Cái nghệ thuật muốn nói ở đây chính là nghệ thuật của một trí tuệ tổng hợp và có sức thuyết phục cao, nghệ thuật của một phong cách ấn tượng trước đám đông, nghệ thuật của một sự tự tin và khả năng làm chủ của con người … Phải nói rằng để trở thành một MC không quá khó. Với những kỹ năng cơ bản như tự tin, nói chuẩn, hiểu biết tổng hợp, viết kịch bản tốt, ứng xử tốt… , những ai yêu thích công việc của MC có thể rèn luyện để trở thành một MC bắt đầu từ các chương trình nhỏ rồi đến các chương trình lớn hơn. Nhìn chung, nếu MC có khả năng bẩm sinh là điểm rất lợi thế, những yếu tố về kỹ năng là điều không thể thiếu, nhưng yếu tố quan trọng nhất của một MC lại phụ thuộc vào niềm đam mê công việc, cũng giống như đối thoại với một người không muốn nói chuyện với mình hay dửng dưng với câu chuyện của mình là điều tệ hại nhất trong một cuộc trò chuyện, mà làm MC thì không bao giờ được phép như vậy.
Quay trở lại với cuộc thi MC của Hanoi-Aptech. Các thi sinh tham gia vòng chung kết lần này được đánh giá cao về sự nhiệt tình. Các bạn đều chuẩn bị rất kỹ cho phần dự thi của mình. Trước đêm chung kết 3 ngày, toàn bộ các thí sinh phải đến bốc thăm chủ đề diễn của mình. Cùng đó, các bạn được Ban tổ chức (BTC) hướng dẫn rất tỷ mỉ về phần thi của mình như: trang phục, phong cách, sử dụng ngôn ngữ thích hợp với chủ đề, chuẩn bị những người cũng diễn với mình. Chu đáo hơn, chính BTC cũng chủ động mời một số người như phụ huynh học viên, nhân viên công ty, học viên… đến tham dự và giúp đỡ các thí sinh cùng diễn do họ là nhân tố có mặt trong kịch bản của các thí sinh.
Nếu như trong vòng sơ kết, rất nhiều những gương mặt xuất sắc đã thể hiện được phần nào khả năng của mình thì đến vòng chung kết này, các bạn có nhiều cơ hôi lớn để khẳng định được tài năng trước những tình huống sân khấu thực thụ. Bạn Đức Thành đã thể hiện mình là một MC xuất sắc trong chương trình giao lưu với phụ huynh học sinh trong chương trình “Hội nghị khách hàng”. Phong cách đĩnh đặc và sự trôi chảy của Thành đã làm cho buổi lễ thực sự diễn ra theo tính trang trọng vốn có của nó. Nhược điểm duy nhất của Thành là hơi gò bó, thiếu sự phóng khoáng của một người làm chủ chương trình. Bạn Lan Anh nhận một chủ đề thoạt tiên không thấy hợp với phong cách của mình đó là dẫn một chương trình trò chơi, bốc trúng thưởng trong đêm Noel. Nhưng bạn đã làm cho BGK hết sức hài lòng về một chương trình vui chơi với khán giả, từ sự chuẩn bị về nội dung trò chơi đến khả năng phải nói liên tục cho đúng với tinh thần của một trò chơi: hò hét, giải thích, khuấy động…Và đặc biệt, đội chơi của Lan Anh cũng rất hài hước, nhiệt tình, và cũng chính là nguồn động viên rất lớn cho phần thi này. Nếu như Lan Anh chủ động và dí dỏm hơn thì bạn sẽ rất xuất sắc để làm người hoạt náo viên của chương trình Ngược lại với Lan Anh, Thu Hà có lợi thế khi bốc phải chủ đề dẫn một chương trình “Dạ vũ Giáng Sinh”, một chủ đề rất hợp với phong cách của Hà. Tuy không phải nói quá nhiều vì phần thi của Hà có nhiều tiết mục văn nghệ như hát, dancing … nhưng Hà cũng thể hiện năng khiếu rất dễ thương của mình qua mỗi đoạn chuyển tiếp các tiết mục bằng việc lôi kéo khán giả tham gia không biết mệt mỏi. Chương trình của Hà khá thành công hơn, Hà sẽ hoàn thành phần thi tốt hơn nếu như bạn biết cách nói sâu hơn và trọng tâm hơn vào nội dung của chương trình. Hữu Hải có một chủ đề rất hấp dẫn tuy nhiên cũng không phải là dễ “Trao giải bóng đá A-League”. Ưu điểm của Hải chính là kịch bản rất tâm huyết và khá sâu, nêu được tinh thần và nội dung chủ đạo của chương trình. Hải cũng được khán giả ủng hộ hết sức nhiệt tình, cứ mỗi khi bạn đọc tên đội bóng đạt giải hay cầu thủ tiêu biểu của giải là ở dưới sân khấu không biết từ đâu khán giả chạy lên rất tự hào cứ như mình là nhân vật chính vậy, ngay cả những tình huống này đạo diễn Hữu Hải cũng không dám nghĩ tới khi xây dựng kịch bản. Hải cũng có nhược điểm là chưa đủ độ sôi nổi theo đúng tính chất chương trình và nói vẫn còn chưa rõ tiếng.
Trên đây mới chỉ là 4 phần thi tiêu biểu. Những phần thi còn lại cũng có những đặc trưng riêng. Những đặc trưng ở đây không chỉ đơn giản là những kỹ năng để trở thành MC của một chương trình mà trên hết tiết mục của các bạn thể hiện được cái tinh thần của tuổi trẻ tự tin, năng động và hết mình cho niềm tin và đam mê. Đó mới chính là nền tảng mà thế hệ trẻ nói riêng của Aptech và thế hệ trẻ nói chung của Việt Nam cần phải được khơi dậy.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất chung kết Hanoi-Aptech’s MC Competition có vẻ thuộc về khán giả. Suốt gần 3h đồng hồ của cuộc thi, hầu như không có lúc nào là vắng tiếng cười, để có được điều đó, công lớn nhất thuộc về khán giả. Họ là ai? bạn bè, người thân của thí sinh, học viên Hanoi-Aptech, đội nhạc, khách mời, thậm chí có cả BGK và những người tổ chức chương trình. Chính họ là nguồn cổ vũ lớn lao của thí sinh và cũng là của cuộc thi. Có thể nói rằng thành công lớn của đêm chung kết sẽ không có được nếu thiếu những khán giả – cổ động viên nhiệt tình, thông mình và chân thành.
Với một cơ cấu trao giải cuộc thi rất mở, BTC đã trao 4 giải thưởng cho 4 bạn có điểm cao nhất, 5 thí sinh còn lại cũng rất xứng đáng nhận được giải thưởng khuyến khích của chương trình. Sau đây, các thí sinh tham gia vòng chung kết sẽ được tập huấn để phát triển năng khiếu và kỹ năng của mình.
Một số ý kiến về chương trình:
Bà Nguyễn Trần Mỹ Nga – Truởng Ban tổ chức, trưởng BGK cuộc thi: “Rất phấn khởi và bất ngờ. Bất ngờ vì không nghĩ các bạn làm được tốt như vậy. Phấn khởi vì Hanoi-Aptech sẽ có một sức mạnh mới từ những bạn trẻ nhiệt tình và tài năng, luôn sẵn sàng cống hiến cho những công việc chung của trung tâm với tinh thần trẻ trung, chân thành và sôi động nhất.”
Thầy giáo Bảo Trung – MC chuyên nghiệp của Hanoi-Aptech, vị giám khảo thứ 2 của đêm chung kết: “Cảm xúc lớn nhất trong tôi lúc đó là sự xúc động. Khi được nhìn thấy những nỗ lực vượt qua sự rụt rè, vượt qua sự sợ hãi, lo lắng vô cớ khi đứng trước đám đông của các thí sin, tôi như nhìn thấy lại chính mình trong những cuộc thi thời đi học.”
Phóng viên Bùi Dũng – Phóng viên báo điện tử VietnamNet, vị giám khảo thứ 3 của đêm chung kết: “Rất ấn tượng! Giá không có những tình huống mất điện giả thành thật thì chương trình sẽ còn tuyệt hơn. Chương trình này hoàn toàn có thể làm ở một sân diễn rộng lớn và hoành tráng hơn.”
Thu Trang – học viên Hanoi-Aptech: “Thành công quá! Tổ chức lại chắc còn cuồng nhiệt hơn!”
Một số tình huống không thể quên:
Câu trả lời thông minh nhất: thuộc về Thu Hà sau khi được hỏi “Nếu là MC của một chương trình mà không ai ủng hộ em, em còn tự tin như lúc này hay không ?”. Trả lời “Em tự tin là không có một MC nào bị tất cả khán giả ghét, em cũng vậy, ít nhất là còn bạn trai em ủng hộ em, và điều đó giúp em giữ được sự tự tin của mình.”
Người khách nhiệt tình nhất: cô Đan Hồng – phụ huynh của bạn Ngô Đan Quang (C0509M), đã đến với vai trò là một diễn viên với công suất nói hết mình và sự trôi chảy quá bất ngờ đến nỗi tưởng như đã được chuẩn bị trước một cách kỹ càng.”
Thành viên ấn tượng nhất: chú bé Kỳ Anh lớp 3 trong nhóm nhảy Break-Dance gồm 4 thành viên cực trẻ mà nhảy cũng rất đẹp. Kỳ Anh còn rất dí dỏm và tự nhiên trong tiết mục bốc thăm trúng thưởng của thí sinh mà chú bé không biết đó là một “vở kịch”.
Sôi động nhất: thuộc về nhóm chơi nhạc của chương trình. Vai trò xử lý âm thanh và nhạc cho chương trình quá rõ nhưng những chàng trai này còn không ngừng hát đệm, khích lệ tất cả các thí sinh và cả chương trình bằng những động tác nhảy và giọng hát rất hài hước những cũng hết sức ý nghĩa.
Hài hước nhất: là khi có một khán giả mạo danh người đoạt giải trong tiết mục “Trao giải cuộc thi IT Melody 2006” khiến cả MC lẫn người được đọc tên nhận giải ngơ khác không biết xử lý thể nào còn khán giả được một trận cười chảy nước mắt.