Thi trượt nào phải chấm hết ???

Câu trả lời phổ biến thường là: Tiếp tục ôn để sang năm thi tiếp. Lộ trình tiến thân, lập nghiệp được vẽ như sau: học ĐH (4 – 6 năm) –> lấy bằng –> xin việc (có người chờ học xong cao học mới đi làm hoặc đi làm một thời gian lại học thêm cao học). Nếu suôn sẻ, đấy là một lộ trình đẹp. Nhưng con đường nào cũng vậy, đẹp đẽ, thênh thang đến đâu cũng không đủ dành cho tất cả. Người thông minh là người ngay từ đầu, biết chọn cho mình một con đường hợp lý. Theo nhiều chuyên gia về thị trường nhân lực, con đường thông minh ấy chính là các cơ sở đào tạo nghề có hàm lượng công nghệ cao, thời gian đào tạo từ 2 – 3 năm. Lấy thí dụ một ngành học đang rất hot hiện nay: CNTT.


Hàn lâm không hẳn phù hợp


Nếu như tại thời điểm năm 2000, cả nước có 42 trường ĐH có đào tạo kỹ sư/cử nhân CNTT, 36 cơ sở đào tạo hệ CĐ và 9 cơ sở đào tạo phi chính quy thì năm 2004, số trường ĐH tham gia đào tạo nhân lực cho ngành CNTT đã ở con số 62 trường, số cơ sở đào tạo hệ CĐ đã tăng hơn gấp hai lần với 74 trường và số cơ sở đào tạo phi chính quy tăng gấp hơn 8 lần với 69 đơn vị. Như vậy, xét về số lượng, rõ ràng các cơ sở đào tạo phi chính quy đã có tỷ lệ tăng trưởng nhảy vọt. Còn về chất lượng thì sao? Theo TS Lê Trường Tùng và TS Nguyễn Khắc Thành, chất lượng đào tạo CNTT không phải là ngoại lệ trong yếu kém chung của GD – ĐT tại Việt Nam. Với việc chuyển đổi tính chất từ ngành khoa học – công nghệ như bao ngành khoa học – công nghệ khác sang ngành kinh tế – kỹ thuật, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này đòi hỏi các đặc thù riêng. Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong ngành phần mềm nói riêng và CNTT nói chung, thực sự đã đặt ra các thách thức rất lớn đối với hệ thống đào tạo chính quy mang nặng tính hàn lâm. Tính toàn cầu hóa của CNTT đòi hỏi việc hội nhập, quốc tế hóa của đào tạo CNTT. Cũng theo phân tích của hai chuyên gia này thì đào tạo chính quy có những đặc thù khá cứng: văn bằng theo hệ thống quốc gia; khung chương trình, học phí do Nhà nước quy định; chỉ tiêu hằng năm cũng do Nhà nước ấn định. Trong khi đó, đặc thù của đào tạo phi chính quy khá mềm, nó không phụ thuộc: pháp nhân đào tạo (nhà nước, công ty, tư nhân); phương thức và thời gian đào tạo; hợp tác quốc tế (có hoặc không); trình độ đào tạo (cao hay thấp)… mà dạy cái gì, học phí thu bao nhiêu, dạy bao nhiêu học viên đều do đòi hỏi của ngành CNTT – như một ngành kinh tế – kỹ thuật và do cơ chế thị trường quyết định. Chính nhờ tính linh hoạt này mà trên 50 cơ sở đào tạo phi chính quy hằng năm có thể cung ứng cho thị trường 7.000 – 10.000 chuyên viên CNTT các chuyên ngành khác nhau, chiếm trên 40% tổng số lượng đào tạo hằng năm. Như một thành phần trong ngành dịch vụ CNTT, trên 50 cơ sở này đang tạo ra doanh thu khoảng 10 triệu USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam hiện nay.


Cần gì, dạy nấy = Hiệu quả


Tuy thế, không chỉ tâm lý của TS mà ngay cơ chế dành cho khu vực đào tạo này cũng đang tồn tại nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phân luồng một cách tự nhiên. Từ vài năm trước, trong vai trò Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM, ông Lê Trường Tùng đã cảnh báo: Cung cách quản lý không theo kịp tình hình thực tế. Đòi hỏi hệ thống đào tạo chính quy cung cấp đủ nhân lực cho ngành CNTT là một đòi hỏi vượt quá khả năng của các trường ĐH, CĐ, đơn giản bởi họ không thể làm nổi!. Một lãnh đạo của Công ty TMA – chuyên xuất khẩu phần mềm, kể rằng: có lần, doanh nghiệp của ông cần 40 lao động nhưng sau một tháng phỏng vấn, chỉ tuyển được 21/300 người dự tuyển. Trong đào tạo nguồn nhân lực, các trường (bên cung) và các doanh nghiệp (bên cầu) vẫn chưa gặp nhau.


Trước thực trạng này, một số cơ sở đào tạo phi chính quy đã tranh thủ khẳng định sức mạnh để thu hút người học. Ông Nguyễn Khắc Thành cho biết: Ngành CNTT thay đổi rất nhanh, với SV năm 4, kiến thức của năm thứ nhất có thể bị lạc hậu. Giáo trình không thường xuyên được cập nhật là một nghịch lý. Vì lẽ đó, Aptech cập nhật giáo trình hằng năm. Việc thiết kế giáo trình dựa trên 3 nguồn chính: khảo sát của các đơn vị sản xuất, khảo sát từ người sử dụng, và khảo sát từ hệ thống các trung tâm đào tạo của Aptech (hơn 3.000 trung tâm trên thế giới). Một nguồn nữa là dựa trên dự báo những xu hướng phát triển công nghệ. Ví dụ, chương trình ACCP 2003 đã bắt đầu dạy về .Net, khi đó Microsoft mới có bản beta của .Net. Đến đầu năm 2005, các trung tâm Aptech ở Việt Nam đã có những học viên tốt nghiệp học về .Net, lĩnh vực các doanh nghiệp làm phần mềm đang rất săn đón. Hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Mục tiêu đào tạo của Aptech là hướng nghề, nhấn mạnh vào các kỹ năng để học viên ra trường có thể làm thuần thục. Trong khóa học, học viên được làm 3 đồ án, mỗi đồ án là một sản phẩm hoàn thiện giúp họ nắm bắt được các công đoạn trong quy trình của dự án thực tế. Như vậy, học viên ra trường có thể làm việc được ngay. Bên cạnh đó, việc rèn luyện các kỹ năng khác ngoài kỹ thuật (kỹ năng mềm) cũng được chú trọng: kỹ năng trình bày, các kỹ năng giao tiếp (sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng phỏng vấn). Đội ngũ giáo viên của Aptech là người Việt, dạy tiếng Việt nhưng giáo trình bằng tiếng Anh, do vậy trình độ ngoại ngữ của các học viên Aptech được cải thiện khá tốt.


Thứ bậc tỷ lệ % các mục đích học ĐH


Theo kết quả nghiên cứu 1.787 SV ĐHQG TP. HCM của nhóm nghiên cứu trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, đa số SV được thúc đẩy bởi động cơ bên trong có ý nghĩa xã hội: 1.164 SV (65,1%) (thứ 1) cho rằng mục đích vào ĐH là nhằm tăng cường kiến thức;


Làm việc có hiệu quả cao: 1.091 SV (61,1%) (thứ 2) – điều này có nghĩa là SV thật sự khát khao trí thức và muốn trở thành người có ích xã hội. Động cơ bên ngoài cũng chi phối đáng kể việc học tập của SV; học để có tấm bằng ĐH: 1.027 SV (57,5%) (thứ 3) hoặc dễ kiếm việc làm: 863 SV (48,3%) (thứ 4); theo ước muốn của gia đình: 377 SV (21,1%) (thứ 5); để không thua kém bạn bè: 276 SV (15,4%) (thứ 6); vì không biết làm gì khác: 72 SV (4%) (thứ 7).  


Không vượt được vũ môn, bạn vẫn có thể hóa rồng


* Nhận thấy mình có năng khiếu về sửa chữa các đồ điện tử, ngay từ đầu Đức Việt đã xác định mục tiêu của mình là vào học một trường trung cấp  hoặc dạy nghề điện tử và không mấy khó khăn để đạt được nguyện vọng của mình: đỗ khoa Điện tử trường Trung cấp Công nghiệp. Việt cảm thấy hứng thú thực sự với việc học chương trình đào tạo rất gọn nhẹ (18 tháng), chú trọng vào chuyên môn (thực hành chiếm 70%). Sau khi hoàn thành khoá học, Việt đã cơ bản sửa được hầu hết những hỏng hóc điện tử, xin vào học nghề tại cửa hàng sửa chữa điện thoại số 402 Khâm Thiên nơi cậu có thể đem những gì mình học được tại trường nghề soi vào thực tế. Việt đã đóng góp vào doanh thu của cửa hàng ngang với những người thợ khác nên được miễn học phí đồng thời được nhận mức lương khuyến khích là 500 ngàn đồng/ tháng. Hiện tại, ngoài giờ làm tại cửa hàng Việt sửa thêm những máy điện thoại hỏng mua ở khu Đê La Thành và thu nhập khoảng chừng 1 triệu đồng/tháng.


* Tốt nghiệp cấp III với lưng vốn về các ngôn ngữ lập trình, thiết kế web và Auto Cad tự học qua sách, Cường quyết định đăng ký duy nhất một nguyện vọng: thi vào Khoa CNTT, ĐH Bách khoa. Thi trượt, Cường rất buồn nhưng không bỏ phí thời gian. Cậu đã đến thăm công ty của người anh chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và nhận ra một điều quan trọng:  để tìm được những người thợ mộc, thợ sơn giỏi là rất khó so với việc tìm người có bằng cử nhân/kỹ sư. Cường muốn mình được đào tạo nghề một cách thiết thực và cậu đã nghĩ đến Aptech.


Với tham vọng làm chủ công nghệ, Cường lao vào học tập nghiên cứu các nội dung trong chương trình học. Cậu đã giật giải khuyến khích (1 trong 6 TS điểm cao nhất) của cuộc thi tay nghề ASEAN cấp quốc gia. khi mới học CNTT được… 6 tháng. Từ đây, Cường được ưu tiên tham gia các cuộc Hội thảo chuyên đề lớn như Hội thảo Microsoft về bảo mật, được các hãng lớn gửi tài liệu, CD về những sản phẩm mới thậm chí là sử dụng thử và góp ý kiến cho sản phẩm mới. Đây là cơ hội để Cường luôn được update thông tin, tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ mới nhất.


Mới chỉ kết thúc học kỳ đầu tiên tại Aptech nhưng Cường đã có thể nhận những công việc part-time như quản trị mạng, thiết kế web. Cậu gia nhập một nhóm gồm 5 thành viên chuyên làm dịch vụ CNTT. Tuy vậy, Cường quyết định không đi làm ngay mà sẽ tiếp tục học một khoá Khoa học máy tính tại ĐH RMIT Việt Nam để nhắm đến những mục tiêu xa hơn.


Kiều Hải – Lan Phương