Thí sinh ACM/ICPC sẽ lập trình bằng ngôn ngữ C++

Cuộc so tài lập trình viên quốc tế vòng loại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 24 đến 25/11, đòi hỏi các thí sinh phải thể hiện trên hệ điều hành Windows XP hay Linux với ngôn ngữ lập trình C/C++, Java hoặc nguồn mở, không chấp nhận Pascal.

Đây là lần đầu tiên, VN đăng cai giải đấu vòng loại và sẽ áp dụng mọi tiêu chuẩn quốc tế từ máy móc, thiết bị cũng như việc sử dụng tiếng Anh, chấm thi trực tuyến…

Theo quy định, mỗi đại học, cao đẳng, học viện có thể đăng ký từ 1 đến nhiều đội tuyển tham dự tại điểm thi là Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc 1 trong số 12 điểm thi vòng loại ACM/ICPC khu vực châu Á. Thành phần mỗi đội tuyển gồm 3 sinh viên, 1 huấn luyện viên.

“Các đội phải giải 10 bài lập trình theo thứ tự từ A đến I trong vòng 5 giờ. Những bước chính cần tiến hành gồm: chọn đề giải, dịch đề, tìm thuật toán và coding, gửi kết quả”, ông Nguyễn Long, Trưởng ban tổ chức ACM/ICPC tại Việt Nam, cho biết. “Nếu không kỹ, kể cả đã qua các test, vấp ở test cuối cùng bài 10 vẫn không được tính điểm”.

Kết quả được chấm tự động theo chương trình Test chuẩn PC^2 của ACM. Cách tính từ thời gian nộp, giải đúng qua tất cả các test thì được 1 điểm. Nếu giải sai sẽ bị trả về, chỉ báo lỗi theo quy định. Đoạt giải nhất sẽ là đội giải được nhiều bài nhất trong thời gian ngắn nhất (PC^2 tự động test và đếm thời gian, lưu chữ quy trình). Sau đó, kết quả thi được công bố công khai ngay tại điểm thi: online kết quả trong 4 giờ đầu. Riêng giờ thi thứ 5 sẽ tạm ngừng online, công bố kết quả cuối cùng vào lễ trao giải thưởng.

Sẽ có 1 giải vô địch, 3 vàng, 4 bạc, 4 đồng được trao cho 12 đội đứng đầu. Đội quán quân sẽ tham dự kỳ thi chung kết, dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3/2007.

Hiện có 70 nhóm đăng ký tham gia, trong đó có gần 15 đội quốc tế đến từ Đại học Tổng hợp Hong Kong, Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)… Danh sách 55 đội tuyển trong nước cũng đã hội tụ khá đầy đủ những tên tuổi như Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Bưu chính Viễn thông và CNTT… Đặc biệt, có sự xuất hiện của các đội tuyển đến từ Đà Nẵng, Hải Phòng, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), Đại học Quy Nhơn…

Một trong số những yếu điểm của các thí sinh Việt Nam khi ra đấu trường lớn này là tiếng Anh. Bên cạnh đó, 80% số trường ở VN đang dạy Pascal. Chính những điều này đã khiến nhiều bạn trẻ e ngại khi nghĩ đến chuyện tham gia cuộc thi.

“Lời khuyên của chúng tôi cho các thi sinh là hãy chú trọng đến tính hoàn thiện của bài thi. Bên cạnh đó là tính chuyên nghiệp khi làm việc theo nhóm và tinh thần đồng đội”, một thành viên Ban tổ chức nói. “Các bạn cần phải có chiến lược và chiến thuật rất rõ ràng khi bước vào đấu trường này”.

Trong số 12 điểm thi ACM/ICPC khu vực châu Á, đã có 3 nơi công bố kết quả chung cuộc. Cụ thể, tại Manila (Philippines), đội tuyển Đại học tổng hợp Hong Kong vô địch sau khi giải 7/10 bài. Tại điểm Yokohama (Nhật Bản), đội về nhất cũng giải được 7 bài. Ở Seoul (Hàn Quốc), Đại học Quốc gia Seoul đứng đầu với kết quả 8/10 bài

ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) là kỳ thi lập trình viên quốc tế lâu đời, lớn và có uy tín nhất thế giới: tổ chức lần đầu tại Mỹ năm 1970 dưới sự bảo trợ của Hiệp hội máy tính ACM. Từ năm 1989. cuộc thi mở rộng quy mô toàn cầu, đặt trụ sở tại Baylor University, các đội dự thi phải vượt qua vòng loại được tổ chức tại các trường đại học uy tín mới được tham dự vòng chung kết (thường là đầu năm tiếp theo). Năm 2005, vô định là đội tuyển Shanghai Jiao Tong University. Năm 2006, Đại học tổng hợp Saratov (Nga) đoạt ngôi vô địch.