầu sử dụng wifi tại gia thì một trong những yếu tố quan trọng để Laptop không gặp phải hiện tượng mất sóng hoặc bắt sóng chập chờn là khi lắp đặt thiết bị, nên bố trí các bộ tiếp sóng (AP) ở những vị trí trên cao, tránh bị che khuất bởi các vật cản càng nhiều càng tốt.
Các loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất như: giấy dán tường phủ kim loại, hệ thống dây dẫn điện chiếu sáng, cây cảnh… cũng có thể làm suy giảm tín hiệu của AP. Các cần anten của AP cần dựng thẳng góc 90 độ. Nếu sử dụng chuẩn không dây 802.11b và 802.11g thì cần chú ý bố trí các AP nằm xa các thiết bị phát sóng điện từ có khoảng tần số trùng với tần số của AP (2,4GHz) như lò vi ba, điện thoại ‘mẹ bồng con’, đầu thu phát Bluetooth… Và để hệ thống cho chất lượng tín hiệu tốt nhất, nên di chuyển, bố trí AP thử nghiệm ở nhiều địa điểm khác nhau trước khi đặt cố định tại một nơi.