Tìm hiểu Windows Vista (6)

Sử dụng Windows Vista cùng Mark Russinovich

Mark Russinovich – nhà sáng lập Sysinternals đã bật mí vài thủ thuật sử dụng Windows Vista tại hội thảo WinHEC (Windows Hardware Engineering Conference).

Sysinternals là công ty phần mềm đã phát triển nhiều tiện ích, công cụ miễn phí như Process Explorer, Process Monitor… dành cho người dùng Windows. Microsoft đã mua lại Sysinternals vào năm ngoái.

Sau đây là những công cụ sẵn có trong Windows Vista mà Russinovich tiết lộ cùng bạn đọc:

Quản lý hoạt động: Cũng như Windows XP, Vista cho phép theo dõi tình trạng hoạt động của CPU, ổ cứng, mạng và bộ nhớ. Người dùng có thể kích hoạt cả 2 công cụ bằng cách nhấn Start – Search rồi gõ “perfmon” (không có dấu ngoặc kép ” “), Enter. Cửa sổ Perfomance sẽ xuất hiện để người dùng theo dõi biểu đồ hoạt động theo thời gian thực.

Âm nhạc là trên hết: Bạn sẽ đừng ngại ngùng sử dụng Windows Media Player trong Windows Vista khi cùng chạy nhiều ứng dụng khác. Vista sẽ “ưu tiên” Windows Media Player lên hàng đầu danh sách nên nhạc và phim vẫn được chạy nhẹ nhàng trong khi PC thì bận rộn.

Sắp xếp lại thanh tác vụ: Đây là thủ thuật nhỏ mà bạn có thể áp dụng cho cả Windows XP lẫn Vista. Nhấn phải chuột vào một khoảng trống, bỏ chọn “Lock the Taskbar” và kéo kích cỡ thành 2 hàng. Sẽ rất tiện lợi khi bạn cho những biểu tượng trên thanh Quick Launch nằm ở hàng bên dưới và các cửa sổ ứng dụng ở phía trên. Theo sắp xếp này, người dùng có thể quản lý dễ dàng và kích hoạt nhanh được các ứng dụng thường dùng.

Quản lý CPU: có nhiều chương trình hao tổn tài nguyên khá nhiều. Trong Task Manager chỉ hiển thị một process “ngốn” bao nhiêu CPU vào thời điểm đó. Để có thể tham khảo thêm dữ liệu mới, người dùng có thể tải về Process Explorer (miễn phí) tại đây.

Tiện ích Process Explorer của SysInternals.

Thực thi Process Explorer, nhấn phải chuột vào 1 cột như ‘Process‘ và chọn ‘Select Columns’. Chọn tiếp thẻ ‘Process Performance’, rồi ‘CPU Cycles’. Bạn có thể sắp xếp việc hiển thị qua cột và xem thử chương trình nào làm hao tổn tài nguyên CPU nhất.

Hủy bỏ truy cập mạng: Trong Windows XP, bạn có thể rất bực mình khi truy cập tới các tập tin trên máy chủ từ mạng nội bộ trong công ty, cơ quan… khi máy chủ tạm thời không hoạt động. Nó sẽ làm ngưng trệ máy tính của bạn một khoảng thời gian cho đến khi Windows quyết định rằng nó không nhận được phản hồi từ máy chủ.

Với Windows Vista, bạn có thể hủy bỏ dễ dàng tác vụ truy cập đến máy chủ bằng cách nhấn lên nút “Cancel” trong hộp thoại mở tập tin hay nhấn Ctrl – C nếu bạn là một kỹ thuật viên có trình độ và có thể thực thi các tác vụ với cửa sổ dòng lệnh (command).

Thủ thuật mạng cơ bản

Bạn có thể tạo một mạng hay chia sẻ tập tin, thư mục cho các máy tính trong mạng sử dụng Windows XP dễ dàng nhưng trong Vista là một sự thay đổi lớn. Những thủ thuật cơ bản sau sẽ giúp bạn làm việc thuận lợi trên Windows Vista trong môi trường mạng.

Khi bạn muốn kết nối vào Internet hay một mạng cục bộ, trước tiên bạn cần thiết lập một kết nối. Việc tạo kết nối mạng không khó vì có khá nhiều trình “wizard” hỗ trợ tự động cho bạn thiết lập theo từng bước hay thậm chí đa số phần cứng đã được cấu hình tự động cho việc này.

Có 2 cách để tạo kết nối mạng:

• Windows Easy Transfer: dùng cách này khi bạn đã có một mạng LAN sử dụng Windows XP.
• Vista Network & Sharing Center: dùng khi bắt đầu tạo kết nối từ đầu và đây là cách mà ta sẽ đề cập đến trong bài.

Sử dụng Windows Vista Network & Sharing Center

Cách thiết lập tùy chọn mạng trong Windows Vista tương đối nhiều hơn Windows XP, có nghĩa là bạn phải click chuột nhiều hơn. Bước đầu tiên bạn cần làm là thay đổi “Workgroup”.

Mỗi máy tính trong mạng phải có cùng workgroup bởi vì các máy tính có cùng workgroup sẽ có thể “thấy” được nhau trong mạng nội bộ. Mặc định trong Windows XP, workgroup có tên là MSHOME còn trong Vista thì mặc định là WORKGROUP.

Có thể thay đổi Workgroup bằng cách nhấn lên nút “Start” (quả cầu), phải chuột lên My Computer, theo đường dẫn: Properties – Change Settings – Change, bạn sẽ thấy phần thay đổi workgroup ở cửa sổ Computer Name Changes. Thay đổi tên máy tính nếu bạn muốn, những máy tính khác trong mạng sẽ thấy tên này, lưu ý thay đổi tên workgroup cho phù hợp. Nhấn OK để hoàn tất và khởi động lại máy tính.

Khi thao tác với Network & Sharing Center, có thể bạn sẽ gặp những cảnh báo User Account Security Control. Nếu muốn tắt chúng đi, bạn thực hiện thao tác sau: Start – Control Panel – User Accounts and Family Safety – User Accounts – Turn User Accounts Control off. Có thể thay đổi lại tùy ý.

Windows Vista Network & Sharing Center. Ảnh minh họa cho máy tính kết nối vào một mạng nội bộ rồi ra Internet.

Bước kế tiếp sau khi đổi workgroup là thay đổi các thiết lập cho mạng. Nếu bạn đang sử dụng một địa chỉ IP tĩnh (static IP) thì nhấn lên Start, trong hộp thoại Start Search, gõ “command” và nhấn lên Command Prompt. Gõ “ipconfig /all” rồi nhấn Enter. Thông tin mạng của máy tính sẽ hiển thị như: Địa chỉ IPv4, Subnet Mask, Default Gateway và DNS Servers.

Vào Start – Control Panel – Network and Internet – Network & Sharing Center. Kế đến, chọn Manage Network Connections ở khung bên trái, phải chuột lên card mạng của bạn và trong cửa sổ mở ra, chọn Properties.

Chọn Internet Protocol version 4 (TCP/IPv4) và chọn Properties.Chọn “Use the following IP address” và điền vào các thông tin đã lấy được khi nãy với dòng lệnh “ipconfig /all”.

Chọn vị trí mạng

Khi kết nối máy tính của bạn vào một mạng trong Windows Vista lần đầu tiên, bạn cần phải chọn một vị trí mạng. Tùy chọn này tùy thuộc vào những thiết lập Windows Vista Firewall và có 2 chọn lựa: Công cộng (Public) và riêng tư (Private).

• Public: được chọn khi kết nối vào một nơi công cộng như thư viện, sân bay. Lúc này cần thiết lập Windows Firewall ở mức cao nhất để bảo vệ máy tính, chống truy nhập từ các máy khác trên mạng.
• Private: lựa chọn cho kết nối mạng tại gia đình hay văn phòng.

Chọn vị trí mạng bằng cách vào Start – Control Panel – Network and Internet – Network & Sharing Center. Nhấn vào nút Customize.

Nếu máy tính của bạn có IP động (dynamic IP) thì bỏ qua bước chọn vị trí mạng.

Vậy là hoàn tất việc tạo một mạng trong Windows Vista. Tuy nhiên, bạn sẽ cần tham khảo thêm cách thức chia sẻ tập tin, thư mục hay máy in cho các máy khác trong mạng và quan trọng hơn là cách bảo mật trong mạng bằng cách dùng tài khoản. TTO sẽ lần lượt giới thiệu trong các bài thủ thuật tới.

* Microsoft đã phát hành một bản vá lỗi ánh xạ mạng (mapping) trong Windows Vista không hiển thị các máy chạy Windows XP. Tham khảo và tải về tại đây.

Windows Vista: Chia sẻ dữ liệu, máy in trong mạng 

Trong Windows Vista, việc chia sẻ tập tin, thư mục cũng đơn giản như Windows XP nhưng vấn đề bảo mật cần phải được lưu tâm để tránh truy xuất dữ liệu trái phép.

Để thay đổi thiết lập chia sẻ tập tin hay thư mục, ta sử dụng Network & Sharing Center. Tuy nhiên, trước khi chia sẻ thì bạn nên tham khảo sơ qua những thông tin sau:

Windows Vista mặc định sử dụng thư mục “Public” để chia sẻ dữ liệu thay vì “Shared Documents” như trong Windows XP. Do đó, khi muốn chia sẻ trên mạng, bạn chỉ cần sao chép và chuyển dữ liệu này vào thư mục “Public”.

Thư mục C:Documents and Settings trong Windows XP được thay bằng “Users” trong Windows Vista và có một thư mục “Public” mặc định.

Thư mục chứa thông tin người dùng trong Windows XP.

Một điều khác biệt nữa Vista và XP là độ bảo mật trong việc chia sẻ dữ liệu của Vista buộc người dùng phải đăng nhập vào tài khoản (username, password) để có thể truy xuất dữ liệu. Mặc định trong Vista không cho phép phần “simple sharing” (chia sẻ đơn giản, không cần sử dụng tài khoản).

Các bước chia sẻ dữ liệu

Có 3 bước cần làm trước tiên là: thay đổi “Workgroup”, thiết lập kiểu vị trí mạng (Network Location) và bước cuối cùng là kích hoạt các tùy chọn chia sẻ dữ liệu và máy in.

Trong phần Computer name, domain and workgroup settings ở cửa sổ System, nhấn Change settings. Chọn tiếp thẻ Computer name trong hộp thoại System Properties và “Change” cho Workgroup.
 

Khi thay đổi kiểu vị trí mạng thành “Private“, phần “Sharing and Discovery” trong “Network and Sharing Center” sẽ tự động được kích hoạt. Tuy nhiên, những tùy chọn chia sẻ tập tin và máy in bên dưới đây buộc phải kích hoạt thủ công:

File sharing: chia sẻ dữ liệu
Public folder sharing: chia sẻ thư mục Public
• Printer sharing: chia sẻ máy in cho các máy tính khác trong mạng
• Password protected sharing: yêu cầu tên đăng nhập và mật khẩu cho các máy tính khác muốn kết nối đến những thu mục chia sẻ dữ liệu và máy in trên máy tính này.

Trong Network and Sharing Center, phần “Sharing and Discovery“, ta chọn mũi tên chĩa xuống ở “File Sharing“. Nhấn chọn “Turn on file sharing” và nhấn “Apply” để kích hoạt. Tương tự vậy để kích hoạt chia sẻ thư mục Public nhưng lưu ý phần thiết lập quyền hạn:

Turn on sharing so anyone with network access can open files: các máy tính khác có thể truy xuất (xem, mở) dữ liệu được chia sẻ trong Public nhưng không tạo hay thay đổi được dữ liệu.
Turn on sharing so anyone with network access can open, change, and create files: cho phép máy tính khác xem, tạo cũng như thay đổi dữ liệu.

Phần “Printer Sharing” và “Password protected sharing” cũng giống với “File Sharing“. Khi “Password protected sharing” được kích hoạt, các máy tính khác trong mạng sẽ không thể truy xuất đến các thư mục chia sẻ bao gồm cả thư mục Public. Cần có một tài khoản với tên đăng nhập và mật khẩu tương ứng với thư mục được chia sẻ.

Nguyên tắc hoạt động của Password proteced sharing là khi máy tính A trong mạng, sử dụng tài khoản mang tên “Member” có trên máy A để truy xuất dữ liệu được chia sẻ từ máy B. Tài khoản “Member” sẽ được gởi đến máy B. Nếu trên máy B cũng có một tài khoản “Member” với cùng mật khẩu thì máy A có thể truy xuất dữ liệu. Nếu không, việc kết nối để truy xuất dữ liệu sẽ thất bại và một hộp thoại yêu cầu nhập tên tài khoản cũng như mật khẩu sẽ xuất hiện.

Trên máy B, muốn chia sẻ dữ liệu thì chọn vào thư mục cần chia sẻ, phải chuột rồi chọn Properties. Trong cửa sổ Properties, chọn tiếp thẻ Sharing. Nhấn vào hộp thoại File Sharing hoặc cấu hình với “Advanced Sharing“.

Khi chọn “Advanced Sharing”, hộp thoại sẽ xuất hiện, nhấn Add để chỉ định tên chia sẻ, phần mô tả sẽ nằm trong “Comments” và số lượng người dùng cho phép kết nối là “Limit the number of simultaneous users to:“. Phần thiết lập quyền hạn “Permission” giúp chỉ định quyền hạn cho từng người dùng hay nhóm người dùng truy xuất đến tập tin hoặc thư mục. Mặc định quyền cho nhóm “Everyone” là đọc dữ liệu (Read).

Sau khi thiết lập, ta có thể kiểm tra lại xem thư mục đó đã được chia sẻ hay chưa bằng cách chọn Start – phải chuột lên Network – Properties, ở phần Sharing and Discovery, nhấn lên “Show me all the shared network folders on this computer“.

Chia sẻ máy in

Kích hoạt phần chia sẻ máy in ở tùy chọn “Enabling File and Printer Sharing Options“. Kiểm tra lại máy in được chia sẻ chưa cũng theo cách thức ở trên.

 

 

Vào Start – Network, chọn Properties. Tại cửa sổ Network and Sharing Center. Nhấn “Customize”, chọn Private trong hộp thoại Set Network Location.