Phần mềm nguồn mở: ‘Đánh trống bỏ dùi’

 
 

Việ̣c áp dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) không chỉ giúp các cơ quan, doanh nghiệp quản lý được ngay từ phần lõi của hệ thống, để tăng tính an toàn, đồng thời giảm thiểu được chi phí đầu tư bản quyền,… Tuy nhiên, việc triển khai PMNM trong các Bộ, ban ngành cơ quan nhà nước vẫn chỉ như việc 'đánh trống bỏ dùi'.

Thờ ơ

Ứng dụng PMNM là một trong những giải pháp hàng đầu hỗ trợ đắc lực các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm làm chủ công nghệ, tránh sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp giải pháp độc quyền, giảm chi phí mua sắm phần mềm, góp phần đảm bảo khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ quan nhà nước, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước. Đây cũng là xu thế phát triển và được Chính phủ các nước trên thế giới chú trọng triển khai.

Cùng với xu thế đó, từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam và Bộ TT-TT đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng PMNM trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn còn hạn chế. Theo số liệu ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT-Bộ TT-TT cho biết, tại Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở” do Bộ TT-TT tổ chức vào sáng 14/12, việc triển khai trong khối cơ quan nhà nước vẫn còn rất thấp.

Nếu tính trên việc triển khai cài đặt 4 phần mềm bắt buộc, OpenOffice mới có 3/12 Bộ được cài 100% (chiếm tỉ lệ 25%), Unikey mới có 7/12 Bộ đạt tỉ lệ cài trên 70%, Firefox có 6/12 Bộ đạt tỉ lệ cài trên 80%,Thunderbird có 4/12 Bộ đạt tỉ lệ cài trên 90%. Trong khi đó, con số này tại các tỉnh thành còn thấp hơn nhiều.

Theo thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng, phần mềm nguồn mở đã xuất hiện từ nhiều năm trước và phù hợp với tất cả các đối tượng người dùng, từ những chuyên gia có kinh nghiệm đến người dùng bình thường. Tuy nhiên, việc triển khai còn vấp phải nhiều khó khăn. Có lẽ khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức đối với loại phần mềm này, thiếu các chính sách bắt buộc hay ưu tiên sử dụng PMNM.

Cho dù các phần mềm nguồn mở hiện nay có thể đáp ứng được các tính năng tương tự như phần mềm thương mại. Nhưng những lợi ích của phần mềm nguồn mở vẫn chưa thực sự được cơ quan, doanh nghiệp nhận thức một cách đúng đắn. Với tâm lý ngại thay đổi, ngại phải làm quen với loại phần mềm mới và vẫn quen với việc sử dụng “chùa” các phần mềm thương mại. Nên việc phát triển PMNM ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ.

Thậm chí, có doanh nghiệp PMNM muốn giúp Chính phủ triển khai các loại hình phần mềm này tới cho các cơ quan nhà nước nhưng lại không tìm được sự hỗ trợ thức sự. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc công ty Cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam, công ty đã không tìm được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước nào để triển khai PMNM Nuke Việt. Chỉ thị, chính sách là vậy, nhưng ngay chính từ các cơ quan cấp Bộ đã không gương mẫu thực hiện, thì nói gì tới các cơ quan tại tỉnh thành địa phương, thậm chí một số lãnh đạo đơn vị không ủng hộ PMNM.

Cần đầu tàu

Ông Tuyên cho rằng, thói quen của người dùng phầm mềm nguồn đóng đã quá quen thuộc và có thể coi như bị “nghiện”. Trong khi đó, hiện còn thiếu  cơ chế tài chính để triển khai chuyển đổi sử dụng, thiếu tài liệu hướng dẫn sử dụng PMMNM bằng tiếng Việt; cũng như chưa có cơ chế quản lý, giám sát, xử lý vi phạm bản quyền.

Vì vậy, cần có những chính sách quyết liệt bắt buộc sử dụng PMNM, cũng như phải triển đồng bộ từ trên xuống thì mới có thể vượt qua khỏi “hố ngăn cách này”.

Theo ông Hùng, để việc ứng dụng PMNM trở nên rộng rãi cần có những chính sách đồng bộ từ trên xuống. Tương lai của mã nguồn mở ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào học sinh, sinh viên vì vậy, nếu không đào tạo từ học sinh, sinh viên thì khó có thể phát triển được nguồn mở. Hiện Việt Nam không có phần mềm nguồn mở riêng mà chủ yếu là của nước ngoài, được Việt hóa và chỉnh sửa chứ chưa đi vào xây dựng mã nguồn riêng.

Theo ông Tạ Quang Thái, Giám đốc công ty Vietsoftware, Bộ nên làm tốt ở khối Chính phủ và cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đằng sau việc triển khai này là doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào sự phát triển nguồn ở Việt Nam nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Do đó, Bộ cũng nên quan tâm phát triển doanh nghiệp nguồn mở.

Trong khi đó, ông Lê Trung Nghĩa, Trưởng ban Thúc đẩy ứng dụng CNTT- Bộ KHCN, để phát triển ứng dụng nguồn mở cần phải có một quyết tâm ngay từ các cấp cao và phải có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm triển khai PMNM trong các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, vấn đề tạo Hệ điều hành quốc gia cũng được các chuyên gia nguồn mở kiến nghị tại Hội thảo. Việt Nam cần có một hệ điều hành nguồn mở riêng. Ông Nghĩa cho rằng, để có một hệ điều hành quốc gia thì chúng ta cần có một cộng đồng nguồn mở nằm trong khối cộng động thế giới, không thể tách rời và cùng phát triển. Tức là tiến tới toàn cầu hóa thì hệ điều hành này mới tương thích với các công nghệ và thiết bị ngoại vi, được cập nhật hàng ngày trên thế giới.

Nhìn chung, để nguồn mở phát triển, có lẽ điều cần nhất lúc này chính là thay đổi được nhận thức quen sử dụng phần mềm “chùa” và thói quen ngại làm quen với cái mới ngay chính từ những vị lãnh đạo cao cấp.

(Theo Vnmedia)