Không dễ dàng để có thể chuyển tải hết các mong muốn của khách hàng vào một website hoàn thiện mà vẫn đảm bảo sự cân đối giữa thẩm mỹ và tính thực tế, hữu dụng của nó. Các Designer luôn có cá tính riêng khi làm việc, nhưng việc chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm luôn là điều cần thiết để hoàn thiện kĩ năng cá nhân của mỗi người. Creativebloq mới đây đã có bài viết khá thú vị về kinh nghiệm thiết kế một website thật sự chất lượng và giàu tính sáng tạo.
1. Luôn xác định “mục tiêu” và giải pháp trước khi bắt đầu
Hãy xem lại các ghi nhớ về mong muốn của khách hàng, mục đích hoạt động của website trước khi bắt tay vào thực hiện bất cứ điều gì. Những gì xác định được sau đó chính là “mục tiêu” mà bạn cần hướng tới khi làm việc.
Việc tránh xa màn hình trước khi “khởi động” sẽ giúp hạn chế suy nghĩ, cảm hứng của bạn bị “lối mòn”.
Đưa ra giải pháp cho mỗi mục tiêu
Công đoạn này thường mất khá nhiều thời gian nhưng lại tạo tiền đề rất tốt cho việc thiết kế. Với mỗi “mục tiêu”, hãy gạch đầu dòng giải pháp của bạn bên cạnh. Đồng thời, đánh giá mức độ “khó khăn” khi thực hiện giải pháp đó để có thứ tự ưu tiên và sự sắp xếp thực hiện phù hợp.
Ví dụ, khi khách hàng yêu cầu sản phẩm mang cảm giác “bình yên”, “thư giãn” thì màu sắc, thể loại, hình ảnh, bố cục nên có sự phù hợp. Nếu đối tượng của website hướng đến không phải là những người am hiểu công nghệ thì các chức năng của website phải dễ hiểu, tạo trải nghiệm đơn giản, hiệu quả cho người dùng.
2. Thiết kế Wireframe
WrieFrame là thuật ngữ của những Desginer web chuyên nghiệp. Đây là quá trình tạo mô hình tổng thể cho 1 website. WireFrame là tương tác 2 chiều giữa mong muốn của khách hàng và ý tưởng của Designer.
Công đoạn này có thể được tiến hành trên máy hoặc vẽ bằng tay.Tuy nhiên, chúng ta nên áp dụng “môi trường” tạo Wireframe tùy hoàn cảnh. Nếu bạn cần được sự bàn bạc và duyệt ý tưởng từ khách hàng, việc tạo Wireframe nên tiến hành trên máy tính. Còn nếu không, một chút thoải mái với bản vẽ tay đôi khi sẽ tạo nên nhiều cảm hứng hơn.
Các công cụ thiết kế wireframe thường khá đa dạng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đó là các wireframe không chỉ được vẽ cho các phiên bản trình duyệt của website. Hãy tạo sự liên kết để website của bạn có thể hoạt động tốt trên nhiều thiết bị khác nhau.
3. Cảm hứng thiết kế
Cảm hứng từ ý muốn của khách hàng
Ý kiến của khách hàng nên là cảm hứng “quan trọng” trong bản thiết kế của bạn.
Ví dụ, nếu thiết kế website cho một cửa hàng trang sức. Thay vì lên Google và gõ tìm “các website trang sức thiết kế đẹp nhất”, hãy thử đến một cửa hàng trang sức nào đó, quan sát bố cục sắp xếp, sản phẩm và cả sự lựa chọn của khách hàng để có cảm hứng thật sự “phù hợp”.
Cảm hứng từ những “nguồn” sẵn có
Hãy thử quan sát cả những website khác đang có hoạt động tương tự . Quan sát không có nghĩa là sự “copy” sản phẩm của người khác, mà là học hỏi để biến cái hay đó phù hợp và hữu dụng hơn trong thiết kế của mình.
Cảm hứng “ngoài” màn hình máy tính
Thế giới “ngoài kia” là kho tàng của nhiều kiến trúc tuyệt vời từ cuộc sống. Vì vậy, nếu có thể, hãy rời khỏi màn hình máy tính của bạn để bản thân được trải nghiệm và “thấm” nhiều hơn những cảm hứng sáng tạo đa chiều. Lúc này, một chiếc máy ảnh sẽ là người bạn tuyệt vời giúp bạn ghi nhớ những “cảm hứng” của mình.
4. Thiết kế và xây dựng
Cảm hứng thiết kế lúc này đã thật sự tràn ngập trong bạn. Hãy nhanh chóng “nắm” lấy chúng, đặt các bản ghi nhớ, wireframe bên cạnh và bật máy tính lên làm việc. Một chút âm nhạc đôi khi sẽ tạo nên không gian làm việc thật sự sống động cho bạn.
Nghỉ ngơi trong quá trình làm việc
Dù bạn không muốn thì chính sức khỏe của bạn sẽ lên tiếng đòi hỏi vấn đề này. Hơn nữa, việc quá tập trung vào điều gì đó liên tục trong nhiều tiếng không phải là ý hay. Nó sẽ dễ khiến bạn bị lối mòn trong công việc.
Hãy thư giãn, tạo khoảng “dừng” một chút về thiết kế bạn đang làm. Đôi khi nét đột phá nào đó sẽ đến với bạn vào lúc này.
Dương Linh
Theo Creativebloq