6 phút trước khi kết thúc 5 giờ so tài tại cuộc thi lập trình viên quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hai đội tuyển “gà nòi” của Việt Nam vẫn giữ vị trí nhất, nhì sau những cú lội ngược dòng ngoạn mục. Tuy nhiên, các đối thủ nặng ký đến từ Trung Quốc đã giành phần chiến thắng thuyết phục.
Sáng thứ Bảy (25/11), tiết trời Hà Nội lạnh và có nhiều sương mù. Khoảng 7h30 phút, khu vực nhà thi đấu Đa Năng của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đông đủ thí sinh và các thành phần thuộc Ban tổ chức. Đúng 8h10 phút, các cửa ra vào trường thi được khóa lại sau khi tất cả thí sinh đã ổn định tại vị trí. Một vài người hỗ trợ cố tìm cách đưa từ điển vào cho đội tuyển của mình nhưng đều bị chặn lại bởi đã không thực hiện đúng theo thủ tục quy định là phải nộp từ điển từ trước đó để Ban tổ chức kiểm duyệt.
Đến với vòng loại ACM/ICPC, điểm thi Hà Nội là 43 đội tuyển, trong đó có 10 đội nước ngoài thuộc Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong… Phía Việt Nam cũng hội tụ khá nhiều tên tuổi có uy tín như trường Bách Khoa Hà Nội, Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học tự nhiên TP HCM, Học viện kỹ thuật quân sự…
Trao đổi với phóng viên VnExpress bên ngoài trường thi, huấn luyện viên của 5 đội tuyển thuộc Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM Lâm Xuân Nhật, nhận định những sinh viên đến từ Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ là đối thủ đáng lo ngại nhất, bởi họ rất có kinh nghiệm thi đấu và từng giành nhiều giải cao trong các kỳ thi lập trình quốc tế.
Quả nhiên, chỉ 15 phút sau khi bóc đề, nhóm H-E-A-T của Đại học Giao thông Thượng Hải đã hoàn thiện bài thi đầu tiên, rồi cứ thế án ngữ ở vị trí số 1 trong suốt 4 tiếng đầu của cuộc so tài. Các sinh viên tình nguyện cũng như nhiều người khác có mặt tại đó, theo dõi kết quả trên màn hình lớn treo bên ngoài trường thi, đều trầm trồ thán phục bởi trong 3 người của đội H-E-A-T có một nữ sinh viên năm thứ 2.
Bám ngay sau nhóm H-E-A-T là KARMA, (Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM), với việc giải xong bài đầu tiên mất 23 phút. Tuy nhiên, đội này trụ hạng không lâu bởi sau đó đã bị đẩy xuống… thứ 20, để rồi đến những phút cuối cùng của cuộc đấu trí mới lấy lại được phong độ. Từ đây diễn ra sự tranh đua quyết liệt giữa các đội đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong khi KARMA đã trượt xuống sâu tít tắp thì Coltech 3K, (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) lại vươn lên, luôn có mặt ở top 5 trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Riêng Hanoi-Chicken (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), đã thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục khi nhảy vọt lên hàng thứ 6, do liên tiếp nộp đáp án đúng với 4 bài giải hoàn thiện. Cũng chính “những chú gà con” đã khiến cả trường thi và đối thủ số 1 phải giật mình vì họ là nhóm đầu tiên hoàn thiện 7 bài trong tổng số 8 đề thi, khi thời gian chỉ còn gần 1 giờ nữa là kết thúc.
ZSU-Andes, ZSU_Pyrenean, gogogo của Trung Quốc; Eclipse của Hàn Quốc là những đội nước ngoài “thượng thặng” bám đuổi nhau rất sít sao trong gần chục vị trí dẫn đầu. Sau hơn 2 giờ so tài, huấn luyện viên Wang Can của nhóm gogogo tỏ ra lạc quan: “Gogogo đã khởi động không tốt. Nhưng họ đang lấy lại được phong độ và tôi vẫn có quyền hy vọng đoạt giải cao. Nhiều khả năng nhóm H-E-A-T sẽ vô địch nhưng chưa biết đâu. Bài số 8 là về Dominno. Đây là một bất lợi cho các đội Trung Quốc vì dạng đề này không phải sở trường của họ. Tôi cũng rất ngạc nhiên với sự thể hiện của các đội Việt Nam. Tôi không nghĩ họ mạnh đến thế”, ông Wang Can nói.
Theo đánh giá chung của nhiều huấn luyện viên và những người trong nghề, đề thi ACM/ICPC kỳ này khó và phức tạp. Sau 3 giờ đầu miệt mài, nhiều thí sinh bắt đầu tỏ ra căng thẳng. Một số sinh viên lấy kẹo mút ra ngậm, vài người khác đứng lên đi lại thư giãn, có người vừa làm vừa liên tục ngó màn hình lớn hiển thị kết quả online đặt ở góc phòng… Nửa tiếng trước khi hệ thống chấm tự động “ngắt nguồn”, một số đội có lẽ đã “biết không thể làm gì” hơn nên không còn tập trung vào đề thi mà quay ra cười đùa hoặc bình thản ăn bánh mỳ do tình nguyện viên tiếp tế đến tận bàn.
Những người chiến thắng. Ảnh Hoàng Hà. |
Sau 4 tiếng thi đấu, Ban tổ chức cho dừng việc hiển thị kết quả online để đảm bảo bí mật cho đến lúc trao giải. Đa phần những người có mặt tại đó dự đoán đội vô địch là Hanoi-Chicken. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Ban tổ chức, trong 4 phút cuối cùng, các đội H-E-A-T và ZSU_Andes đã lật ngược tình thế, chiếm lại được vị trí nhất nhì từ Hanoi-Chicken và KARMA bởi thời lượng hoàn thiện đề thi ít hơn.
Không đội nào giải được hết cả 8 đề, có tới 10 nhóm ra về tay trắng vì không bài nào hoàn tất. Tuy nhiên, với 4 đội giải quyết được 7 bài và 5 nhóm làm xong 6 bài, cuộc thi được đánh giá là rất thành công.
Yun Jiang, sinh viên năm thứ 2 – nữ đối thủ đáng gờm của nhiều đội tuyển tại ACM/ICPC Hà Nội, trông chỉ như một nữ sinh cấp 3. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lần đầu tiên sự kiện này diễn ra trong nước, Hội Tin học Việt Nam cũng tỏ ra khá chuyên nghiệp trong khâu tổ chức với ít sai sót và không có sự cố đáng kể nào xảy ra. Đóng góp vào đó là công sức rất lớn của các tình nguyện viên với đội ngũ hơn 60 người, được chia làm nhiều nhóm như: phục vụ, hướng dẫn, kỹ thuật…
Sự kiện đã khép lại bằng lễ trao giải diễn ra vào buổi chiều cùng ngày với cup vàng, bạc, đồng lần lượt được trao cho các đội: H-E-A-T, ZSU_Andes và HaNoi-Chicken. Xếp hạng 4 và 5 là KARMA và Coltech 3K.
Chia sẻ với VnExpress, thành viên trong nhóm Hanoi-Chicken Lê Huy Bình nói: “Chúng tôi là sinh viên năm thứ 4. Có lẽ vì thế mà phần coding không thuần thục và nhanh như các nhóm sinh viên năm đầu. Tuy sự khởi động của Chicken khá chậm chạp nhưng cả nhóm cũng không bị áp lực lắm. Có một số lỗi đáng tiếc nhưng chúng tôi không để tâm đến kết quả”.
Yun Jiang, thành viên nữ duy nhất của nhóm vô địch, cũng bày tỏ: “Tôi rất vui và bất ngờ vì đã giành giải nhất, bởi tôi chỉ nghĩ đội của mình sẽ có mặt trong top 5 mà thôi. Còn các đội của Việt Nam thì rất khá. Tuy nhiên, cái họ thiếu là kinh nghiệm thi đấu nên đã để lỡ cơ hội hoàn thiện bài thi tốt hơn”.
Theo quy định, đội nhất lại mỗi điểm thi vòng loại nghiễm nhiên được có mặt tại vòng chung kết tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3/2007. Tuy nhiên, do nhóm H-E-A-T từng dự thi tại một điểm khác cùng nhiều lý do khác nên Ban tổ chức chưa đưa ra công bố chính thức vấn đề này cũng như việc các đội khác sẽ tranh vé vớt ra sao.