Sinh viên CNTT mới ra trường: Cần trang bị kỹ năng "đón đầu "

Thầy Trần Văn Cúc – Phó Chủ nhiệm Khoa Toán – Tin – Cơ (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đặt ra một vấn đề: “Có nhiều sinh viên ra trường chưa kiếm được việc làm nên quay sang học tiếp lên cao học. Cách thức này đôi khi gây ra sự uổng phí.” Vậy đâu là hình thức tốt nhất để sinh viên để họ có thể bắt nhịp ngay được với thực tế và kiếm được việc làm thích hợp?

Nuôi 23 người không dễ

Khác với các ngành nghề khác, trên thị trường nhân lực Việt Nam hiện nay, nhân sự cho ngành CNTT luôn trong tình trạng thiếu hụt. Đây là thông tin có lợi và dường như ai cũng biết, nhất là sinh viên trong ngành CNTT. Sức hút của ngành này còn thể hiện trên nhiều khía cạnh khác. Ông Trấn Lương Sơn – TGĐ Công ty Vietsoftware – cho rằng, CNTT nói chung hay Lập trình viên là một ngành rất hấp dẫn. “Một người làm CNTT có thể nuôi sống tới 23 người khác”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên các bạn trẻ đang theo học tại các trường đại học danh tiếng của Việt Nam lại tỏ ra không mấy tự tin. Khoa Thị Vân, sinh viên năm thứ ba (K49A3 – Khoa Toán Tin – Trường ĐH KHTN) tâm sự: “Các công ty đang dùng những ngôn ngữ lập trình rất mới mẻ với bọn em”. Học chuyên toán từ năm cấp III, yêu tin học, Vân đến với khoa Toán Tin với ước mơ theo đuổi được con đường của một lập trình viên. Vậy mà đến giờ, Vân thú thực, bạn đang đi làm thêm với công việc của một… kế toán. “Nuôi 23 người không phải dễ”, Vân nói: ” Những kiến thức mà chúng em được học vẫn chưa thể đáp ứng được cho công việc. Em đang tính phải học thêm nữa”.

Đông đảo các nhà giáo dục tâm huyết và sinh viên CNTT tham dự hội thảo.

Cần một trạm trung chuyển

Mặc dù mỗi năm, ước tính chúng ta có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT bậc Đại học và khoảng 10.000 bậc Cao đẳng – Trung học, nhưng theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học Tp Hồ Chí Minh: “: “Tốc độ tăng trưởng của nghành CNTT trong những năm gần đây luôn cao hơn rất nhiều so với nguồn cung nhân lực. Tuy nhiên hiện nay đang tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa đầu ra của hệ thống đào tạo với nhu cầu tuyển dụng thực tế của các doanh nghiệp.” Vậy là trong khi nhân lực CNTT ở Việt Nam “cung không đủ cầu”, thì có một thực tế là nhiều sinh viên sắp ra trường lại đang băn khoăn với hướng mà mình đã lựa chọn.

Làm thế nào để có kinh nghiệm? Câu hỏi này đã được nhiều bạn đặt ra tại buổi hội thảo “Sinh viên và cơ hội việc làm trong nghành CNTT” của Khoa Toán Tin Cơ trường ĐH KHTN  phối hợp cùng một số doanh nghiệp tổ chức cuối tháng 3.2007. Câu trả lời thông thường mà ai cũng biết, đó là: xin được vào thực tập trong một công ty nào đó. Nhưng xin vào thực tập tại các công ty cũng đâu dễ bởi nhiều lý do. Chẳng hạn việc thu xếp thời gian của sinh viên, đôi khi việc học hành thi cử cũng bị ảnh hưởng, vấn đề bảo mật trong các công ty…

Tại buổi hội thảo, Kim Dung (Sinh viên năm thứ hai – ĐH KHTN) hỏi thẳng: “Em mong muốn trong thời gian tới được đi thực tập ở một công ty IT. Em muốn hỏi Vietsoftware có hỗ trợ cho sinh viên thực tập không?”. Bà Tuấn Anh – Trưởng phòng nhân sự Công ty Vietsoftware rất thoải mái trả lời: Chúng tôi mở rộng cửa cho các bạn đến thực tập.” Tuy nhiên bà cũng lưu ý các sinh viên rằng có điều kiện để đi thực tập cũng là một cách rất tốt, tuy nhiên vẫn có những cách tích cực hơn để các bạn ngay khi ra trường có thể đáp ứng với công việc mà không bị bỡ ngỡ. Chẳng hạn, có một cách tốt hơn là các bạn trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng với tinh thần “đón đầu ” chứ  không “chạy theo”. Và tốt nhất là các bạn tìm kiếm và tham gia vào các  khóa học bổ trợ nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng. Có nhiều bạn mơ ước trở thành Lập trình viên, biết rõ rằng những kiến thức học tại trường học chỉ là những gì căn bản nhất, và nó chỉ là nền tảng để biến giấc mơ đó thành hiện thực nên đã chủ động tìm kiếm những khóa học nâng cao. Có thể đó là các ngôn ngữ lập trình mới mà trong trường chưa có điều kiện đề cập, hoặc các khóa học ngoại ngữ không chỉ tiếng Anh mà còn cả Tiếng Nhật.

Hoàng Mai Long (lớp K51A1C-ĐH Khoa Học Tự Nhiên) đã may mắn nhận một suất học bổng khuyến học do Trung tâm Đào tạo lập trình viên Hanoi-Aptech trao tặng:“ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, Long cho biết, “được học bổ trợ tại Hanoi – Aptech là cơ hội tốt giúp bạn không chỉ tiếp cận với kiến thức mới mà còn là cơ hội để giao lưu với các bạn ở ngoài trường để xem họ tích lũy kiến thức như thế nào”.

Thầy Cúc giãi bày : “Không phải là Marketing cho sinh viên của tôi đâu, nhưng thực sự các em rất khá. Tôi chỉ mong các công ty, các trung tâm thường xuyên tiếp cận và mang đến những thông tin hữu ích như là công nghệ mới, khóa học bổ trợ…như một trạm trung chuyển,  giúp các em vững tin gắn bó với con đường đã chọn lựa.”