Việt Nam: Ngành công nghệ cao thiếu nhân lực

Việt Nam nên tăng đào tạo công nhân kỹ thuật, đặc biệt là công nhân có tay nghề cao cho ngành công nghệ cao và những ngành kinh tế xã hội trọng điểm…

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Chương trình Kỹ thuật – kinh tế về Công nghệ vật liệu tại Hội thảo với chủ đề “Chiến lược phát triển công nghệ cao ở Việt Nam”, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công nghiệp, Công ty McKinsey & Company (Mỹ) tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Văn Tân, kể từ năm 1990, Công nghệ vật liệu mới ở nước ta mới được thúc đẩy và có một số tiến bộ mới, sản xuất được một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như vật liệu cách điện silicon rubber, các vật liệu chống ăn mòn cho ngành hóa chất phân bón và hóa chất cơ bản.

Đối với công nghệ cao, đã sản xuất vật liệu từ nam châm đất hiếm có năng lượng từ siêu mạnh, vật liệu nano tạo ra các thiết bị có kích thước thu nhỏ, có nhiều tính năng hiệu suất cao ứng dụng trong chế tạo máy phát điện, điện tử viễn thông.

Tuy vậy, trong thời gian qua nguồn nhân lực phát triển cho công nghệ cao trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ để có thể chuyển kiến thức thành công nghệ, chuyển kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thành quy trình sản xuất công nghệ cao.

Vấn đề đầu tư cho đào tạo nguồn lực công nghệ cao chưa được chú trọng đúng mức, thiếu sự kết hợp nghiên cứu và đào tạo.

Trước tình hình trên, cơ quan quản lý nhà nước cần có những đề xuất khuyến khích đối với hoạt động phát triển công nghệ cao, nhanh chóng huy động tối đa thành phần kinh tế tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực, khuyến khích mở các trường đại học, viện nghiên cứu công nghệ quốc tế hoặc khu vực tại Việt Nam.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nhấn mạnh: Hiện nay nguồn nhân lực cho công nghệ cao còn thiếu, yếu về năng lực thực hành, thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư đầu đàn.

Đặc biệt, sự gắn kết hữu cơ giữa đào tạo và nghiên cứu sản xuất chưa được chặt chẽ, do đó các kết quả nghiên cứu chậm được đưa vào ứng dụng và thương mại hóa.

Việc tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp cho 4 lĩnh vực đạt một số kết quả nhất định, nhưng việc triển khai đồng bộ cả 4 lĩnh vực công nghệ cao (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới) vào sản xuất kinh doanh còn yếu.