Theo số liệu của BSA và IDG công bố trong Piracy Study Report 2007, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt nam giảm 2% và không còn đứng cuối bảng. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho biết trong “Báo cáo Toàn cảnh CNTT” 2007.
Như vậy, sau 2 năm Việt nam giảm được 4%. Trong khi Trung Quốc giảm tỷ lệ vi phạm 4% sau 1 năm và giảm 10% trong 3 năm. Nga cũng giảm 3% sau 1 năm và 7% trong 3 năm sau đó.
“Tỷ lệ giảm của Việt nam như vậy là chưa cao, nhưng đó là con số đáng khích lệ”, Tiến sĩ Tùng cho biết.
Báo cáo Toàn cảnh CNTT 2007 cho biết thị trường CNTT của Việt nam đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 1 tỷ 15 triệu USD, tăng 22.6%, gấp 3 lần tỷ lệ tăng trưởng chung của thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo các năm sau, mức tăng trưởng sẽ dao động ở mức 13 đến 15%. Các ngành công nghiệp phần cứng, phần mềm muốn tăng trưởng mạnh 35 – 40%/năm thì không thể chỉ dựa vào thị trường trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu.
Với số lượng trên 16 triệu người sử dụng Internet, Việt nam trở thành quốc gia có số người dùng Internet xếp thứ 17 trên thế giới và thứ 6 ở Châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.
Tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ sử dụng Internet trên dân số thì hiện nay Việt nam lại quá khiêm tốn: xếp thứ 93 trên thế giới và thứ 9 ở Châu Á. Theo đề án Qui hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt nam, năm 2010, Việt nam sẽ đạt mục tiêu 25% dân số sử dụng Internet.
Năm 2007, tỉ lệ này đã đạt 20%, tăng thêm 4% sau 1 năm. Trong khi tỉ lệ người dùng Internet trên thế giới chỉ tăng 1.5%. Nếu duy trì được nhịp độ tăng trưởng này, Việt nam sẽ hoàn thành mục tiêu sớm hơn 2 năm.
Mặc dù người dùng Internet tăng 25% so với năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng lại chậm. Những năm trước thường duy trì tốc độ tăng gấp đôi.
Các chỉ số CNTT tăng
Bức tranh CNTT Việt nam năm 2007 đã trở nên sáng sủa hơn nhờ vào các chỉ số CNTT do các tổ chức quốc tế đánh giá dành cho Việt nam đều tăng.
Chỉ số Nền kinh tế tri thức tăng 14 bậc, xếp thứ 99/132 quốc gia do Viện Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Chỉ số Cơ hội CNTT tăng 5 bậc do ITU (International Telecommunication Union) đánh giá. Tuy nhiên, Việt nam vẫn còn nằm trong cuối nhóm Medium, xếp thứ 111/183 nước.
Nhóm High gồm 29 nước – trong đó có 6 nước và lãnh thổ Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Macao. Nhóm Upper gồm 28 nước. Nhóm Medium gồm 63 nước và Low gồm 63 nước.
Có 2 chỉ số bị tụt hạng: chỉ số Cơ hội số (tụt 3 bậc) và chỉ số sẵn sàng kết nối (tụt 7 bậc).
Theo đánh giá của các chuyên gia từ Hội Tin học TPHCM, nguyên nhân tụt hạng của Việt nam ở 2 chỉ tiêu này là do bổ sung thêm một số chỉ tiêu đánh giá mới như xuất khẩu công nghệ cao; chất lượng các viện nghiên cứu, giá cước đăng ký băng thông rộng và giá cước sử dụng điện thoại di động.