Sôi động "Ngày hội tuyển dụng IT"

Ứng viên nộp hồ sơ phỏng vấn

Ngày 18.3, Ngày hội tuyển dụng IT được Báo Lao Động, Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin Hà Nội và Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Hanoi-Aptech hợp tác tổ chức.

Đại diện Ban tổ chức, nhà báo Vũ Mạnh Cường – Phó TBT Báo Lao Động cho biết: “Chương trình nhằm tạo cầu nối giúp sinh viên và đơn vị tuyển dụng rút ngắn khoảng cách”. Ngày hội đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn sinh viên các trường đại học, các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực CNTT.

Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ đăng ký dự tuyển của các bạn sinh viên mới được doanh nghiệp sơ tuyển. Theo chị Đặng Thị Kiều – PTNS Cty Cp Bền, sự hạn chế về khoảng không gian và thời gian làm doanh nghiệp mới chỉ thực hiện vòng 1. Mặt khác, kiểm tra chuyên môn của ứng viên phải thực hiện vào thời gian khác. Đại diện của Cty Viettel Telephone cho biết: Công ty có nhu cầu tuyển dụng rất lớn và được thực hiện tại 64 tỉnh, thành phố, chúng tôi ghi lại một số hình ảnh tại “Ngày hội tuyển dụng IT”:

Tư vấn tại Ngày hội tuyển dụng IT
Chương trình Gameshow mang tính giao lưu, góp phần làm chương trình thêm sôi động

Những ý kiến các doanh nghiệp mang tới Hội thảo Nguồn nhân lực CNTT – trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội tuyển dụng IT” đã giúp sinh viên CNTT có được bức tranh xác thực về thị trường lao động CNTT hiện nay.

Ông Nguyễn Kiên Cường

Ông Nguyễn Kiên Cường – GĐ phát triển cộng đồng của Microsoft VN: “Sự say mê khám phá, say mê sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng…”

Rất nhiều định hướng, các bạn có thể lựa chọn để phù hợp với khả năng của mình: Phần cứng, triển khai, dịch vụ, lập trình viên, quản trị dự án, quản lý chất lượng… Bạn có công cụ lập trình Visual Studio và rất nhiều lĩnh vực để áp dụng công nghệ như: Internet, Peacesoft, Mobile devices…

Nên lập những nhóm trao đổi để có đóng góp xây dựng cộng đồng phát triển phần mềm. Một trong những kỹ năng mà các bạn trẻ VN thiếu là sự rụt rè, cần khắc phục điểm yếu này.

Ông Trần Thanh Bình

Ông Trần Thanh Bình – PGĐ Viettel Telephone: “Một trong những điểm yếu của người lao động là cách tiếp cận vấn đề…”

Trường học chỉ trang bị kiến thức cơ bản. Cuộc sống và công việc rất phức tạp được ví như những “biến số”, vấn đề là biết tập hợp lại và giải quyết nó. Về nguyên tắc, bằng cấp là căn cứ xác định trình độ đào tạo. Nhà tuyển dụng quan tâm đến bằng cấp, tuy đó không phải là vấn đề quyết định, nhưng trong điều kiện số lượng ứng cử viên dự tuyển rất lớn, với hàng ngàn hồ sơ, ứng cử viên có bằng ưu sẽ được chú ý hơn.

Thực tế, có người có 3 bằng đại học nhưng khả năng làm việc rất kém. Có người học lực trung bình nhưng tư duy tốt vẫn được tuyển dụng. Sự sàng lọc này là khắt khe, nhưng cần thiết.