Dùng phần mềm bản quyền… tùy tâm hay theo luật?

Ngoài các hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền phần mềm có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp có phần mềm bị vi phạm.

Vi phạm giảm nhưng không đáng kể

Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tiến hành thanh tra phát hiện ra khá nhiều doanh nghiệp, mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng các phần mềm không có bản quyền như Microsoft Window XP Profesional 2002, Microsoft Office 2003, Lạc Việt MTD 2002, Adobe Photoshop CS, Adobe Acrobat Pro 7…

Còn theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS Security, đại diện thương hiệu Kaspersky tại Việt Nam, cuối 2007 có khoảng 3 triệu người dùng Kaspersky lậu, đến nay con số này đã giảm xuống. Đến nay (năm 2012) đã có 1 triệu người dùng (user) Kaspersky bản quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với số người sử dụng máy tính và cài đặt phần mềm trên thực tế.

“Cần có chuyển biến về ý thức của người dùng. Hiện nay số lượng có ý thức sử dụng phần mềm bản quyền chưa nhiều dù rằng Kaspersky vẫn giữ giá bán hợp lý ở Việt Nam từ 100.000 – 300.000 đồng/bản quyền, thấp hơn rất nhiều so với thị trường thế giới là ~1.200.000 đồng (59 USD)”, ông Vũ nói.

Ông Hà Thân, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt cho biết mặc dù người dùng đã ý thức phần nào về dùng bản quyền nhưng số lượng người vi phạm bản quyền vẫn đông đảo và Lạc Việt bị ảnh hưởng nặng tới doanh số. Bởi lẽ, ở Việt Nam có khoảng 15 triệu máy tính sử dụng từ điển Lạc Việt, trong đó chỉ khoảng 2 triệu có bản quyền. Còn khoảng 12 triệu máy nữa không có bản quyền. Như vậy, ước tính số tiền bị mất lên tới nghìn tỷ. Còn số người dùng bản quyền tăng lên chủ yếu là do số người sử dụng máy tính tăng.

Thanh tra tình hình sử dụng phần mềm bản quyền. Hình minh họa.

Kết hợp với BSA để kiểm soát vi phạm

Nhằm hạn chế việc vi phạm bản quyền, hiện nay, có doanh nghiệp phần mềm kết hợp với Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) để xử lý vi phạm. Cụ thể, khi phát hiện vi phạm có thể thông báo với BSA. BSA sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước để kiểm tra, phạt vi phạm. Mới đây, trong 5 trường hợp vi phạm dùng phần mềm không bản quyền bị phát hiện, phần lớn họ đã tiến hành mua bản quyền để sử dụng.

Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2009, quy định mức phạt tiền cao nhất có thể lên tới 500 triệu đồng, được áp dụng đối với các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm.

“Thực ra, số lượng DN vi phạm rất nhiều, mới chỉ xử lý được một số DN tiêu biểu để giúp mọi người ý thức hơn và pháp luật cũng cần có hành động để bảo vệ DN. Việc vi phạm bản quyền sẽ làm cho những cái mới “còi cọc”, đất nước khó phát triển. Cho nên muốn thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” thì toàn thể xã hội phải tôn trọng bản quyền”, ông Thân nói.

Còn ông Vũ, đại diện Kaspersky Việt Nam, cho rằng trong số những người sử dụng phần mềm lậu, nhiều người chưa hiểu được lợi ích của việc sử dụng phần mềm có bản quyền.

Cụ thể, phần mềm giả hoặc phần mềm không bản quyền không có chức năng tốt như phần mềm có bản quyền, không quét được virus mới và không có thể vá lỗi. Phần mềm giả được cài vào xuống có thể chính là "cổng" để hacker đánh cắp dữ liệu hợp đồng, luận án, thông tin cá nhân. Và với phần mềm không có bản quyền, dĩ nhiên người dùng tự đánh mất quyền được hỗ trợ, trợ giúp từ các hãng v.v…

Theo PC World VN.