Hai đội Việt Nam là Chicken thuộc ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và KARMA, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội đã đoạt giải nhất nhưng xếp sau hai đội Trung Quốc. Đội H-E-A-T, ĐH Giao thông Thượng Hải đã giành giải quán quân khi giải được bảy trong tám bài trong thời gian 689 phút.
Lễ trao giải kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC lần thứ 31 khu vực châu Á, điểm thi Hà Nội đã diễn ra tối qua.
Ba giải nhất thuộc về đội ZSU_Andes, ĐH Trung Sơn (Trung Quốc) giải được 7 bài trong thời gian 1.016 phút; đội Chicken thuộc ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội giải được bảy bài trong
Đội Chicken, ĐH Công nghệ nhận giải nhất. |
thời gian 1.084 phút và đội KARMA, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội giải được bảy bài trong thời gian 1.463 phút.
Ngoài ra còn có 11 giải nhì và 10 giải ba được ban tổ chức trao tại buổi lễ.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng quyết định trao bằng khen cho bốn đội của Việt Nam có thành tích xuất sắc tại cuộc thi này. Đó là các đội: Chicken, ĐH Công nghệ; đội KARMA, Đại học Tự Nhiên; đội BK++, Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh; đội KS TN1, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Diễn ra trong hai ngày 24 và 25-11, nhưng cuộc tranh tài diễn ra quyết liệt trong giờ đồng hồ sáng hôm qua. Đội H-E-A-T, ĐH Giao thông Thượng Hải đã tỏ ra chiếm ưu thế khi liên tục án ngữ vị trí đầu tiên trong suốt bốn tiếng đồng hồ công bố kết quả trực tuyến. Đội Coltech 3K của ĐH Công nghệ Hà Nội cũng liên tục bám đuổi sít sao ở vị trí thứ hai. Mọi người chờ đợi một cuộc “hoán ngôi” trong tiếng đồng hồ bí mật cuối cùng, nhưng điều đó đã không xảy ra vì đối thủ quá mạnh.
Đội Chicken gồm ba thành viên: Trần Thị Thùy Trang, Phan Đa Phúc, Lê Huy Bình, sinh viên K48, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, em Lê Huy Bình đã từng tham dự nhiều cuộc thi về CNTT trong và ngoài nước và đã dẫn dắt đội có một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi nộp đáp án đúng với bốn bài giải liên tục. Đội Coltech 3K, do không duy trì được “phong độ”, đã bị đẩy xuống vị trí thứ năm và đoạt giải nhì.
Đội Chicken của Việt Nam có khả năng vào chung kết
Mặc dù theo quy định của Ban tổ chức công bố từ trước khi diễn ra cuộc thi là đội vô địch sẽ được tham dự kỳ thi chung kết dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3-2007, nhưng đội H-E-A-T, ĐH Giao thông Thượng Hải vô địch ở điểm thi Hà Nội lại từng tham gia và đã vô địch ở điểm thi Nhật Bản vừa diễn ra trước đó.
Theo quy định, mỗi đội tuyển được dự thi vòng loại hai lần ở hai điểm thi khác nhau. Và sang Việt Nam dự thi là một cơ hội để đội H-E-A-T cọ xát trước khi tham dự vòng thi chung kết. Vì thế, cơ hội vào chung kết có thể được nhường cho một trong ba đội đoạt giải nhất.
Thêm nữa, còn một lý do mà cơ hội vào chung kết của đội Chicken vẫn còn, đó là ngoài các đội vô địch tại các điểm thi, ban tổ chức còn lựa chọn thêm 28 đội có thành tích xuất sắc tại các điểm thi vòng loại tham dự vào vòng chung kết.
Với “tiền lệ” này, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Trưởng ban tổ chức ACM/ICPC tại Việt Nam cho biết, Ban tổ chức vòng loại điểm thi Hà Nội sẽ đề xuất lên Ban tổ chức vòng chung kết “ưu tiên” cho Việt Nam một suất chung kết với lý do Việt Nam lần đầu tiên tổ chức vòng loại. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía ban tổ chức phải đợi đến tháng 1-2007. Vì thế, để “chắc ăn” hơn, tháng 12 tới, Chicken một lần nữa sẽ được thi đấu ở một điểm thi vòng loại khác, mà có khả năng là ở Iran. “Cũng là một cơ hội để các em được cọ xát thêm”, ông Long nói.
Mặc dù đã lường được các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, và các đội Việt Nam đã đạt được mục tiêu Ban tổ chức đặt ra là đoạt hai trong bốn giải cao nhất của cuộc thi này, nhưng ông Long vẫn tiếc rẻ: Giá mà có đội Việt Nam xếp vị trí thứ hai sau đội H-E-A-T, ĐH Giao thông Thượng Hải thì việc vào chung kết sẽ thuận lợi hơn.
Việt Nam đã tổ chức cuộc thi thành công
Đội H-E-A-T, ĐH Giao thông Thượng Hải đoạt giải quán quân. |
Sang Việt Nam kiểm tra việc tổ chức cuộc thi, ông Caneo Jinshong Hwang, Trưởng khoa CNTT của ĐH Texas, Mỹ, Chủ tịch ACM/ICPC khu vực châu Á cho biết, Việt Nam đang mở cửa, đó là lý do ông chọn nơi đây làm điểm thi thứ 12 của khu vực châu Á. Khi số lượng các đội dự thi nhiều lên, thì Ban tổ chức lại phải mở thêm một điểm thi vòng loại mới, và Việt Nam đã là lựa chọn đầu tiên của Ban tổ chức khi mở rộng việc tổ chức cuộc thi ở các nước Đông Nam Á.
Trước mắt, Ban tổ chức ACM/ICPC sẽ còn lựa chọn Việt Nam để tổ chức cuộc thi trong vài ba năm tới, và đơn vị tổ chức là Hội Tin học Việt Nam và ĐH Quốc gia Hà Nội, ông nhấn mạnh.
Quan sát bảng điện tử trong suốt bốn tiếng công khai kết quả cuộc thi, ông Long cho biết, ngay cả việc có những đối thủ mạnh của quốc tế sang Việt Nam dự thi cũng là một thành công của cuộc thi. Vì SV Việt Nam rất cần có những cơ hội như thế này để “thử lửa”. Chi phí cho mỗi đội ra nước ngoài thi đấu phải mất từ 6 đến 7 nghìn USD, trong khi đó, dự thi ở Việt Nam các đội chỉ phải nộp mức lệ phí nhỏ.
Một trong những khâu khó nhất khi tổ chức cuộc thi là ra đề. Cách đây bốn tháng, Ban tổ chức đã kêu gọi người Việt ở khắp nơi trên thế giới tình nguyện gửi đề thi về. Từ nguồn đề này, Hội đồng khoa học của cuộc thi đã chọn ra 20 đề rồi sau đó bốc thăm để có bộ đề gồm tám câu từ dễ đến khó. Đề thi theo tiêu chuẩn của ACM/ICPC phải không được quá dễ để các đội giải được cả tám câu, cũng không được quá khó để có đội không giải được câu nào.
PGS, TS Hồ Sĩ Đàm, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học đánh giá, đề thi năm nay là do Việt Nam tự ra, vào loại tương đối khó.
Theo đánh giá chung của nhiều huấn luyện viên và những người trong nghề, đề thi ACM/ICPC kỳ này khá khó và phức tạp.
Không đội nào giải được hết cả tám bài, bốn đội giải được bảy bài, năm đội giải xong sáu bài và có 10 đội không giải được bài nào.