Trượt ĐH, CĐ: Còn rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực CNTT

Lớp học Lập trình viên Quốc tế tại Hanoi-Aptech.

Lỡ không đỗ vào một trường ĐH, CĐ đã đăng ký nào đó, bạn cũng đừng nên bi quan. Còn có rất nhiều cơ hội để bạn lựa chọn, trong đó CNTT là nghề luôn rất cần trong xã hội thông tin hiện nay.

Hiện nay, hai tên tuổi có tốc độ phát triển nhanh và nổi bật nhất trong số các trung tâm đào tạo CNTT phi chính quy là Aptech và NIIT cùng có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Nếu như năm 1999, Aptech mới chỉ có 2 trung tâm đào tạo lập trình viên tại Hà Nội và TPHCM, nay đã có tới 27 trung tâm tại 17 tỉnh thành ở ba miền Bắc, Trung và Nam.

Tính đến thời điểm này, Aptech Việt Nam đã đào tạo khoảng 25.000 học viên. Theo sau Aptech, NIIT hiện giờ cũng đã có hơn 20 trung tâm đào tạo trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở hai thị trường “màu mỡ” nhất là TPHCM và Hà Nội với gần chục ngàn học viên đang theo học tại các trung tâm NIIT.

Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở đào tạo CNTT khác như New Horizons, Trung tâm đào tạo lập trình viên Kent, trường Đại học KHTN TPHCM, Tata Infotech.

Theo thống kê của các trung tâm đào tạo lập trình viên CNTT được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài như Aptech, NIIT, số lượng học viên ra trường và có việc làm chiếm tỷ lệ cao so với nhiều hình thức đào tạo khác, kể cả đại học.

Lợi thế của ngành công nghệ thông tin tại các trung tâm này là chương trình đào tạo thường được rút gọn lại trong khoảng 2 năm. Trong thời gian này, người học sẽ được nhanh chóng tiếp cận những kỹ năng thực tiễn và các công nghệ cụ thể.

MCSA 2003, MCSE 2003, MCDST là tên các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế mới của Trung tâm Tin học – Đại học KHTN TPHCM. MCSE 2003 là chứng chỉ cao nhất trong lĩnh vực mạng Microsoft, là cơ hội để người  học có  thể trở thành chuyên viên quản trị mạng Microsoft trên hệ điều hành Windows, đa người dùng.

Sau khóa học, học viên sẽ được cung cấp những kiến thức: Cài đặt, vận hành và bảo trì cho một hệ thống mạng máy tính, giải quyết các sự cố liên quan đến hệ thống mạng… Khoá học kéo dài gần 6 tháng, tương đương 192 giờ.

Đầu năm qua, Bệnh viện Máy tính Quốc tế iCare đã khai trương trung tâm Đào tạo CNTT iSpace. Đầu vào của iSpace không hạn chế. Học viên muốn tốt nghiệp đều phải vượt qua các môn học, hoàn tất đồ án và có kinh nghiệm thực tế.

Chẳng hạn học viên của chuyên khoa máy tính muốn tốt nghiệp thì phải có kinh nghiệm sửa ít nhất 20 chiếc máy tính cùng với hướng dẫn viên là “bác sĩ” lành nghề của iCare.

Chuyên khoa máy tính được đào tạo trong 6 tháng, mức học phí 3,6 triệu đồng; chuyên khoa mạng máy tính: 8 tháng, học phí 6,9 triệu đồng.