Đã xuất hiện email lừa đảo bằng tiếng Việt

Các email này thường hứa hẹn trao tặng hoặc chia sẻ một khoản tiền rất lớn và được viết bằng tiếng Việt tạo cảm giác câu chuyện trong email thật hơn và dễ khiến nhiều người bị mắc lừa.

Bộ phận an ninh mạng của Bkav cho biết tại Việt Nam, bắt đầu xuất hiện các email lừa đảo (scam) bằng tiếng Việt, loại email này trước đây chỉ tồn tại dưới dạng tiếng Anh.

Theo Bkav, nội dung các email scam này thường hứa hẹn trao tặng hoặc chia sẻ một khoản tiền rất lớn. Những nội dung thư kiểu như “Bạn vừa trúng thưởng 1 triệu USD…” hoặc “Bạn sẽ nhận được một quà tặng giá trị nếu trả lời email này của chúng tôi…” được viết bằng tiếng Việt tạo cho người đọc cảm giác câu chuyện trong email thật hơn và họ dễ bị mắc lừa.

“Nắm được tâm lý đó, kẻ lừa đảo ở nước ngoài đã lợi dụng công cụ Google Translate để dịch tự động các thư scam từ tiếng Anh sang tiếng Việt trước khi gửi cho các mục tiêu ở Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của Bkav, phân tích.

Những thư lừa đảo như thế này trước đây thường được viết bằng tiếng Anh

Hình thức lừa đảo này có thể sẽ phổ biến trong thời gian tới, người sử dụng ở Việt Nam cần hết sức cảnh giác. “Nội dung thư được dịch bằng Google Translate, do đó khi đọc kỹ bạn sẽ phát hiện những đoạn văn rất “ngô nghê”. Đó là dấu hiệu để nhận biết thư lừa đảo”, ông Đức cho biết thêm.

Xuất hiện virus xóa dữ liệu mạo danh Microsoft

Trong suốt tháng 10, virus Stuxnet là chủ đề thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Đây là loại virus từng gây ra vụ tấn công đình đám vào hệ thống điều khiển mạng công nghiệp – SCADA của Siemens ở Ấn Độ, Indonesia, Pakistan… sau đó xuất hiện tràn lan trong các cơ sở công nghiệp ở Iran. Các chuyên gia nghi ngờ có động cơ chính trị đằng sau cuộc tấn công của Stuxnet vào Iran nhằm lấy cắp tài liệu mật về chương trình hạt nhân của nước này.

Do tính chất phức tạp của những câu chuyện xung quanh Stuxnet, rất nhiều người sử dụng đã tìm kiếm trên Internet các công cụ (tool) để quét và gỡ bỏ virus này. Hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện nhiều kết quả tìm kiếm dẫn đến một công cụ mạo danh hãng phần mềm Microsoft. Công cụ này không những không có tác dụng diệt Stuxnet mà chính là một loại virus phá hủy dữ liệu, nó sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên ổ đĩa C khi được kích hoạt.

“Để tránh tải nhầm các công cụ giả mạo vốn đang tràn lan trên Internet, người dùng nên truy nhập trực tiếp vào website của các công ty phần mềm diệt virus thay vì tìm kiếm trên mạng. Tốt nhất là sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền”, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Bkav, khuyến cáo.

42 website Việt Nam bị đột nhập

Theo thống kê của Bkav, đã có 42 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 4 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước và 38 trường hợp do hacker nước ngoài.

Trong tháng 10 đã có 4.337 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 4.415.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.AutoRunUSB.Worm đã lây nhiễm trên 229.000 lượt máy tính.

Danh sách 10 virus lây nhiều nhất trong tháng 10/2010:

STT

Tên virus

1

W32.AutoRunUSB.Worm

2

W32.VetorX5Ex.PE

3

W32.SecretCNC.Heur

4

W32.SalityVF.PE

5

W32.VetorX5HMYJ2.PE

6

W32.SalityVK.PE

7

W32.StuxnetQKE.Trojan

8

W32.KidkoaaB.Worm

9

W32.SalityVL.PE

10

W32.UpdateUSBA.Worm

(Theo ICTNews)