"Sốt" nhân lực phần mềm

Vòng quanh các gian hàng của các công ty phần mềm tại ngày hội trên, chúng tôi
nhận thấy khá nhiều công ty đang ráo riết tìm những ứng viên cho mình. Công ty
Vinagame cần 130 người cho các vị trí lập trình, thiết kế web, kỹ sư mạng…
Công ty Network cần 80 lập trình viên, Công ty Digi Tex cần 55 lập trình viên,
Công ty GHP cần hơn 200 lập trình viên.

Bà Vũ Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Vinagame thừa nhận công ty mình đã tuyển
từ hai tháng nay nhưng những chức danh cần vẫn còn thiếu khá nhiều.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CNT cho biết “các doanh nghiệp đang
tranh nhau những lập trình viên có trình độ khá, thậm chí họ còn dùng đủ mọi
cách chiêu dụ, đẩy mức lương trung bình từ 300 – 500 USD lên đến 700 USD như
hiện nay mà vẫn thiếu người”.

Một tập đoàn lớn của Mỹ mới mở nhà máy tại Việt Nam cần đến 200 kỹ sư tin học và
đã “cầu viện” nhiều công ty nhân lực nhưng 6 tháng qua chỉ có 56 vị trí “có chủ”.

Tuy nhiên những công ty trên đều cho rằng ngày hội kiểu này chỉ tìm những ứng
viên cho tương lai và “để dành” cho mai này chứ không thể dùng ngay bây giờ.

Vinagame đã phỏng vấn và kể cả thử việc gần 1.000 hồ sơ nhưng số đáp ứng được
vỏn vẹn chỉ trên dưới 20 người. “Đông nhưng không tinh” đó là nhận xét chung của
các nhà tuyển dụng, tình trạng đó khiến nhân lực phần mềm thiếu càng thêm thiếu.
Mặt khác việc đào tạo theo số lượng đã làm nhiều công ty “dở khóc dở cười” khi
tin vào bằng cấp.

Theo ông Vũ Quốc Việt Nam (Học viện CNTT NITT, đơn vị tổ chức ngày hội), nhân
lực phần mềm thiếu hụt phần lớn do gần đây nhiều hợp đồng gia công phần mềm từ
châu Âu, Mỹ “đổ” về Việt Nam và sau Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam đang nổi lên như
một nơi gia công phần mềm hấp dẫn các nhà đầu tư.

Sự kiện Intel, tuy chỉ sản xuất “phần cứng” đầu tư hơn 500 triệu USD vào Việt
Nam cũng là một “cú hích” khá đáng kể. Hai năm gần đây nhiều công ty xuất khẩu
lao động của Việt Nam cũng kiếm được những hợp đồng đưa lao động trong lĩnh vực
phần mềm sang Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc…với số lượng không nhỏ, thu nhập khá
cũng khiên thị trường thêm nóng.

Như Công ty Unico Việt Nam vừa qua đã đưa được 100 kỹ sư CNTT sang Nhật làm việc.
Sự phát triển mạnh mẽ của game o­nline đang khiến nhiều công ty như FPT,
Vinagame “săn lùng” nhân lực giỏi trong lĩnhvực này. Có thể lạ nhưng khá nhiều
lĩnh vực như: cá cược, trò chơi phần mềm ĐTDĐ… đang được nhiều công ty tại
Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc,
Australia, Mỹ…

Một số công ty phần mềm khác lại chọn cách đi “đường tắt” bằng việc tuyển dụng
trên danh nghĩa làm việc tại Việt Nam nhưng lại đưa sang công ty mẹ “tu nghiệp,
nâng cao tay nghề”. Sau một thời gian thăm dò, nhiều công ty đã nhận ra nhân lực
phần mềm Việt Nam cũng không thua kém nhiều nhưng đổi lại chịu khó học hỏi, giá
nhân công rẻ nên đã chú ý đến thị trường này hơn.

Sắp tới khi Việt Nam gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài tăng cao, cộng với các yếu
tố trên, nhân lực phần mềm lại càng “sốt cao”.

Ông Nguyễn Bình Dương, Phó Giám đốc Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang
Trung cho rằng: “Sắp tới cầu sẽ tăng cao và thiếu hụt nhân lực sẽ là rào cản cho
các công ty phần mềm phát triển, nhưng xem ra từ khâu đào tạo đến tuyển dụng
chúng ta vẫn chưa “gặp nhau”. Để khắc phục điểm yếu ấy sẽ chẳng còn cách nào
khác là hạn chế dần tình trạng: trường cứ đào tạo còn làm việc được hay không sẽ
hạ hồi phân giải.