Quyết tâm đổi mới

Theo Bộ GDĐT, từ năm 2001 đến 2005, CNTT trong ngành GDĐT đã có bước phát triển mạnh. Năm 2000, cả nước có 42 trường đại học (ĐH), 36 trường cao đẳng (CĐ) đào tạo CNTT, đến năm 2005 đã có 62 ĐH (tăng 48%) và 71 CĐ (tăng 97%). Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ CNTT tăng từ 4.000 (năm 2000) lên 9.000 (năm 2002) và được duy trì ở mức 10.000 từ năm 2003-2005. Tổng cộng, đã có 44.000 sinh viên CNTT ở các trường ĐH, CĐ qua 5 năm 2001 – 2005. Đào tạo sau ĐH về CNTT trong nước tăng 30%/năm. Hơn 100 cán bộ được gửi đi đào tạo CNTT sau ĐH ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Cả nước có khoảng 88 cơ sở đào tạo CNTT trình độ trung cấp, mỗi năm có khoảng 200.000 học viên được đào tạo phi chính quy theo trình độ A, B, C. Tin học ứng dụng đã được đưa vào giảng dạy trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật – công nghệ, khoa học tự nhiên. Sinh viên đã sử dụng CNTT để giải quyết các vấn đề chuyên ngành. Đã có 7 chương trình đào tạo CNTT của nước ngoài được triển khai tại Việt Nam: ĐH RMIT (Úc), APTECH (Ấn Độ), Viện CNTT Quốc Gia Ấn Độ, Viện Đào Tạo Mạng SISCO (Mỹ), Viện Tin Học Pháp Ngữ (IFI)…

Đến 2005, tất cả ĐH và CĐ đã đầu tư phát triển hạ tầng mạng thông tin nội bộ và kết nối Internet, 89% trường trung cấp chuyên nghiệp đã kết nối Internet. Nhiều ĐH, CĐ đã đưa trang thông tin điện tử lên mạng, xây dựng trung tâm thông tin và thư viện điện tử. CNTT đã được ứng dụng trong quản lý nhà trường, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh, quản lý kết quả học tập của sinh viên. CNTT cũng được dùng làm công cụ đổi mới phương pháp giảng dạy: bài giảng điện tử, thi trắc nghiệm, khai thác nguồn tư liệu trên mạng….

Một số trường trung học phổ thông (THPT) đã đưa môn tin học vào giảng dạy. Cuối năm 2005, đã có 100% trường THPT được kết nối Internet. Những chương trình giúp trẻ mầm non làm quen với máy vi tính và ứng dụng CNTT vào giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non đã được triển khai khắp nước. CNTT cũng được ứng dụng cho công tác chỉ đạo tuyển sinh, mã hóa đề thi, công khai đề thi, đáp án các môn ngay sau đợt thi, tra cứu kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ trên mạng; họp công tác tuyển sinh qua mạng…

Chương trình “Quản lý cán bộ, công chức, viên chức của ngành” (PMIS) và “Hệ thống thông tin quản lý giáo dục” (EMIS) cũng được triển khai tại các cấp quản lý cơ sở. Trang thông tin mạng giáo dục (www.edu.net.vn) và trang thông tin quản lý của Bộ (www.moet.gov.vn), cổng thông tin giáo dục điện tử (e-learning) đã được xây dựng nhằm đưa nhanh chủ trương chính sách, văn bản của Bộ GDĐT tới mọi người dân, đồng thời, thu thập ý kiến đóng góp của xã hội cho ngành…

CẦN VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN

Theo đánh giá của Bộ Trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân, việc ứng dụng và đào tạo CNTT của ngành còn có nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo nhân lực CNTT cho các chuyên ngành vẫn chưa theo kịp một số nước trong khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng, nhất là ứng dụng và phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên ngành, hạn chế phát triển ngành công nghiệp CNTT.

Cũng theo Bộ Trưởng, chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT từ 2004 đến 2010 đang gặp khó khăn vì chưa có nguồn kinh phí nhà nước để triển khai. Hệ thống chứng chỉ quốc gia về đào tạo CNTT chưa được chuẩn hoá mang tính liên thông. Việc ứng dụng CNTT vào dạy và học chưa phát triển, một số mô hình tốt chưa được đánh giá và nhân rộng kịp thời. Ứng dụng CNTT để quản lý, điều hành ở các cấp quản lý giáo dục và nhà trường chưa rộng rãi, còn mang tính tự phát, chưa thống nhất được cơ sở dữ liệu của ngành, các hệ thống chưa liên thông…

Vì vậy, Bộ GDĐT đã đề ra 3 mục tiêu và 7 giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển đào tạo và ứng dụng CNTT của ngành giai đoạn 2006-2010. Bộ Trưởng cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp này và đề nghị ngành GDĐT trước mắt tập trung phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị khác giải quyết 3 vấn đề: tài chính; chuẩn hóa chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; phối hợp với các DN.

Về kinh phí, sau khi dự trù ngân sách cho “Chiến lược phát triển CNTT đến năm 2008” được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, tổ chức gồm Bộ KHĐT, Bộ TC, Bộ BCVT, Ban 58, Hội Tin Học VN… để xác định nguồn vốn và quy mô cấp vốn khả thi cho năm 2007 và 2008, trình Chính Phủ bố trí ngân sách cho 2007 và trình Quốc Hội phê duyệt.

Về chuẩn hóa chương trình, bằng cấp, chứng chỉ CNTT, Bộ GDĐT thành lập tổ công tác do một thứ trưởng phụ trách, các thành viên gồm đại diện các vụ (pháp chế, ĐH và sau ĐH…), ĐH, CĐ, và có sự tham gia của DN, các chuyên gia quốc tế. Bộ phận này sẽ tiến hành khảo sát quy hoạch mạng lưới ĐH, CĐ về CNTT và cuối năm 2006, khảo sát thực tế công tác đào tạo CNTT các cấp độ tại một số các tỉnh/thành tiêu biểu, thu thập các chương trình đào tạo CNTT, xem xét chương trình khung của các nước, tổ chức quốc tế như: Trung Quốc, Singapore… Đầu năm 2007, Bộ sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về chuẩn hóa chương trình đào tạo, hệ thống chứng chỉ, văn bằng CNTT Việt Nam; hoàn chỉnh các chương trình quy định dự thảo về các văn bằng chứng chỉ, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 3/2007.

Về phối hợp với DN, Bộ GDĐT cũng thành lập một tổ công tác về đào tạo theo nhu cầu DN, làm việc với bộ KHĐT, Bộ BCVT, các hội tin học, phần mềm và khoảng 10 công ty CNTT nước ngoài tại VN… để hình thành một cơ chế tiếp nhận các nhu cầu nhân lực CNTT của các DN và thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng hay theo nhu cầu dự báo của DN. Trong tháng 11/2006, bộ phận này sẽ khảo sát các chương trình đào tạo theo nhu cầu đã làm trong thời gian vừa qua ở một số trường ĐH. Sau đó, tổ chức hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội, kiến nghị Chính Phủ ban hành các chính sách cần thiết để triển khai đào tạo, cơ chế hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu DN. Dự kiến, đầu năm 2007, Bộ sẽ triển khai thí điểm đào tạo nhân lực CNTT theo nhu cầu ở Hà Nội, TP.HCM…

3 MỤC TIÊU
– Tạo chuyển biến đột phá trong việc đào tạo và cung cấp nhân lực CNTT-VT theo nhu cầu xã hội, phục vụ nhu cầu phát triển của ngành CNTT-VT và các ngành kinh tế khác, tạo lợi thế về nhân lực Việt Nam trong việc khai thác các thị trường CNTT nước ngoài trong quá trình hội nhập quốc tế.
– Ứng dụng rộng rãi CNTT-VT để hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả công tác GDĐT với chi phí thấp.
– Ứng dụng rộng rãi, thống nhất CNTT-VT để tin học quản lý toàn ngành.

7 GIẢI PHÁP
– Trong năm 2006, xác lập cơ chế và nguồn tài chính cho chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến 2008 đã được Thủ Tướng phê duyệt.
– Chủ động phối hợp với Bộ BCVT, các Hội DN về CNTT, các DN lớn trong nước và nước ngoài về CNTT-VT để từng bước hình thành cơ chế đào tạo theo đặt hàng và theo nhu cầu dự báo của xã hội, của các ngành kinh tế về CNTT, qua đó đảm bảo cập nhật hoá về nội dung và quy mô đào tạo, huy động được nhiều nguồn kinh phí cho phát triển đào tạo CNTT-VT.
-Chuẩn hoá chương trình đào tạo về CNTT – VT ở tất cả các bậc học, hình thành hệ thống văn bằng, chứng chỉ thống nhất về CNTT-VT, có tính tương thích với hệ thống chứng chỉ của các nước tiên tiến.
– Liên kết các nguồn lực và phát huy hợp tác quốc tế để hình thành các trường, các khoa có trình độ tiên tiến trong đào tạo về CNTT-VT.
-Hướng dẫn và hỗ trợ các tỉnh, các trường ĐH, CĐ, THCN triển khai và thi đua ứng dụng CNTT-VT vào mọi khâu của quá trình đào tạo, hình thành các ngân hàng quốc gia về tài nguyên tin học và viễn thông cho ngành GDĐT để dùng chung trong cả nước.
– Ngành GDĐT phối hợp với các Hội DN CNTT-VT để triển khai các chương trình phát triển tài năng về CNTT và lãnh đạo DN trẻ xuất sắc về CNTT-VT.
– Cập nhật và triển khai quyết liệt chương trình tin học hóa quản lý ngành và các cơ sở GDĐT trong cả nước, gắn chặt việc tin học hóa quản lí với cải cách hành chính của hệ thống quản lí nhà nước về đào tạo các cấp và hoàn thiện quản lí của các cơ sở đào tạo. Phấn đấu đến 2010, ngành GDĐT là một trong 3 ngành có trình độ tin học hoá quản lí tốt nhất trong cả nước.